Văn phòng Chính phủ vừa gửi các bên liên quan bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cổ đông Công ty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội.
Theo đó, Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp giải quyết vụ khiếu nại, tố cáo này với thành phần tham dự gồm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc; Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang; Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Lưu Bình Nhưỡng và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Duy Hưng; cùng đại diện VKSND, Công an Hà Nội.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận vụ việc khiếu nại, tố cáo của bà Mai Thị Khánh và một sổ cổ đông Công ty CP Hữu Nghị Hà Nội là một vụ việc phức tạp, kéo dài, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công an và Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội kiểm tra, xem xét, giải quyết.
Liên quan đến việc thu hồi khu đất tại số 15+27 Yên Phụ (quận Tây Hồ) mà bà Mai Thị Khánh và một số cổ đông Công ty CP Hữu Nghị Hà Nội khiếu nại, UBND Hà Nội đã xem xét, giải quyết, có văn bản trả lời nội dung khiếu nại và xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty về việc xin thuê đất để thực hiện dự án. Do đó, cần kiểm tra lại căn cứ thu hồi, việc bồi thường, hỗ hỗ trợ (nếu có) theo quy định của pháp luật cho Công ty CP Hữu Nghị Hà Nội khi bị thu hồi đất và một số nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Về nội dung tố cáo việc mua bán cổ phần, tranh chấp này đã được tòa án xét xử, Bộ Công an cũng đã kiểm tra và thống nhất đây là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu tội phạm hình sự. Do đó, Phó thủ tướng đề nghị kiểm tra lại việc thi hành bản án của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Để giải quyết dứt điểm vụ việc này, Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với TP Hà Nội làm rõ nguồn gổc, quá trình sử dụng đất, căn cứ pháp luật để UBND Hà Nội thu hồi hơn 400 m2 đất tại số 15+27 Yên Phụ, quận Tây Hồ của Công ty. Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND Hà Nội và mời VKSND tối cao tham gia để kiểm tra, xem xét việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông để bầu Chủ tịch HĐQT, bổ nhiệm mới Giám đốc Công ty CP Hữu nghị Hà Nội, việc chuyển nhượng cổ phần có đúng quy định của pháp luật hay không. Các nội dung này phải báo cáo kết quả trước ngày 1/9.
Về các khoản tiền phát sinh từ quan hệ dân sự, kinh tế giữa bà Mai Thị Khánh và Công ty CP Hữu Nghị Hà Nội với Công ty CP siêu thị Tiện ích, nếu có tranh chấp, Phó thủ tướng đề nghị UBND Hà Nội hướng dẫn các bên khởi kiện vụ án dân sự để được giải quyết theo quy định.
Trước đó, ngày 11/8/2018, Báo Giao thông đăng bài "Khi kỷ cương bị xem thường và nỗi khốn khổ của một doanh nhân", phản ánh việc từ một nữ doanh nhân giàu có, bà Mai Thị Khánh - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hữu Nghị trở thành người trắng tay, phải đi thuê nhà ở và hơn 10 năm qua lúc nào cũng sống trong sợ hãi.
Vụ việc bắt nguồn từ tháng 11/2005, khi Công an Hà Nội hình sự hoá bằng quyết định khởi tố vụ án “chiếm đoạt con dấu” theo điều 268 BLHS. Cùng với đó, Công an Hà Nội ra lệnh khám xét khẩn cấp để tịch thu con dấu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tất cả giấy tờ liên quan đến tư cách pháp nhân của công ty. Nhưng sau cả năm trời, cơ quan điều tra không tìm ra ai là người chiếm đoạt con dấu và cũng không tìm ra sai phạm gì trong hoạt động kinh doanh của công ty, vì thế, không thể ra kết luận điều tra cũng như khởi tố bị can.
Các chuyên gia pháp lý khi đó đều khẳng định, việc khởi tố vụ án chiếm đoạt con dấu theo Điều 268, Bộ luật Hình sự là hoàn toàn sai, bởi tội chiếm đoạt con dấu chỉ áp dụng đối với cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội, trong khi Công ty CP Hữu Nghị đã được cổ phần hóa, 100% vốn tư nhân.
VKSND Hà Nội cũng nhận định: “Không có dấu hiệu cấu thành tội chiếm đoạt con dấu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội theo Điều 268, Bộ luật Hình sự”. Chính vì vậy, VKSND Hà Nội đã đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đình chỉ vụ án này.
Nhưng sau đó, UBND TP Hà Nội bằng mệnh lệnh hành chính đã ra quyết định thu hồi con dấu của Công ty CP Hữu Nghị để giao cho ban lãnh đạo mới của công ty này. Đồng thời, chuyển giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sở KH&ĐT để làm thủ tục cấp lại giấy đăng lý kinh doanh cho HĐQT mới.
Thậm chí, UBND TP Hà Nội còn ra thông báo về việc thay đổi HĐQT của Công ty CP Hữu Nghị, khuyến cáo các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân biết và đề nghị dừng mọi hoạt động giao dịch với công ty này qua bà Mai Thị Khánh cũng như bất cứ cá nhân nào không phải đại diện hợp pháp của công ty. Các văn bản này đều được ký bởi ông Nguyễn Thế Quang - khi đó là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Từ đó đến nay, bà Khánh và các thành viên HĐQT hợp pháp của Công ty CP Hữu Nghị đồng thời là các cổ đông lớn sở hữu hơn 70% vốn điều lệ công ty - đã bị nhóm cổ đông trên đẩy ra khỏi doanh nghiệp, dùng con dấu để xác nhận mua bán trái phép cổ phần, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hơn 10 năm qua, bà Khánh cùng 16 cổ đông khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty CP Hữu Nghị liên tục gửi đơn thư cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc mua bán, thâu tóm cổ phần bất thường xảy ra tại công ty.
Liên quan đến vụ việc này, Thủ tướng đã 4 lần có chỉ đạo nhưng đến nay vụ việc vẫn bị bỏ lửng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận