Nhìn lại cả loạt động thái, hành xử của cơ quan chức năng dư luận không thể không đặt dấu hỏi về trách nhiệm trước số phận của doanh nghiệp này.
Cơ quan thuế lẫn cả nghìn tỷ tiền thuế
Câu chuyện về Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo một lần nữa lại nóng lên tại cuộc họp báo 9 tháng đầu năm của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia hôm 24/10 vừa qua bởi trước đó một ngày, một con số giật mình được đưa ra là doanh nghiệp này trốn thuế tới 4.200 tỷ đồng (mới chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt - TTĐB và thuế giá trị gia tăng - GTGT).
Tuy nhiên, ngay sau đó, Cục thuế TP HCM đã “đính chính” rằng số chính xác chỉ gần 14 tỷ đồng do thuế GTGT bị “lỗi đánh máy” từ hơn 4,1 tỷ đồng lên 4,1 nghìn tỷ đồng! Nhầm cả nghìn tỷ đồng tiền thuế, nhất là người nhầm lại là những chuyên gia tài chính hết sức cẩn trọng, tỷ mỉ, chỉn chu và nghiêm khắc với từng con số, rồi lại qua hàng loạt cấp xét duyệt để chuyển tới cơ quan điều tra là một điều hết sức khó tin!
Điều khó hiểu nữa, theo một chuyên gia tài chính trao đổi với Báo Giao thông: Trong báo cáo của Cục thuế TP HCM, số thuế TTĐB đã 9,7 tỷ đồng (chỉ 1 mặt hàng điều hòa), thuế GTGT sao lại chỉ 4,1 tỷ? Bởi thuế GTGT “đánh” trên cả 15 mặt hàng của Asanzo và là loại thuế “đánh” trên giá bán cuối cùng (gồm giá gốc, thuế nhập khẩu, thuế TTĐB…) nên đương nhiên luôn cao hơn thuế TTĐB.
Đáng nói, trong một bảng kê khác, chỉ tính riêng trong năm 2018 và 6 tháng 2019, số thuế GTGT của Asanzo bị truy thu đã hơn 21,3 tỷ đồng; thuế TTĐB trong giai đoạn 2017 - 6/2019 cũng hơn 11,5 tỷ đồng. Số liệu vênh nhau gây “lú” cho dư luận. Doanh nghiệp đã hoạt động bao nhiêu năm, sao chỉ đề cập từ năm 2016? Đến mức, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn trong cuộc họp liên ngành ngày 28/10 phải yêu cầu đại diện bên thuế báo cáo số liệu chuẩn. Ông Cẩn còn thận trọng hỏi lại: 4.200 tỷ đồng không phải số thuế truy thu vậy là doanh thu hay con số nào?
Khoan nói việc cơ quan thuế khẳng định chưa gửi hồ sơ sang cơ quan công an nhưng cơ quan công an lại xác nhận đã nhận được hồ sơ này, chỉ nói việc nhầm số liệu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế đã khó chấp nhận. Một luật sư kinh tế đặt câu hỏi: Giả dụ, 4 dấu hiệu vi phạm đều không được chứng minh, việc nhầm lẫn con số khổng lồ này, không biết có thể đẩy doanh nghiệp tới đâu?
VCCI lập lờ trách nhiệm
Câu chuyện xác định xuất xứ hàng hóa Asanzo cũng gây tranh cãi khi ngày 4/9, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, VCCI (Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam) cho biết đã lập Tổ công tác tìm hiểu vụ việc, lắng nghe ý kiến của công ty, cử chuyên gia pháp lý rà soát và nghiên cứu các quy định của pháp luật về xuất xứ trong và ngoài nước. Trên cơ sở các thông tin tìm hiểu được, VCCI nhận thấy việc ghi trên nhãn hàng hóa là “sản xuất tại Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ từ Việt Nam”... trên các sản phẩm điện tử của Asanzo là phù hợp với quy định của pháp luật.
Song tại cuộc họp liên ngành ngày 28/10, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại VCCI đã tiết lộ hai câu chuyện quan trọng. Thứ nhất, với hơn 600 chiếc TV Asanzo xuất khẩu đi Nhật Bản, Asanzo chưa từng gửi hồ sơ khai báo thương nhân (theo quy định, doanh nghiệp phải khai báo hồ sơ thương nhân sau đó mới hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O - giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa). Thứ hai, bà Hương đã thừa nhận sản phẩm chủ lực của Asanzo là TV không vượt qua được giai đoạn gia công đơn giản (theo điều tra của Tổng cục Hải quan chỉ có 2% là giá trị gia tăng trong nước).
Điều này có nghĩa đây không phải là hàng Việt Nam, sản xuất hay chế tạo ở Việt Nam như văn bản báo cáo Thủ tướng ngày 4/9 VCCI khẳng định. Thêm nữa, bà Hương cũng tiết lộ, sau khi nhận văn bản kêu cứu của Asanzo, VCCI có nhóm công tác làm việc với doanh nghiệp này nhưng là “trên tinh thần trao đổi thông tin với công ty sau khi có bài báo đầu tiên trên báo Tuổi trẻ”; Và “nhóm công tác chưa có lần nào tiếp xúc thực tế với bộ hồ sơ của công ty”. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về cách thức làm việc của VCCI trước vận mệnh của một doanh nghiệp, trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật và lợi ích quốc gia!
Về cách thức làm việc này của VCCI, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan không bình luận mà chỉ ẩn ý khi đưa ra hai ví dụ. Thứ nhất, Hải quan đang giữ hàng chục container xe đạp đã được VCCI cấp chứng nhận C/O doanh nghiệp khai là xuất xứ Việt Nam. Song kiểm tra thực tế, Hải quan phát hiện đây là xe đạp nhập linh kiện rồi lắp ráp đơn giản, gắn mác Việt Nam để xuất khẩu. Thứ hai, VCCI chứng nhận C/O để doanh nghiệp xuất khẩu ván gỗ ép đi Mỹ nhưng khi Hải quan xác minh thì nguồn gốc gỗ không đúng như khai báo nên sẽ bị “bác”.
Cấp sai văn bằng bảo hộ, doanh nghiệp thiệt hại lớn, ai chịu?
Trên thực tế, quy định về hàng Việt Nam đã có trong một số luật và văn bản dưới luật, có chăng là sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt, máy móc trong vận dụng. Điều này đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn so sánh một cách hình ảnh: Cùng con lợn nhập từ Trung Quốc về Việt Nam rồi xẻ làm đôi, phần xuất khẩu ra nước ngoài thì ghi là “made in China” song phần tiêu thụ tại Việt Nam lại lấy xuất xứ Việt Nam, với lý do chưa có quy định thì quá vô lý, không có nước nào giải thích như vậy! Do đó, viện lý do chưa có hành lang pháp lý, chế tài để lơ là kiểm tra, kiểm soát và xử lý doanh nghiệp vi phạm là lỗi của cơ quan quản lý và khó chấp nhận.
Hàng nghìn, hàng vạn sản phẩm điện tử của Asanzo cũng đứng trước nguy cơ bị coi là hàng giả bởi ngày 24/10, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định “Hủy bỏ hiệu lực GCN ĐKNH số 305721 bảo hộ nhãn hiệu “ASANZO, hình” cấp cho Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam”.
Động thái của Cục Sở hữu trí tuệ được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc họp liên ngành, dù trước đó, hai phiên toà sơ thẩm (tháng 5/2018) và phúc thẩm (tháng 1/2019), TAND tại TP HCM đều đưa phán quyết: Buộc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam chấm dứt sử dụng, xóa bỏ nhãn hiệu “Asanzo, hình” và bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương (chủ thương hiệu Asano) 100 triệu đồng.
Sau 9 tháng bản án được ban hành, ngày 24/9 Cục Thi hành dân dự TP.HCM thông tin với Báo Giao thông: Asanzo Việt Nam vẫn chưa hoàn thành việc thi hành án (mới chỉ nộp đủ 100 triệu đồng cho Công ty Đông Phương vào tháng 5, còn các hạng mục khác chưa thực hiện). Trả lời lý do chưa thi hành án ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo cho rằng: “Nhãn hiệu Asanzo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng. Bên tôi đầu tư biết bao tiền của cho thương hiệu đó làm sao nói bỏ là bỏ được”.
Quả thực, theo các thông tin được Asanzo đưa ra, doanh nghiệp có tốc độ phát triển “chóng mặt”, đặc biệt từ năm 2016 - sau thời điểm Asanzo nộp đơn xin cấp bằng bảo hộ (tháng 6/2015). Đây cũng là thời điểm Asanzo bắt tay đầu tư xây dựng hình ảnh, thương hiệu, đẩy mạnh kênh bán hàng… Cụ thể, năm 2015, doanh thu của Asanzo mới đạt 1.584 tỷ đồng thì sang năm 2017, Asanzo đã tăng lên 4.620 tỷ đồng và năm 2018 là 6.250 tỷ đồng. Năm 2019, Asanzo đặt mục tiêu đạt 10.000 tỷ đồng doanh thu, mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực và thế giới...
Trong trường hợp Asanzo bị từ chối đăng ký nhãn hiệu sớm, kịp thời, doanh nghiệp chắc chắn không tiếp tục đầu tư thời gian, công sức, chi phí để phát triển thương hiệu, sản phẩm, mạng lưới… Và như thế, ngay cả khi bị kết luận sai phạm, những hậu quả để lại cho doanh nghiệp cũng như cả xã hội sẽ không lớn, nghiêm trọng như hiện nay! Dẫu rằng, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước hết về sai phạm do mình gây ra, song không thể không nhắc đến vai trò chứng nhận, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, mà trong trường hợp cụ thể này là Cục Sở hữu trí tuệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận