Thân máy bay làm từ composite có bảo vệ hành khách tốt hơn?
Theo hãng tin AP, thân máy bay Airbus A350 của hãng hàng không Japan Airlines bị thiêu rụi tại sân bay Haneda, Tokyo ngày 2/1 và máy bay Boeing 787 được chế tạo từ vật liệu composite và sợi carbon thay cho vật liệu truyền thống là nhôm.
Theo dữ liệu từ hai hãng sản xuất máy bay, hơn 1.600 máy bay Airbus A350 và Boeing 787 đã được sản xuất bằng vật liệu này.
Theo hãng tin AP, vật liệu composite chứa sợi carbon được sử dụng để tăng độ cứng cáp cho các chi tiết bằng nhựa và các vật liệu khác trong máy bay. Những năm gần đây, vật liệu composite đã được sử dụng để chế tạo các hệ thống trên máy bay thương mại như sàn máy bay.
Theo Boeing, vật liệu composite giúp bộ phận máy bay có trọng lượng nhẹ hơn 20% so với bộ phận chế tạo bằng nhôm. Con số này mang ý nghĩa đáng kể bởi máy bay có trọng lượng nhẹ hơn sẽ tiêu thụ ít nhiên liệu hơn.
Nhiều cơ quan quản lý hàng không trên thế giới, bao gồm Cục Hàng không liên bang Mỹ đã thử nghiệm độ cứng của vật liệu composite trong quá trình cấp phép cho máy bay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện chưa có nhiều nghiên cứu về đặc tính của loại vật liệu này.
Ông John Cox - nhà tư vấn trong lĩnh vực hàng không, cho rằng chính phần thân máy bay làm bằng vật liệu composite đã giúp ngăn đám cháy lan nhanh vào trong cabin, tạo cơ hội cho toàn bộ 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn sơ tán kịp thời. Ông Cox cho rằng đây có thể là một trong những ưu điểm của vật liệu composite.
Tuy nhiên, theo ông Goglia hiện chưa có bằng chứng cho thấy thân máy bay bằng composite có khả năng ngăn cháy tốt hơn so với vật liệu nhôm, tạo điều kiện cho hành khách sơ tán.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, luật sư hàng không Justin Green cho rằng cần xem xét về khả năng bắt cháy của vật liệu composite. Dù vậy, ông Green cũng đồng tình rằng khả năng thân và ghế máy bay (làm từ vật liệu khó cháy) đã bảo vệ thành viên phi hành đoàn và hành khách.
Lo khí độc gây nguy hại tới sức khỏe
Tuy nhiên, ông John Goglia - Cựu chuyên gia tại Cục An toàn giao thông quốc gia Mỹ đặt ra vấn đề vật liệu tổng hợp carbon có thể sản sinh khí độc.
“Nguy cơ sản sinh khí độc có thể diễn ra trong quá trình máy bay cháy và cả sau đó bởi những sợi carbon nhỏ lẫn trong khói và phát tán ra xung quanh" - ông Goglia nói.
Trong vụ va chạm máy bay, hành khách đi trên chuyến bay của hãng Japan Airlines cho biết vài phút sau khi xảy ra va chạm với máy bay của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, khói dày đặc tràn vào bao trùm cabin. Một số video quay khung cảnh bên trong cabin cho thấy hành khách dùng khăn tay che kín miệng, cúi thấp đầu khi di chuyển tới lối ra.
Theo AP, từ lâu đã có quan ngại về đám cháy vật liệu composite chứa sợi carbon sản sinh khí độc.
Từ những năm 1990, Cục Hàng không liên bang Mỹ cảnh báo mối đe dọa chính với sức khỏe từ vật liệu composite trong các vụ va chạm, cháy máy bay là những cạnh vật liệu sắc nhọn bị lộ ra, bụi sợi carbon, khí độc do vật liệu nhựa bị đốt cháy.
Ông Todd Curtis, nhà tư vấn an toàn trong lĩnh vực hàng không cho biết: “Báo cáo ban đầu cho thấy lượng lớn khói đã tràn vào cabin nhưng chưa rõ làn khói này có liên quan tới phần vật liệu composite hay không”.
Ông Curtis cho rằng các nhà điều tra cần theo dõi xem hành khách và lính cứu hỏa có bị ảnh hưởng sức khỏe do phơi nhiễm với khói độc từ vật liệu composite cháy hay không.
Để biết được tác động từ khói của vật liệu composite với sức khỏe cần thời gian khá dài - Luật sư trong lĩnh vực hàng không Steven Marks nhận định.
Một vấn đề khác có thể quan sát được từ vụ cháy máy bay Japan Airlines đó là lính cứu hỏa tại sân bay Haneda mất rất nhiều thời gian mới dập tắt được đám cháy. Theo Japan Airlines, máy bay của hãng đã bốc cháy suốt 6 giờ.
Ông Curtis cho rằng vụ va chạm tại sân bay Haneda và đám cháy máy bay Boeing 787 đỗ tại sân bay Heathrow, London của hãng hàng không Ethiopian Airlines vào năm 2013 cho thấy việc dập tắt đám cháy khó khăn nhiều hơn so với đám cháy máy bay thông thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận