Đồng loạt kiểm tra, xác minh
Qua vụ việc một số doanh nghiệp gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP để bán cho các hệ thống bán lẻ và nhà phân phối, nhiều người tiêu dùng đặt vấn đề về quy trình đưa hành hóa vào siêu thị ra sao để lọt những hàng hóa “biến hình” này.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, một mặt hàng nào khi vào siêu thị cũng đều phải đảm bảo đúng các yêu cầu về quản lý hàng hóa về chất lượng theo từng lĩnh vực ngành nghề quản lý.
Như là, phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm và ghi rõ thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói. Sản phẩm phải thể hiện rõ xuất xứ, chất lượng và thời hạn sử dụng tại giá hàng, quầy hàng…
Theo vị đại diện, mỗi siêu thị sẽ có những quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống kiểm tra, lấy mẫu khác nhau. Ngoài ra, siêu thị cũng sẽ buộc doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống của mình tự cam kết đảm bảo công bố hàng hóa, và phải chịu trách nhiệm với công bố đó.
Mỗi siêu thị sẽ có những quy trình kiểm soát chất lượng, hệ thống kiểm tra, lấy mẫu khác nhau
Về mặt quản lý, vị này cho biết, một số đơn vị Nhà nước cũng phải thường xuyên đi lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, không thể nào đi kiểm tra hết các cơ sở nhập hàng.
“Do đó, việc kiểm soát hàng hóa cần được siết chặt bằng cách ứng dụng công nghệ số nhiều hơn ở khâu hậu kiểm. Đơn cử như Trung Quốc, họ giám sát các nhà cung cấp bằng cách lắp camera theo dõi trực tuyến. Đó cũng là bài học cho giám sát của các cơ quản quản lý chúng ta”, đại diện Vụ này cho hay.
Còn phía Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản - đơn vị quản lý chất lượng về tiêu chuẩn hàng nông nghiệp (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, qua vụ việc trên, Cục đã có công văn gửi Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh và Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về việc điều tra, xác minh.
Để ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm nêu trên, Nafiqad đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng.
Lưu ý kết hợp kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa trong các hoạt động thẩm định, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch.
Ngoài ra, Nafiqad yêu cầu các cơ quan quản lý tổ chức thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Khi phát hiện vi phạm cần tổ chức điều tra, truy xuất, thu hồi, xử lý hàng hóa vi phạm và các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Còn về việc kiểm soát hoạt động kinh doanh trên thị trường, Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM đã có công văn khẩn gửi các Đội QLTT về việc rà soát, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Nghi ngờ gian lận thương mại
Nói về quy trình cấp phép chứng nhận VietGAP, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện có 3 đơn vị gồm Cục Trồng trọt, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Bộ Khoa học và Công nghệ được phép cấp giấy phép cho Tổ chức chứng nhận sự phù hợp.
Việc cấp giấy phép cho các Tổ chức này căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn của Nghị định 107/2016 của Chính phủ ban hành.
Cụ thể, nếu Tổ chức chứng nhận sự phù hợp chỉ làm duy nhất lĩnh vực trồng trọt thì sẽ do Cục Trồng trọt phụ trách; Nếu Tổ chức này làm từ 2 lĩnh vực trở lên, ví dụ cả chăn nuôi và trồng trọt thì sẽ gửi hồ sơ đến Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Cục này sẽ xem xét cấp phép; Còn nếu Tổ chức này trong cả lĩnh vực nông nghiệp, công thương và khoa học công nghệ thì sẽ nộp hồ sơ lên Bộ Khoa học công nghệ để xin cấp phép.
Khi đảm bảo đủ các yêu cầu theo nghị định 107/2016 của Chính phủ ban hành thì các Tổ chức này sẽ được cấp phép và sẽ hoạt động như là một doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… muốn chứng nhận sản phẩm của họ là sản phẩm được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ đăng ký và làm việc với các Tổ chức chứng nhận sự phù hợp này.
Sau khi đăng ký, các Tổ chức này sẽ đánh giá lại doanh nghiệp sản xuất theo quy trình và yêu cầu của Tiêu chuẩn VietGAP đã được ban hành.
Khi đủ điều kiện thì các Tổ chức chứng nhận sự phù hợp sẽ cấp cho các doanh nghiệp sản xuất này một chứng nhận là sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP.
Tổ chức chứng nhận sự phù hợp cũng có trách nhiệm giám sát, đánh giá các doanh nghiệp sản xuất - đơn vị mà các Tổ chức này đã cấp chứng nhận.
Còn phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ không quản lý các doanh nghiệp sản xuất mà chỉ quản lý các Tổ chức chứng nhận sự phù hợp.
Hay nói cách khác, việc cấp chứng nhận VietGAP là do các Tổ chức chứng nhận sự phù hợp làm chứ không phải Cục Trồng trọt hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Hằng năm, đơn vị chức năng sẽ yêu cầu các Tổ chức chứng nhận sự phù hợp báo cáo. Trong trường hợp có việc gì xảy ra thì các cấp thẩm quyền sẽ thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đột suất. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt”, ông Cường cho hay.
Nhận định về vụ "rau VietGAP rởm" vào siêu thị, ông Cường cho rằng, ở đây, vấn đề có thể là do gian lận thương chứ không phải cấp tràn lan từ cơ quan quản lý.
Thứ nhất, có thể do các tổ chức chứng nhận sự phù hợp làm gian lận, không thực hiện đúng quy trình mà vẫn cấp cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện chứng nhận VietGAP.
Thứ 2, việc tem VietGAP thật dán vào sản phẩm Viet GAP dởm có thể do chính các đơn vị sản xuất đã được công nhận VietGAP hoặc do các nhà cung cấp cho các đơn vị phân phối. Tránh nhiệm này thuộc cả doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cho các doanh nghiệp phân phối và của cả Tổ chức chứng nhận sự phù hợp.
Tính đến thời điểm này, trong lĩnh vực trồng trọt, theo số liệu không đầy đủ, có trên 40 tổ chức được cấp quyết định là Tổ chức chứng nhận sự phù hợp VietGAP. Trong đó, Cục Trồng trọt cấp cho 12 tổ chức, còn trên 30 tổ chức do Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận