Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp chiều nay (9/7) |
Phấn đấu hoàn thành 2.500km đường cao tốc vào năm 2020
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP (đơn vị chủ trì xây dựng đề án) cho biết, nhu cầu vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ nay đến năm 2020 cần khoảng trên 1 triệu tỷ đồng. “Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Huy khẳng định.
Theo ông Huy, lĩnh vực đường bộ từ nay đến 2020, dự kiến sẽ huy động khoảng 164 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách để đầu tư các tuyến đường cao tốc: Nội Bài – Bắc Ninh, Biên Hòa – Phú Mỹ - Cái Mép, Dầu Giây – Phan Thiết,… Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 2.500km đường cao tốc. Bên cạnh đó, ngành GTVT sẽ đầu tư nâng cấp và mở rộng một số tuyến quốc lộ trọng yếu có nhu cầu vận tải lớn, kết nối các trung tâm kinh tế, các tuyến cao tốc và một số đoạn có nhu cầu cao trên tuyến đường bộ ven biển gắn liền với đê biển.
Lĩnh vực hàng hải dự kiến huy động khoảng 44 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cửa ngõ quốc tế, các cảng biển nước sâu tại ba vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Trong đó, ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại hai cảng biển của ngoc quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa). “Hình thức đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp tự đầu tư đối với kết cấu hạ tầng cảng biển, đàu tư theo hình thức đối tác công tư đối với luồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cổ phần hóa đối với các cảng biển do các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý vận hành”, ông Huy nói.
Đối với đường thủy nội địa, sẽ huy động khoảng 11 nghìn tỷ đồng tập trung đầu tư vào hệ thống cảng chuyên dùng và một số tuyến luồng đường thủy trọng yếu khu vực phía Bắc, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; hàng không huy động khoảng 56 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các nhà ga một số sân bay, cảng hàng không, trong đó có sân bay Long Thành; đường sắt huy động khoảng 14 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các nhà ga, kho bãi, bãi hàng, khu dịch vụ.
Trong đề án cũng nêu ra nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông từ cơ chế chính sách, nguồn vốn,… đến công tác quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực.
“Về mặt nguồn vốn, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành gói Trái phiếu Chính phủ chỉ sử dụng cho phần đóng góp của Nhà nước trong các dự án PPP, đồng thời có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ làm phần vốn góp của nhà nước. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước xây dựng gói tín dụng với quy mô 100 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng và cho phép các quỹ bảo hiểm tham gia cho nhà đầu tư vay đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được Chính phủ bảo lãnh,…”, ông Huy đề xuất.
Trong đề án cũng nêu rõ, ngành GTVT sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng yếu, chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải các dự án trong lĩnh vực giao thông. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
Đẩy mạnh huy động vốn xã hội hóa
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các Thứ trưởng và đại diện các cơ quan liên quan, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sự cần thiết phải xây dựng đề án này để tiếp tục đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
“Trong những năm qua, nếu không có các hình thức đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa thì chúng ta không thể có bộ mặt kết cấu hạ tầng như hiện nay. Đơn cử, trong vòng 3 năm trở lại đây, bằng việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, hàng loạt cảng hàng không được xây dựng như Phú Quốc, T2 Nội Bài, Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Bài… đã làm thay đổi đáng kể hạ tầng của ngành hàng không nước ta”, Bộ trưởng nói.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban PPP tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng hoàn chỉnh đề án. “Trong một tuần nữa, các cơ quan đơn vị phải có văn bản góp ý trực tiếp đối với các nội dung của đề án. Các đồng chí Thứ trưởng phải chỉ đạo quyết liệt những đơn vị được phân công theo dõi thực hiện nghiêm túc công tác này. Đây là đề án hết sức quan trọng để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta sẽ tiến hành triển khai đề án nhằm huy động tối đa các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở đảm bảo đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH hơn nữa”, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận