Showbiz

Vụ bé gái nghi thắt cổ chết do học trên YouTube: Lỗi do ai?

17/10/2020, 20:50

Đáng nói, bé V.T.D. 5 tuổi ở TP.HCM không phải là trường hợp đầu tiên tử vong nghi do hậu quả từ các video trên YouTube.

img
Theo Thanh niên, người nhà khai bé D. thắt cổ vì làm theo chỉ dẫn trên mạng xã hội. Bé dùng khăn quàng cột trên giường tầng, chân chỉ cách đất 20-30 cm

Hậu quả khó lường từ những video độc hại

Mới đây, thông tin một bé gái tên V.T.D., (5 tuổi ở TP.HCM) tử vong vì học theo trò treo cổ khi xem YouTube đã khiến dư luận bàng hoàng.

Theo thông tin từ tờ ANTĐ, vào thời điểm xảy ra sự việc, bé D. đã xem một video hướng dẫn trò thắt cổ trên mạng. Tò mò, D. đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện, bé D đã ở trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi.

Đáng nói, bé D. không phải là trường hợp đầu tiên tử vong nghi do hậu quả từ các video trên YouTube. Trước đó, vào tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP HCM) cũng làm theo trò 'thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube. Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, hai chân bé cách mặt đất một đoạn khá xa, người tím ngắt, ngất lịm. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bé K. đã may mắn giữ được tính mạng.

Khi được hỏi lý do, bé K. cho biết em đã nhiều lần xem trò chơi “chết đi sống lại” trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết nên bé đã làm theo.

Tương tự, một bé trai khác sau khi xem clip trên mạng đã bắt chước hành động siêu nhân nhện nên đập tay thật mạnh vào kính khiến tay bị đứt mạch máu. Còn tại Hà Nội, cách đây không lâu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận Đ.D. (15 tuổi, quê Hải Dương) trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ theo video hướng dẫn trên YouTube.

img
Một cháu bé khác cũng từng suýt mất mạng vì học theo trò treo cổ trên YouTube

Cần có "quy tắc đạo đức nghề nghiệp" cho YouTuber

Trao đổi với báo Giao thông, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, mạng xã hội, trong đó có YouTube là môi trường chứa nhiều nội dung độc hại, không phù hợp với trẻ em. Đặc biệt là những video có nội dung bạo lực, cổ xuý lối sống, cách ứng xử lệch lạc.

"Việc tiếp xúc với những nội dung như vậy trong thời gian dài, các em có thể vướng vào các mặt tối của thể giới ảo như: Bắt nạt, quấy rối trên mạng. Đặc biệt, những trẻ từ 3-8 tuổi, vùng não trán trước của trẻ đang phát triển nên thiếu khả năng ức chế hành vi. Trẻ có cảm giác không thể thất bại, có xu hướng muốn tự thực hiện và bắt chước mọi thứ để khám phá giới hạn và thu hút sự chú ý của cha mẹ và những người xung quanh.

Chẳng hạn, xem ảo thuật nuốt dao lam có thể các em cũng sẽ tự bắt chước nuốt như thế. Xem phim thấy nhân vật siêu nhân bay được, cũng nghĩ mình có thể bay nên nhảy từ trên tầng cao xuống...", PGS. TS Trần Thành Nam phân tích.

Thực tế, trong thời đại hiện nay, không thể ép trẻ tuyệt giao với công nghệ. Vì vậy, lúc này vai trò của cha mẹ vô cùng quan trọng. PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng những trường hợp đáng tiếc xảy ra vừa qua một phần cũng là do sự bất cẩn và thiếu sự sát sao của cha mẹ. Nhiều phụ huynh sẵn sàng đưa cho con điện thoại để rảnh tay làm việc khi con chưa có kỹ năng bảo vệ bản thân an toàn.

Vì vậy, người lớn có thể thiết lập một số nguyên tắc sử dụng mạng xã hội như: chỉ được phép xem Youtube ở những không gian mở, người lớn có thể quan sát thấy trẻ đang làm gì; kiểm soát thời gian dùng Internet. Cùng với đó là việc định hướng, giải thích và cảnh báo với con về các nội dung không phù hợp cũng như nguy cơ trẻ sẽ phải đối mặt trên thế giới ảo.

Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục cũng nhấn mạnh thêm rằng, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt hơn nội dung video trên mạng xã hội. Đồng thời, cần có chiến lược yêu cầu gắn nhãn nội dung video clip để khuyến cáo cha mẹ về các video nào phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, khuyến cáo về các nguy cơ có thể xảy ra khi xem.

“Khi Youtuber trở thành một nghề, cần được đào tạo và "cấp phép" để người dùng thực hành theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nếu coi các nội dung sáng tạo trên Youtube là các món ăn tinh thần, cần có quy trình kiểm duyệt để đảm bảo loại bỏ các nội dung bẩn, độc hại. Cùng với đó, chương trình giáo dục hướng dẫn sử dụng mạng an toàn cần được dành thời lượng trong chương trình học tại trường", PGS. TS Trần Thành Nam nói.

Trong nhiều năm qua, YouTube đã cố gắng gỡ bỏ rất nhiều video có nội dung thô tục, nhưng thuật toán của YouTube vẫn có thể bị qua mặt. Theo báo cáo của The Verge, scandal mới nhất của YouTube là về những bình luận dưới video mang tính chất khiêu khích, dụ dỗ trẻ em để thực hiện mưu đồ xa hơn, bao gồm cả ấu dâm.

Keza MacDonald - cây bút của tờ The Guardian nhận định, sai lầm của YouTube là quá phụ thuộc vào hệ thống flagging (gắn cờ) - vốn để người dùng báo cáo về các video có nội dung sai trái. Tức là, phải có người nhìn thấy video đó, cảm thấy nó phản cảm rồi báo cáo và chờ đợi hệ thống làm việc. Với ngần ấy công đoạn thì hiển nhiên sẽ có độ trễ, trong thời gian đó khả năng video ấy tiếp cận được với người dùng là trẻ em rất cao.

Trong bản mô tả của ứng dụng YouTube Kids có đoạn: "We work hard to offer a safer YouTube experience, but no automated system is perfect" (tạm dịch: Chúng tôi rất cố gắng để đem đến trải nghiệm YouTube an toàn hơn, nhưng không hệ thống nào là hoàn hảo). Nhưng với Keza, ông không tin vào điều đó. YouTube với ông chưa bao giờ là một nền tảng phù hợp cho trẻ em, và cũng không có khả năng để tự nó thay đổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.