Bị rút giấy phép kinh doanh
Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (số 465-467 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TP.HCM) nằm trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
Để được trở thành đầu mối phân phối, Xuyên Việt Oil kê khai 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Nhưng cũng trong ngày Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Năm 2022, Bộ Công thương đã thanh tra Công ty Xuyên Việt Oil. Với nhiều vi phạm, công ty bị Bộ Công thương xử phạt hành chính 390 triệu đồng, tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong 1,5 tháng (từ 10/8-13/9/2022).
Tháng 7/2023, Bộ Công thương tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil và 3 doanh nghiệp đầu mối khác.
Một tháng sau, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp chuyển nộp ngay toàn bộ tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước.
Quyết định xử lý được đưa ra trên cơ sở xem xét tình tiết tăng nặng của Xuyên Việt Oil về việc không khắc phục các vi phạm sau thanh tra năm 2022 và vi phạm nhiều lần quy định về quỹ bình ổn giá như phản ánh từ Bộ Tài chính.
Nợ thuế cả nghìn tỷ đồng, 2 lãnh đạo bị bắt
Thời điểm bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, Xuyên Việt Oil nợ thuế 1.244 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế bảo vệ môi trường được tính trong cơ cấu giá xăng dầu mà doanh nghiệp này còn nợ, phát sinh trên tờ khai từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022. Còn tính đến hết tháng 10/2023, Xuyên Việt Oil nợ thuế 1.529 tỷ đồng, đứng đầu trong danh sách 198 doanh nghiệp nợ thuế được Cục Thuế TP.HCM công bố.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn "ôm" hàng trăm tỷ đồng Quỹ Bình ổn xăng dầu và vẫn chưa nộp lại vào ngân sách Nhà nước sau khi bị phát hiện.
Đầu tháng 9, cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối bị can Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) và Phó giám đốc Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Ngoài tội danh áp dụng khi khởi tố 2 lãnh đạo Xuyên Việt Oil, Bộ Công an còn khởi tố vụ án, điều tra trách nhiệm những người liên quan về các tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ: Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Ngày 14/12, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Lê Đức Thọ (SN 1970, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, ông Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân. Tại hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận