Người dân yêu cầu làm rõ 4 vấn đề
Trong buổi đối thoại với đại diện doanh nghiệp mỏ đá Kiên Ngọc chiều 6/3, ở Nhà văn hóa xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, có 4 nội dung người dân thôn 5, 6 xã An Sơn mong muốn được làm rõ.
Thứ nhất, người dân yêu cầu đơn vị khai thác đá tại mỏ Kiên Ngọc cần nghiêm chỉnh chấp hành thời gian cho nổ mìn khai thác đá theo đúng quy định. Bởi việc nổ mìn khai thác đá không có giờ cố định, không cảnh báo trước khiến nguy cơ mất an toàn lao động rất cao.
Thứ hai, người dân quan tâm và cần làm rõ việc cắm mốc giới và bán kính an toàn trong khai thác mỏ đá Kiên Ngọc. Nhiều ý kiến cho rằng, việc mỏ đá Kiên Ngọc khai thác đá chưa đảm bảo bán kính an toàn, nhiều hộ dân, vật kiến trúc, công trình vẫn nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng.
Những công trình, vật kiến trúc trên cần được di dời khỏi bán kính an toàn của mỏ đá. Công ty TNHH Kiên Ngọc đã không có biện pháp, giải pháp, giãn dân, di dời dân, vật kiến trúc ra khỏi vùng nguy hiểm có thể gây mất an toàn, ảnh hưởng tới tính mạng của người dân
Thứ ba, người dân phản ánh việc khói bụi tại mỏ đá ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân nhưng trong thời gian qua, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng không được đền bù, hỗ trợ từ Công ty TNHH Kiên Ngọc.
"Việc Công ty TNHH Kiên Ngọc khai thác đá đã đúng quy trình, đúng quy định như trong hồ sơ cấp phép hay chưa? Hiện nay mỏ đá đã khai thác gần hết nhưng đơn vị vẫn cho rằng đang làm mặt bằng mỏ và đường công vụ là không đúng?", đại diện người dân thắc mắc.
Ngày 4/3, báo điện tử Giao thông đăng tải bài viết "Hải Phòng: Vì sao người dân lập chốt chặn đường vào mỏ đá Kiên Ngọc?" phản ánh sự việc từ ngày 1/3 đến nay, hàng chục người dân thôn 5, 6 xã An Sơn đã lập chốt ngăn đoàn xe chở đá của mỏ đá Kiên Ngọc ra vào vì cho rằng mỏ đá và các xe này gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn lao động, mất ATGT.
Ngay cùng ngày 4/3, Văn phòng UBND TP Hải Phòng đã có văn bản giao các sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, UBND huyện Thủy Nguyên kiểm tra, rà soát thông tin Báo Giao thông phản ánh, có biện pháp xử lý, tháo gỡ các vướng mắc (nếu có) theo quy định, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.
Thứ tư, người dân phản ánh Công ty TNHH Kiên Ngọc trong quá trình khai thác đá đã phát sinh những hoạt động được cho là xâm hại đến mồ mả của các hộ gia đình tại nghĩa trang ngay dưới chân núi, chưa có biện pháp, kế hoạch di dời mồ mả ra vùng an toàn.
Ngoài ra, người dân còn "tố" Công ty TNHH Kiên Ngọc đang khai thác vượt chỉ giới được cấp phép từ cuối năm 2023, xâm hại nghiêm trọng tới một số di tích như Hang Công An, Hang huyện Ủy- những di tích được thành phố xếp hàng di tích lịch sử vào năm 2005.
Trong buổi đối thoại, hầu hết người dân thôn 5,6 xã An Sơn đều mong muốn các cấp chính quyền, doanh nghiệp đưa ra phương án thỏa đáng cho người dân, giúp cho người dân được cuộc sống ổn định hạn chế tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, không còn cảnh hàng ngày đều phải lo sợ an nguy đến tính mạng của gia đình mình bởi việc nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá Kiên Ngọc gây ra.
Đại diện doanh nghiệp "nuốt lời"?
Tại hội nghị đối thoại với người dân, đại diện bên phía doanh nghiệp là ông Nguyễn Văn Quynh đã thừa nhận việc doanh nghiệp không tuân thủ giờ nổ mìn theo đúng quy định trong hồ sơ cấp phép khai thác mỏ đá Kiên Ngọc (là ngày 2 lần vào cuối giờ sáng và cuối giờ chiều mỗi ngày).
Về vấn đề xâm hại mồ mả tại nghĩa trang ngay dưới chân núi, nằm trong khu vực nguy hiểm, ông Quynh cho rằng có một số vị trí chồng lấn về bán kính an toàn đối với các mỏ đá liền kề nhau nên doanh nghiệp không thực hiện việc hỗ trợ đền bù là chính đáng bởi đã có đơn vị khác thực hiện nghĩa vụ trên.
Tuy nhiên, người dân cho rằng việc trả lời như trên là không đúng, bởi khu vực nghĩa trang trên không nằm trong không nằm trong khu vực chồng lấn bán kính an toàn khi khai thác
"Việc đất đá trong quá trình nổ mìn đã lăn xuống làm hư hỏng mồ mả của gia đình một số hộ dân trong quá trình nổ mìn khai thác đá chính là hành động xâm hại mồ mả, tổ tiên của người dân sinh sống tại đây", ông Vũ Văn Ph (ở thôn 5, xã An Sơn) bức xúc.
Ông Quynh cũng khẳng định đơn vị khai thác đúng trong khu vực được cấp phép, không xâm lấn ra ngoài khu vực khác. Đơn vị cũng đã thực hiện đền bù hỗ trợ những hộ gia đình bị ảnh hưởng từ việc nổ mìn gây rung lắc, khói bụi.
Sau đó, người đại diện doanh nghiệp này còn khẳng định ngay sau khi kết thúc đối thoại, ông sẽ mời các hộ dân và phóng viên các cơ quan báo chí đang có mặt tại hội nghị vào kiểm tra thực tế tại mỏ đá.
Tuy nhiên, ngay sau khi hội nghị kết thúc, người dân, PV Báo Giao thông và một số cơ quan báo chí khác không tìm thấy ông Quynh đâu, dù đã liên tục gọi điện, nhắn tin nhưng ông Quynh không trả lời.
Sau khi hội nghị kết thúc, ông Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết, việc người dân phản ánh tình trạng như trên đã diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên để giải quyết được vấn đề trên đối với chính quyền địa phương là rất khó.
Trước đó, vào thời điểm người dân tập trung đông người tại cửa mỏ đá Kiên Ngọc, ông Quynh cũng từng hứa sẽ tạm thời dừng hoạt động và giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân thôn 5, 6.
Tuy nhiên, khi người dân vẫn còn tập trung tại mỏ, công ty vẫn ngang nhiên cho nổ mìn mà không có cảnh báo hay yêu cầu người dân sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận