Điều tra

Vụ "cấp sổ đỏ lòng sông" ở Hải Phòng: Sau lệnh đình chỉ “gạo đã thành cơm”

22/04/2019, 07:00

Dù bị đình chỉ thi công nhưng hộ dân liên quan vẫn rầm rộ triển khai xây dựng trong sự thờ ơ của chính quyền...

img
Công trình xây dựng dưới lòng sông của gia đình ông Hoàng Văn Đương

Đến nay, một nhà hàng hoành tráng đã hiện hữu trên lòng sông.

Đình chỉ trên giấy

Báo Giao thông số ra ngày 11/3 đăng bài “Lạ lùng chính quyền lấy… lòng sông để cấp sổ đỏ”, phản ánh việc nhà hàng “Chim to dần - Minh Đương” của ông Hoàng Văn Đương xây dựng công trình kiên cố trên diện tích đất nằm trong quy hoạch giao thông và dưới lòng sông Đa Độ, thôn Đức Phong (xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Khi phát hiện sự việc, các cơ quan chức năng đã tới lập biên bản yêu cầu gia đình ông Đương dừng việc thi công. Tuy nhiên, gia đình ông Đương không chấp hành, đồng thời đưa ra một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Kiến Thụy cấp. Chính vì thế, các cơ quan chức năng loay hoay không biết xử lý thế nào.

Tuy nhiên, theo biên bản được lập thì trong tổng diện tích đất gia đình ông Đương được cấp là 500m2 thì có tới 428m2 nằm trong hành lang sông Đa Độ (trong đó có 105m2 diện tích nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nghiêm cấm mọi hoạt động xâm phạm) và 72m2 nằm trong lòng sông Đa Độ. Đồng thời, toàn bộ diện tích trên nằm trong chỉ giới quy hoạch giao thông. Dù vậy không hiểu sao, trong các năm từ 2016 đến 2018 UBND huyện Kiến Thụy vẫn 3 lần cấp phép xây dựng cho gia đình ông Đương 3 thửa đất với tổng diện tích 500m2.

Ngay sau khi nội dung nêu trên được Báo Giao thông đăng tải, UBND TP Hải Phòng và Sở TT&TT Hải Phòng có các công văn yêu cầu UBND huyện Kiến Thụy báo cáo sự việc. Huyện đã họp, ra văn bản yêu cầu gia đình ông Đương dừng mọi hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, yêu cầu này chỉ nằm trên giấy, bởi sau đó gia đình ông Đương vẫn bất chấp để tiếp tục tiến hành xây dựng mà không vấp phải trở ngại nào.

Nhiều lần phản ánh với lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy nhưng lần nào PV cũng nhận được câu trả lời: “Chúng tôi đã ra văn bản yêu cầu dừng xây dựng và thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử lý ngay” (?!)

Báo cáo có trung thực?

Không chỉ bỏ qua toàn bộ các quy định cũng như mốc chỉ giới hành lang an toàn sông Đa Độ, chính quyền huyện Kiến Thụy còn ưu ái cấp giấy phép xây dựng cho gia đình ông Đương trên phần đất này. Đến nay, UBND huyện Kiến Thụy không đưa ra một hướng xử lý nào đối với giấy phép xây dựng đã cấp.


Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng yêu cầu báo cáo nội dung Báo Giao thông đăng tải, UBND huyện Kiến Thụy có báo cáo do ông Phạm Phú Xuất, Phó chủ tịch UBND huyện ký (ông Xuất cũng là người ký vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Đương).

Trong báo cáo này, UBND huyện Kiến Thụy cho biết diện tích đất của ông Đương nhận chuyển nhượng của một số cá nhân. Những cá nhân này được giao đất từ những năm 80 của thế kỷ trước và việc UBND huyện Kiến Thụy cấp “sổ đỏ” cho gia đình ông Đương đảm bảo đúng vị trí, diện tích, kích thước thửa đất đã được chính quyền địa phương giao từ thập niên 80 của thế kỷ trước. UBND huyện Kiến Thụy lý giải rằng khu đất của ông Đương được chính quyền địa phương cấp cho các hộ gia đình trước thời điểm cơ quan Nhà nước cắm mốc chỉ giới hành lang ATGT đường thủy tại khu vực sông Đa Độ. Chính vì thế, trong các năm 2016 đến 2018 UBND huyện Kiến Thụy cấp “sổ đỏ” cho gia đình ông Đương là hợp pháp.

Tuy vậy, UBND huyện Kiến Thụy dường như quên mất rằng sau khi Luật Giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực từ năm 2001, tới năm 2007 các cơ quan có thẩm quyền đã cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường thủy tại khu vực ven sông Đa Độ. Khi đó, thành phần cơ quan chức năng chuyên môn tham gia cắm mốc có cả đại diện UBND huyện Kiến Thụy. Mốc chỉ giới đã xác định rõ ràng toàn bộ khu đất này nằm trong chỉ giới hành lang an toàn sông Đa Độ, trong đó có một phần là… lòng sông. Năm 2016 tới 2018, ông Phạm Phú Xuất - Phó chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đã ký cấp “sổ đỏ” cho ông Đương trên phần đất mà trước đó (năm 2007) các cơ quan chức năng xác định là hành lang bảo vệ sông Đa Độ và lòng sông Đa Độ.

Trước khi có báo cáo này, UBND huyện Kiến Thụy đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan. Đại diện các sở, ngành liên quan cũng đưa ra những chứng cứ pháp lý và cho rằng, dù đất đó cấp từ những năm 80 hay thời điểm hiện tại cũng là sai. Toàn bộ diện tích đó từ lâu nằm trong hành lang bảo vệ sông Đa Độ, chỉ giới quy hoạch đường giao thông. Thậm chí một phần diện tích này còn nằm trong phạm vi bảo vệ sông Đa Độ và cả lòng sông thì không thể có việc cấp “sổ đỏ” cho cá nhân sở hữu. Tuy vậy, khi báo cáo thành phố, huyện Kiến Thụy vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Đương là “đúng pháp luật”.

Cuối văn bản, huyện Kiến Thụy đưa ra đề xuất theo kiểu “đá bóng trách nhiệm”: “Đối với những hộ dân hiện nay đang sử dụng đất ở hợp pháp nhưng chưa có công trình hoặc đang dự kiến xây dựng công trình như ông Hoàng Văn Đương, nếu việc sử dụng đất có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, an toàn của hộ dân và làm ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi sông Đa Độ, an toàn đường 361, UBND huyện đề nghị UBND thành phố có phương án di dời, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định”.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.