Ngày 30/11, TAND thành phố Hà Nội vừa có quyết định đưa ra xét xử vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường vào ngày 11/12 tới. Vụ án được xét xử kín.
Các bị cáo trong vụ án gồm có Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội); Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, nguyên cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, nguyên cán bộ Công an thành phố Hà Nội, biệt phái công tác tại Phòng Thư ký – Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội); Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, nguyên Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, biệt phái công tác và giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Thư ký - Biên tập, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội).
Cáo trạng xác định, từ tháng 5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an - C03) khởi tố, điều tra vụ án hình sự buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Trong hồ sơ vụ án có tên của ông Nguyễn Đức Chung và bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung) là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ngày 16/6/2019, thông qua mối quan hệ quen biết, ông Chung đặt vấn đề với bị can Phạm Quang Dũng (khi ấy đang là một trong những người điều tra vụ án Nhật Cường) về việc lấy tài liệu liên quan đến vụ án và được bị can Dũng đồng ý. Sau đó, bị can Phạm Quang Dũng 5 lần thu thập 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Mật" liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường.
Để có tài liệu đưa cho ông Chung, bị can Dũng đã in những tài liệu mình có sẵn đưa cho bị can Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Chung). Ngoài ra, đối với các tài liệu không có sẵn thì Dũng đánh chìa khóa phòng lãnh đạo để vào trộm tài liệu. Sau đó, gửi tài liệu cho ông Chung hoặc đưa bản giấy cho bị can Nguyễn Hoàng Trung.
Bị can Trung và bị can Nguyễn Anh Ngọc thực hiện hành vi sắp xếp và chỉnh sửa các tài liệu mật, che phần chữ ký của điều tra viên và in ra bản giấy đưa cho ông Chung.
Theo luật sư Nguyễn Văn Huế, Đoàn luật sư Hà Nội, Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103, trong đó nêu rõ: “TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Theo quy định này, những trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án cần giữ bí mật nhà nước, những vụ án xâm hại tình dục… Những vụ án này xử kín để tránh trình bày toàn bộ tình tiết của vụ án, làm ảnh hưởng tới bí mật nhà nước, bí mật đời tư, ảnh hưởng tới việc bảo vệ cho người dưới 18 tuổi… Khi tuyên án công khai, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án.
"Có thể hiểu, quy định về việc tuyên án công khai này nhằm đảm bảo phán quyết của Tòa án phải được công khai để từ đó giúp nhân dân giám sát và kiểm tra tính khách quan, minh bạch của phán quyết. Một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai cũng nhằm giáo dục ý thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân bởi, thông qua hoạt động xét xử công khai mọi người nhận thức được rằng bất cứ sự việc vi phạm pháp luật nào đều bị xử lí theo pháp luật, thể hiện tính răn đe và mục đích phòng ngừa chung đến xã hội", luật sư Huế phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận