Xã hội

Vụ biệt phủ không phép: Đà Nẵng đang... lúng túng?

08/12/2015, 14:39

Theo LS Lê Cao, vụ biệt phủ không phép tại Đà Nẵng là một tiền lệ khó hiểu và không đáng có.

biet-phu-khong-phep-tai-da-nang-tien-le-kho-hieu-v
Khu biệt phủ của đại gia vàng Ngô Văn Quang ước trị giá đến 100 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Khá.

Sáng 8/12, tin từ UBND Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết, đại gia vàng Ngô Văn Quang đã không đến mà ủy quyền cho người nhà đi nhận quyết định tháo dỡ căn biệt phủ không phép của mình trên rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Người này đã thay lời ông Quang xin phép được tự tháo dỡ.

Quyết định của UBND Q. Liên Chiểu nêu rõ, thời hạn cuối cùng để ông Quang tháo dỡ căn biệt phủ là 30/1/2016. 10 ngày sau thời gian này, nếu toàn bộ biệt phủ vẫn chưa được tháo dỡ, UBND Q. Liên Chiểu sẽ tiến hành các bước cưỡng chế theo quy định.

Đây đã là lần thứ 3, ông Quang tiếp nhận thời hạn tháo dỡ từ UBND TP Đà Nẵng và UBND Q. Liên Chiểu. Hai lần trước vào các ngày 30/8 và 30/11. Tuy nhiên đến thời điểm này, biệt phủ vẫn kín cổng cao tường. Vụ việc kéo dài quá lâu khiến dư luận cả nước khó hiểu, nghi ngờ về tính cương quyết, thượng tôn pháp luật của các ngành chức năng tại Đà Nẵng.

Liên quan đến vụ việc này, để rộng đường dư luận, Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với LS. Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng):

biet-phu-khong-phep-tai-da-nang-tien-le-kho-hieu-v

LS Lê Cao - Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng.

PV: Thời gian vừa qua, dư luận cả nước xôn xao về cách xử lý khu biệt phủ của ông Ngô Văn Quang tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, việc này liệu có quá khó khăn trong xử phạt không thưa LS?

LS. Lê Cao: Liên quan đến các sai phạm của ông Ngô Văn Quang thời gian qua đối với việc sử dụng rừng đặc dụng Hải Vân trái luật, theo tôi việc này rất đơn giản. Đối với người dân bình thường thì Đà Nẵng đã làm đúng thẩm quyền, xử lý từ lâu rồi. Chẳng hạn như chuyện sử dụng đất rừng đặc dụng vào mục đích khác thì vi phạm pháp luật về đất đai, hiện nay có quy định pháp luật cụ thể, theo đó Nghị định số 102/2014/NĐ-CP chỉ rõ trường hợp sử dụng trái phép đất rừng như vậy thì phải xử phạt, buộc khôi phục lại hiện trạng đất như ban đầu. 

Rồi chuyện xây dựng trái phép, chưa được cấp phép mà xây dựng nhà ở theo kiểu “biệt phủ” trên đất không phải là mục đích đất ở, thì Nghị định 180/2007/NĐ-CP, Nghị định 121/2013/NĐ-CP đã quy định rất rõ trình tự xử lý, buộc chế tài phải tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.

PV: Tháng 7 vừa rồi, HĐND TP Đà Nẵng đã đưa việc buộc tháo dỡ khu biệt phủ vào Nghị quyết HĐND. Như LS đã nói thì phải chăng Đà Nẵng đã "giết gà bằng dao mổ bò"?

LS. Lê Cao: Chuyện này thực ra không cần đến HĐND, UBND Q. Liên Chiểu, UBND TP Đà Nẵng có đủ thẩm quyền xử lý tùy theo các mức độ vi phạm mà luật pháp quy định. Nghị quyết HĐND có thể có ý kiến thêm, chứ trong trường hợp này cũng chưa cần đến HĐND đưa vào Nghị quyết xử lý một sự vụ đơn lẻ của một cá nhân vi phạm. Các trường hợp khác ở Đà Nẵng vi phạm luật đất đai, môi trường, xây dựng... Đà Nẵng đều làm theo luật cả, UBND các cấp có thẩm quyền xử lý chứ sao phải đẩy lên HĐND.

PV: Ngày 28/11, UBND TP Đà Nẵng lại ra Công văn ngưng việc tháo dỡ biệt phủ trăm tỷ, chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. LS suy nghĩ thế nào về quyết định này của UBND TP Đà Nẵng?

LS. Lê Cao: Rất khó hiểu là chuyện này lại đẩy lên đến Thủ tướng. Nếu việc xử phạt một công dân xây dựng trái phép mà cứ Thủ tướng mới giải quyết được thì còn đâu thời gian cho việc đại sự quốc gia nữa. Luật pháp hiện hành đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đối với các vi phạm tương tự như thế này. Chẳng hạn bên cạnh ông Quang là nhà ông Thạch (ông Phan Như Thạch, nguyên GĐ Công an Quảng Nam - PV) đã bị tháo dỡ, có cần cấp nào khác giải quyết đâu.

PV: Ở cương vị công dân, LS nhận thấy gì từ vụ việc này?

LS. Lê Cao: Theo tôi, dù ở đâu hay cá nhân, tổ chức nào nhân danh những gì luật pháp không quy định để đùn đẩy trách nhiệm, để trì hoãn việc thực thi công lý là điều rất đáng lo ngại. Người dân sẽ nhìn vào, họ thấy ở đó sự phân biệt đối xử, họ thấy luật pháp phải đúng với người này nhưng lại méo mó mềm mại với người khác. Nếu cứ nhập nhằng với nhau, thì dân sẽ hồ nghi, sẽ luôn nghĩ rằng có những người được điều chỉnh bởi một thứ pháp luật khác với pháp luật mà người dân đang bị bắt phải thi hành. Đây là điều rất tiêu cực, bởi người dân sẽ vì những lý do, sự việc như thế này mà mất niềm tin vào pháp luật vì họ cảm thấy có những bất công không được làm rõ, có những điều mù mờ về lợi ích không được minh bạch. Đó là những tiền lệ rất không đáng có.

PV: Cảm ơn LS!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.