Kinh tế

Vụ 32ha đất Phước Kiển: Đất nông nghiệp là hàng hoá hay tài sản?

23/04/2018, 07:15

Liên quan vụ 32ha đất Phước Kiển, nhiều người cho rằng, Công ty QCGL mua bán hàng hóa, không phải tài sản...

13

Lô đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè là đất da beo được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho QCGL

Quốc Cường Gia Lai nói không phải đất công

Ngày 22/4, Công ty QCGL có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và cổ đông, nhà đầu tư, đối tác... phản hồi liên quan đến việc nhận chuyển nhượng phần đất trên.  

Theo quy định, đất Nhà nước phải thông qua đấu giá, nhưng ông Cường khẳng định rằng, quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 32,4ha là đất da beo mà Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho QCGL 100% không phải đất phải thông qua đấu giá vì:

Thứ nhất, các thửa đất này không phải do Nhà nước giao đất cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) quản lý. Và đất không phải đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, không phải là đối tượng đất thuộc sở hữu Nhà nước giao cho cơ quan Nhà nước sử dụng theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng năm 2007.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, Tân Thuận là công ty 100% vốn Nhà nước, những tài sản hình thành trong quá trình hoạt động có phải là tài sản của Nhà nước hay không phải tham khảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và thời điểm áp dụng luật là năm 2008. Từ đó, đối chiếu với các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ rõ. Qua đó mới xác định được việc bán tài sản này có phải đấu giá hay không.

Thứ hai, các thửa đất mà Công ty Tân Thuận chuyển nhượng là đất nông nghiệp. Công ty Tân Thuận đã dùng nguồn tiền hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty để thương lượng đền bù trực tiếp với người dân. QCGL cũng đã và đang đền bù các thửa đất trong khu vực này cho dân. Vì hiện nay Tân Thuận chỉ mới chuyển nhượng cho QCGL 32,4/50ha đất mà QCGL làm dự án.

Thứ ba, Công ty Tân Thuận có vốn 100% thuộc chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy nhưng là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đất Đai. Các thửa đất của Công ty Tân Thuận đền bù trực tiếp của người dân là hàng hóa của doanh nghiệp và được kê khai sổ sách hạch toán vào tài khoản 154 là hàng hoá tồn kho của công ty. Hơn nữa, nguồn thu từ việc chuyển nhượng này được điều chuyển bổ sung vào nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh, dịch vụ tạo nguồn thu cho ngân sách Đảng bộ TP.

Như vậy, căn cứ vào Điều 118, Luật Đất Đai 2013, các thửa đất chuyển nhượng không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và không thuộc các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điều luật này. Việc đàm phán, thương lượng và đi đến ký kết Hợp đồng diễn ra trong suốt 10 tháng đều tuân thủ đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đất đai.

Trước đó, ngày 9/2 Công ty Tân Thuận và QCGL có ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng sau khi tham khảo các ý kiến của ban, ngành và Sở TN-MT mức giá 1,944.800 đồng/m2 (chưa VAT) mà Sở TN-MT xác định là giá đất được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất dự án. Vì thế, QCGL đồng ý tăng thêm 155,3 tỷ đồng (chưa VAT) và sẽ thanh toán chậm nhất vào 12/2018. Như vậy, tổng giá trị hợp đồng là 632 tỷ đồng (đã có VAT).

“Vì thế, chúng tôi cho rằng việc chuyển nhượng 32,4ha đất giữa Công ty Tân Thuận cho QCGL không phải là đất công. Và việc gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng trong việc chuyển nhượng này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó TGĐ Công ty QCGL nói.

Nhiều vấn đề pháp lý liên quan…

Hiện, có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về hậu quả pháp lý của vụ này. Với một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như vậy thì việc chuyển nhượng đất được coi là hàng hoá hay tài sản?

Một chuyên viên kế toán lâu năm cho biết, nếu xem 32,4ha đất là tài sản thì phải thông qua đấu giá, còn xem đây là hàng hoá thì ngược lại. QCGL cũng phản ánh rằng: Khi bán 32,4ha này đang nằm ở tài khoản 154 của Công ty Tân Thuận. Vì Tân Thuận là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nên cách hạch toán vào tài khoản N154, 156/C411 phần giá trị hàng hoá là phù hợp. Việc này cũng giống như khi mọi người mua nhà trong dự án của các công ty BĐS Nhà nước khác cũng không hề thông qua đấu giá, vì đối với các công ty này, các căn nhà này chính là hàng hoá, không phải tài sản công. Như vậy, hành vi mua bán 32,4ha đất này là hành vi mua bán hàng hóa, không phải mua bán tài sản.

Tuy nhiên, một luật sư (xin giấu tên) cho rằng, vấn đề ở đây phải xét nguồn gốc của tài sản đó được hình thành từ đâu, chứ không phải xem xét nó được hạch toán vào tài khoản nào trong hệ thống kế toán của doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, các bên đã ký kết hợp đồng kinh tế là hai pháp nhân độc lập, nếu phía Công ty Tân Thuận đơn phương huỷ bỏ hợp đồng thì QCGL có thể khởi kiện ra Tòa đòi bồi thường. Tuy nhiên, nếu hợp đồng làm trái với điều cấm của luật thì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng. Hoặc xuất hiện yếu tố hình sự như tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... thì song song với xử lý về mặt hình sự, hợp đồng kinh tế giữa Công ty Tân Thuận và Công ty QCGL cũng có thể bị hủy bỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.