Bà Khánh cùng chồng đơn kêu cứu, kiến nghị liên quan vụ việc của Công ty Hữu Nghị |
Từ một nữ doanh nhân giàu có, bà Mai Thị Khánh - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hữu Nghị trở thành người trắng tay, phải đi thuê nhà ở và hơn 10 năm qua lúc nào cũng sống trong sợ hãi. Cũng trong khoảng thời gian đó, bà Khánh liên tục gửi đơn thư cầu cứu tới Thủ tướng và các cơ quan liên quan. Thủ tướng đã 3 lần chỉ đạo nhưng đến nay vụ việc vẫn bị bỏ lửng.
ĐBQH chất vấn, Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được văn bản của Tổng Thư ký Quốc hội chuyển phiếu chất vấn của ĐBQH Lê Thanh Vân liên quan đến việc giải quyết tố cáo của một số cổ đông của Công ty CP Hữu Nghị Hà Nội về vụ án “chiếm đoạt con dấu”.
Xét báo cáo của Bộ Công an về vấn đề này, Thủ tướng cho biết đã nhiều lần chỉ đạo giao Bộ Công an kiểm tra, kết luận, có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công an chưa có báo cáo kết quả thực hiện. Vì vậy, Bộ Công an nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chưa chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lần này, Thủ tướng giao Bộ Công an trực tiếp kiểm tra, kết luận việc Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án “chiếm đoạt con dấu” và các nội dung tố cáo khác của một số cổ đông của Công ty CP Hữu Nghị Hà Nội, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/9. Bộ Công an cũng được giao chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn của ĐBQH Lê Thanh Vân, đồng thời báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/8.
Đáng lưu ý, đây là lần thứ 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo giải quyết về vụ việc này. Hai lần trước, khi còn giữ cương vị Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo. Cụ thể, ngày 27/11/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải quyết vụ việc trên, nhưng UBND TP Hà Nội không hồi âm. Đến tháng 7/2014, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn gửi Bộ Công an, UBND TP Hà Nội thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả, nhưng đến nay, vụ việc vẫn bỏ lửng khiến Thủ tướng tiếp tục phải ra chỉ đạo lần thứ 3.
Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết ông đã nhiều lần chất vấn Thủ tướng về vụ việc này và giám sát kết quả, tuy nhiên đến nay vụ việc chưa được giải quyết. Mới đây nhất, cuối tháng 5/2018, ĐBQH Lê Thanh Vân tiếp tục gửi phiếu chất vấn Thủ tướng về nội dung vụ việc.
Hơn 10 năm qua, bà Khánh liên tục gửi đơn kêu cứu và lúc nào cũng sống trong sợ hãi |
Giao cấp phòng trả lời chất vấn ĐBQH
Theo ông Vân, vụ án “chiếm đoạt con dấu” xảy ra tại Công ty Hữu Nghị đã diễn ra từ rất lâu, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nhiều lần xem xét, xử lý tuy nhiên vụ án này lại có dấu hiệu chìm xuồng, chỉ đạo của Thủ tướng không được thi hành nghiêm túc. Đến nay, tập thể những người bị thiệt hại đã có đơn tố cáo đích danh người có thẩm quyền lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái pháp luật để bao che cho các vi phạm.
Nhiều năm theo dõi, giám sát vụ việc, nhưng ông Vân cho biết chỉ có một lần ông nhận được văn bản trả lời của cấp phòng thuộc Công an TP Hà Nội, nhưng nội dung trả lời không rõ ràng. Cho rằng đối tượng trả lời chất vấn không đúng quy định nên ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết ông không coi đó là kết quả giám sát của ĐBQH.
ĐBQH, Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng cũng thông tin, ngay từ khi ông còn là giảng viên trường Đại học Luật, ông và một giáo viên khác đã làm văn bản tư vấn việc xử lý của UBND TP Hà Nội mà khi đó, ông Nguyễn Thế Quang là Phó chủ tịch, rằng việc xử lý, chỉ đạo của Hà Nội là hoàn toàn trái luật. Về việc Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo nhưng vụ việc này chưa được giải quyết dứt điểm, ông Nhưỡng cho rằng có sự bao che cho nhau, có vấn đề lợi ích nhóm.
Từ doanh nhân thành đạt đến người tay trắng
Chia sẻ với Báo Giao thông, bà Mai Thị Khánh, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hữu Nghị không ít lần nghẹn ngào, bởi bà cũng như một số nguyên lãnh đạo, cán bộ của công ty đã phải gánh chịu không ít hậu quả từ vụ việc trái pháp luật nêu trên. Từ một nữ doanh nhân thành đạt, vì vướng vào vụ việc và không được giải quyết dứt điểm, bà trở thành người tay trắng và gánh trên vai không ít nợ nần - những món nợ hình thành trên con đường đi đòi lại công lý. “Những thiệt hại với tôi và với các cổ đông khác là rất lớn, không thể nào đo đếm. Bản thân tôi trở thành người trắng tay, phải bán toàn bộ nhà và tài sản. 6 năm nay, tôi phải ở nhà đi thuê và mang không ít nợ nần. Nhiều cổ đông khác cũng trong hoàn cảnh tương tự”, bà Khánh ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng trong suốt khoảng thời gian hơn 10 năm qua, bà Khánh cho biết bà phải sống trong mệt mỏi, sợ hãi vì liên tục bị đe dọa, thậm chí, bà không dám đi xe máy một mình ra ngoài đường.
Hơn 10 năm qua, bà Khánh cùng 16 cổ đông khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty CP Hữu Nghị liên tục gửi đơn thư cầu cứu tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc mua bán, thâu tóm cổ phần bất thường xảy ra tại công ty.
Vụ việc bắt nguồn từ tháng 11/2005, khi Công an Hà Nội hình sự hoá bằng quyết định khởi tố vụ án “chiếm đoạt con dấu” theo điều 268 BLHS. Cùng với đó, Công an Hà Nội ra lệnh khám xét khẩn cấp để tịch thu con dấu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và tất cả giấy tờ liên quan đến tư cách pháp nhân của công ty. Nhưng sau cả năm trời, cơ quan điều tra không tìm ra ai là người chiếm đoạt con dấu và cũng không tìm ra sai phạm gì trong hoạt động kinh doanh của công ty, vì thế, không thể ra kết luận điều tra cũng như khởi tố bị can.
Các chuyên gia pháp lý khi đó đều khẳng định, việc khởi tố vụ án chiếm đoạt con dấu theo Điều 268, Bộ luật Hình sự là hoàn toàn sai, bởi tội chiếm đoạt con dấu chỉ áp dụng đối với cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội, trong khi Công ty CP Hữu Nghị đã được cổ phần hóa, 100% vốn tư nhân.
VKSND Hà Nội cũng nhận định: “Không có dấu hiệu cấu thành tội chiếm đoạt con dấu của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội theo Điều 268, Bộ luật Hình sự”. Chính vì vậy, VKSND Hà Nội đã đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đình chỉ vụ án này.
Nhưng sau đó, UBND TP Hà Nội bằng mệnh lệnh hành chính đã ra quyết định thu hồi con dấu của Công ty CP Hữu Nghị để giao cho ban lãnh đạo mới của công ty này. Đồng thời, chuyển giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sở KH&ĐT để làm thủ tục cấp lại giấy đăng lý kinh doanh cho HĐQT mới.
Thậm chí, UBND TP Hà Nội còn ra thông báo về việc thay đổi HĐQT của Công ty CP Hữu Nghị, khuyến cáo các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân biết và đề nghị dừng mọi hoạt động giao dịch với công ty này qua bà Mai Thị Khánh cũng như bất cứ cá nhân nào không phải đại diện hợp pháp của công ty. Các văn bản này đều được ký bởi ông Nguyễn Thế Quang - khi đó là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Từ đó đến nay, bà Khánh và các thành viên HĐQT hợp pháp của Công ty CP Hữu Nghị đồng thời là các cổ đông lớn sở hữu hơn 70% vốn điều lệ công ty - đã bị nhóm cổ đông trên đẩy ra khỏi doanh nghiệp, dùng con dấu để xác nhận mua bán trái phép cổ phần, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Khánh cho rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì những tranh chấp trong nội bộ công ty cổ phần nếu không tự hoà giải được, chỉ có toà án mới có thẩm quyền phán quyết ai đúng ai sai. Vì vậy, những văn bản của ông Nguyễn Thế Quang ký đã vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp và nhiều quy định khác của Nhà nước.
Với việc Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội khởi tố vụ án “chiếm đoạt con dấu”, bà Khánh khẳng định, HĐQT Công ty CP Hữu Nghị Hà Nội không có gì sai phạm nhưng đã bị vu khống “chiếm đoạt con dấu” để tước đoạt quyền sở hữu doanh nghiệp, quyền sở hữu tài sản và kinh doanh hợp pháp, khiến họ bị đẩy ra khỏi doanh nghiệp của mình với hai bàn tay trắng.
Bà Khánh cho biết, trong 13 năm qua, bà đã gửi rất nhiều đơn thư nhưng không được giải quyết. Bà kiến nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra câu trả lời và hướng giải quyết vụ việc, không thể “lờ” đi hết năm này qua năm khác.
Ngay từ thời điểm khi sự việc mới xảy ra, một số luật sư cũng đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Công an. Theo lập luận của các luật sư, việc tranh chấp giữa các cổ đông trong Công ty CP Hữu Nghị theo quy định của Luật Doanh nghiệp là thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án. Đây không phải là một vụ án hình sự nên việc khởi tố vụ án là trái pháp luật. Tiếp đó, ngày 4/11/2005, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra lệnh khám xét khẩn cấp trụ sở công ty, thu giữ trái phép con dấu và một số tài liệu liên quan đến tư cách pháp nhân của công ty. Theo các luật sư, cơ quan hành chính không được can thiệp hoặc chỉ đạo cơ quan điều tra trong việc xử lý vật chứng, nhưng việc UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan tố tụng xử lý chứng cứ như Công văn số 1214 năm 2006 của ông Nguyễn Thế Quang là trái pháp luật. Ngoài vụ việc trên, bà Mai Thị Khánh bị buộc tội “Trộm cắp tài sản” (cước viễn thông quốc tế) trong một vụ án kéo dài gần 14 năm. Năm 2008 TAND TP Hà Nội tuyên phạt bà Khánh 12 năm tù giam. Bản án này đã bị Toà phúc thẩm TAND Tối cao tuyên huỷ, nhưng yêu cầu điều tra xét xử lại nên đã kéo dài thêm 6 năm. Cho đến khi có sự giám sát, chất vấn, kiến nghị của ĐBQH Lê Thanh Vân, ngày 18/4/2014, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, tuyên huỷ các văn bản trái pháp luật trước đây và yêu cầu Toà phúc thẩm phải đình chỉ vụ án. Nhưng 8 tháng sau bà Khánh mới được đình chỉ, được minh oan và thoát khỏi vòng lao lý. Năm 2017, bà Khánh đã có văn bản gửi TAND TP Hà Nội yêu cầu bồi thường thiệt hại về kinh tế và tổn thất về tinh thần với tổng số tiền 5 tỷ đồng cho 5.028 ngày bị khởi tố, truy tố, xét xử oan sai. Tuy nhiên, đến nay TAND TP Hà Nội vẫn chưa đưa ra động thái giải quyết việc này. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận