Chiều 18/11, PV liên hệ với ông Huỳnh Hữu Thọ, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn (Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam), để hỏi về hồ sơ thiết kế điều chỉnh cầu vượt bộ hành số 1 tại nút giao Đại học Quốc gia TP HCM. Tuy nhiên, ông Thọ trả lời hiện nay chưa tìm ra hồ sơ thiết kế điều chỉnh này. “Chúng tôi chỉ có hồ sơ thiết kế điều chỉnh từ năm 2017, chưa tìm ra hồ sơ thiết kế điều chỉnh mới”, ông Thọ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xa lộ Hà Nội, chủ đầu tư dự án khẳng định hồ sơ thiết kế đã được điều chỉnh lại sau 2 lần dịch chuyển vị trí cầu bộ hành số 1. Hồ sơ này đã được chủ đầu tư trình lên Sở GTVT vào đầu năm 2019 và được Sở GTVT thẩm định, chấp thuận chủ trương dịch chuyển vị trí.
Ngày 16/11, chủ đầu tư đã họp với tất cả các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp đã xác định mốc tọa độ, cao độ do tư vấn thiết kế bàn giao cho các đơn vị sử dụng chung cho toàn bộ dự án bao gồm (phần cầu vượt làn chính, cầu bộ hành, phần đường chính, đường song hành…) là +17,25m.
Vị trí cầu bộ hành số 1 đã được Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 phê duyệt có tĩnh không theo phê duyệt bề rộng 10,5m, cao 4,75m. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã dịch chuyển vị trí cầu bộ hành số 1 hai lần cách vị trí ban đầu là 13,89m theo hướng về Đồng Nai và hướng dốc dọc lên 1,78%. Cùng với đó, mặt ngang đường được mở rộng thêm 1,5m về phía trụ T1, có độ dốc ngang 2%.
Theo một chuyên gia cầu đường, cả hai yếu tố trên khiến tĩnh không cầu bị giảm 27,72cm. Tức tĩnh không tại điểm thấp nhất lúc này chỉ còn 4,47m chứ không phải 4,75m như thiết kế ban đầu. “Không biết những thông số này có được đơn vị thiết kế cập nhật trong hồ sơ thiết kế mới hay không?”, chuyên gia này đặt vấn đề.
“Phải chăng khi thiết kế lại hồ sơ cầu tại vị trí mới đã không cập nhật độ dốc dọc, dốc ngang khiến tĩnh không cầu thấp đi 27,72cm?”, chúng tôi đặt câu hỏi với chủ đầu tư. “Hiện nay đang nghi ngờ và hướng theo giả thuyết này. Nhưng tư vấn thiết kế nói đang rà soát lại hồ sơ để có số liệu chính xác”, ông Nguyễn Thành Nam nói. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn thiết kế trả lời “đang tìm hồ sơ”.
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, sau khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng đã tiến hành đo tĩnh không thực tế từ mặt đường lên đáy cầu là 4,45m. Tổng chiều cao của sơ-mi rơ-moóc và cả thùng container ở phía đầu rơ-moóc là 4,56m. Vì vậy, khi xe container đi qua thì thùng container đã va chạm vào vị trí thấp nhất của dầm cầu vượt đi bộ.
Trước đó, vào khoảng 4h sáng 13/11, xe container lưu thông hướng từ Biên Hòa vào TP HCM đã va vào dầm cầu vượt bộ hành băng qua Xa lộ Hà Nội khiến một thanh dầm rơi xuống đè bẹp thùng container. Thanh dầm này đã được đơn vị thi công gác hoàn thành vào lúc 1h sáng, các xe sau đó chạy qua bên dưới bình thường. Vụ việc rất may không xảy ra thiệt hại về người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận