Đội tàu cứu nạn chuyên nghiệp sẽ dừng tìm kiếm
Ngày 26/4, trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi Lê Văn Lương cho biết, theo kế hoạch và quy định thì sau 3 ngày, công tác tìm kiếm các thuyền viên mất tích trong vụ chìm sà lan sẽ tạm dừng đối với tổ đội tìm kiếm chuyên nghiệp của các cơ quan cứu nạn cứu hộ.
"Việc này là dừng tìm kiếm tại hiện trường, còn tìm kiếm ven bờ và các hoạt động khác vẫn triển khai. Các tàu cứu hộ vẫn phát thông tin yêu cầu bà con ngư dân dọc ven biển tiếp tục tìm kiếm, phát hiện các nghi vấn có thi thể nổi trên biển thì báo cho cơ quan chức năng", ông Lương nói
Được biết, hiện trên vùng biển Lý Sơn, các biên đội tàu cứu nạn cứu hộ, tàu cảnh sát biển, tàu cá của bà con ngư dân… vẫn tiếp tục quần thảo quanh khu vực tàu gặp nạn, cũng như mở rộng phạm vi tìm kiếm. Song, vẫn chưa có thông tin gì về tung tích của 5 thuyền viên.
Trong khi đó, đối với hoạt động điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, sau chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi đã thành lập tổ điều tra bao gồm nhiều lực lượng, trong đó có cơ quan cảnh sát điều tra của Công an tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 26/4, tổ điều tra đã di chuyển đến vị trí sà lan đang neo đậu để khảo sát, thu thập thông tin. Đồng thời, di chuyển đến tất cả các vị trí trên hiện trường bao gồm tọa độ cuối nhận diện được tín hiệu AIS phát ra của tàu kéo LA-06695 và vị trí tàu kéo bị chìm cũng như vị trí được cho là nơi máy đào bị chìm.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi Lê Văn Lương cho biết, quy trình tổ điều tra làm việc tối thiểu trong 60 ngày, trong điều kiện cho phép thì yêu cầu chủ tàu trục vớt tàu kéo lên bờ để phục vụ công tác điều tra, còn nếu không trục vớt được thì sẽ có cách tiếp cận khác.
Việc điều tra và tiếp cận tàu kéo phải đảm bảo an toàn cho việc lưu thông của tàu thuyền trên vùng biển cũng như an toàn cho thành viên tổ điều tra.
Tìm người dưới đáy biển
Ngoài lực lượng chuyên nghiệp tham gia tìm kiếm cứu nạn, những ngư dân Lý Sơn đã đưa nhiều tàu cá ra hiện trường phối hợp.
Đồng thời, đội thợ lặn do đơn vị thuê sà lan thuê và các thợ lặn khác do người nhà nạn nhân thuê cùng một số người tự nguyện giúp đỡ cũng đến hiện trường để lặn xuống đáy biển nơi đống đá chở trên sà lan bị lật úp để tìm dấu vết các nạn nhân. Bên cạnh đó, các tổ lặn đã tiếp cận tàu kéo, lặn vào bên trong khoang tàu để tìm.
Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn - Phạm Thị Minh Lý cho biết, trong số 5 thuyền viên mất tích thì phía công ty chỉ thuê có 2 người là ông Bùi Minh Trí (thủy thủ) và Võ Văn Nhiều (thợ máy) để vận hành sà lan và tàu kéo theo đúng quy định. Tuy vây, đội thợ lặn công ty thuê riêng vẫn tích cực tìm kiếm cả 5 thuyền viên.
"Qua hai ngày lặn tìm, đội thợ lặn tiếp cận đống đá rơi từ sà lan xuống dưới đáy biển, cố gắng tìm kiếm hy vọng gặp được các thuyền viên, song không có kết quả.
Riêng khoang tàu kéo, lực lượng tìm kiếm đã tiến vào bên trong nhưng cũng chưa tìm thấy gì. Chúng tôi đang rất lo và mong sớm tìm thấy các thuyền viên đưa họ về với gia đình", bà Lý nói.
Danh sách 5 thuyền viên được cho là mất tích mà phía chủ tàu đăng ký với cơ quan chức năng để điều hành tàu và sà lan gồm: Phạm Văn Hiệp, thuyền trưởng; Đặng Minh Phương, thủy thủ (Long An); Võ Tấn Khương, máy trưởng; Võ Văn Nhiều, thợ máy; Bùi Minh Trí, thủy thủ (Quảng Ngãi).
Qua trích xuất dữ liệu camera tại cầu cảng số 1 thuộc Bến cảng Kỳ Hà xác định được thời gian tàu kéo gặp nạn rời bến vào trưa ngày 23/4, song do vị trí camera quá xa nên không thể xác định được rõ được hình ảnh người lên xuống tàu vào thời điểm trên.
Tuy nhiên, qua làm việc với ông Lê Văn Tài, thợ máy tàu kéo Mỹ An 25, neo gần đó thì vào thời điểm trước khi xuất bến có 4 người đàn ông nói giọng miền Nam từ LA-066.95 sang tàu Mỹ An chơi.
Đến khi tàu kéo LA-066.95 rời bến có cập mạn tàu kéo Mỹ An 25 để đón 4 người này lên tàu và rời đi theo hải trình từ cảng Kỳ Hà đi đảo Lý Sơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận