Sau khi Báo Giao thông ngày 16/12 có bài viết “Thái Bình: Ai chống lưng cho “ông trùm” biến đất 51 hộ dân thành của riêng?”, “ông trùm” này đã lén lút sửa sai bằng cách thuê máy xúc hoàn trả hình hài các thửa ruộng. Nhưng hiện các thửa ruộng dù được hoàn trả vẫn chưa thể canh tác như cũ.
Lén lút sửa sai trong đêm
Như phản ánh của Báo Giao thông, 5ha đất ruộng của 51 hộ dân ở thôn Đông Hồ, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bỗng nhiên bị ông Đặng Đức Hạnh (tên thường gọi là Hạnh Nhân) - một “ông trùm đất” trong vùng ngang nhiên cho người đào xúc ruộng, đắp bờ quây lại để chuẩn bị thực hiện một dự án nuôi trồng thuỷ sản cá nhân. Sự việc trên khiến hàng chục hộ dân thôn Đông Hồ bức xúc, phản đối.
Ngay sau khi báo có bài viết, tối 17/12, người dân thôn Đông Hồ phát hiện có 2 chiếc máy xúc tiến về cánh đồng Đồng Ngoài (nơi 5ha đất trồng lúa của người dân bị đào đắp, quây trái phép). Những chiếc máy xúc này dùng gầu ngoạm phá tan, san phẳng những đoạn đường mà chính ông Đặng Đức Hạnh đã thuê máy xúc đào ruộng của dân, quây đắp trước đó.
Không chấp nhận cách “sửa sai” này, người dân thôn Đông Hồ kéo tới cánh đồng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng sai trái. Ông Bùi Minh Bôn (ở thôn Đông Hồ) bức xúc: “Họ tự ý múc đất từ ruộng của chúng tôi để đắp thành đường, gờ, khi báo chí phản ánh, chính quyền vào cuộc thì họ lại lén lút tới phá đi. Giờ ruộng bị đào sâu hàng mét đắp thành đường, đất hoàn trả lẫn lộn thế kia, chúng tôi cày cấy thế nào được?”
Khi người dân kéo đến phản đối, có một số người xuất hiện chỉ đạo tiếp tục phá con đường đã đắp trên cánh đồng, nhưng người dân quyết liệt ngăn cản. Cuộc giằng co kéo dài từ 17 - 23h30 đêm 17/12, cuối cùng những chiếc máy xúc đành rút đi, bỏ lại hiện trường là một đoạn đường bị san gạt đất xuống ruộng lúa của dân.
Sai phạm phải được xử lý
Ông Hạnh và xã đã nhận sai, xin lỗi người dân. Tuy vậy, chúng tôi cần có bồi thường về thiệt hại khi chưa canh tác trên mảnh ruộng bị cày xới lẫn lộn và cũng cần có hình thức xử lý những người đã để xảy ra sai phạm này.
Ông Bùi Thế Đạc, người dân thôn Đông Hồ
Ngày 19/12, tại trụ sở UBND xã Thụy Phong diễn ra cuộc họp giữa chính quyền địa phương và các bên liên quan. Chỉ 10 hộ dân được mời tới dự cuộc họp, dù số hộ dân bị ảnh hưởng từ sự việc ngang nhiên đắp đường quây chiếm ruộng lớn hơn thế.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Doãn, Chủ tịch UBND xã Thụy Phong thông tin: “Ngày 12/11, ông Đặng Đức Hạnh ở thôn Đồng Hòa, xã Thụy Phong tự ý đắp bờ vùng, bờ thửa tại cánh đồng Đồng Ngoài thuộc thôn Đông Hồ. Ngày 20/11, UBND xã làm việc với ông Hạnh yêu cầu ông Hạnh dừng hoạt động đắp bờ vùng, bờ thửa nêu trên. Cùng ngày, UBND xã làm việc với thôn và ông Hạnh xác định diện tích vi phạm, xã đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Hạnh. Ngày 17/12, UBND xã san gạt trả lại mặt bằng cho các hộ dân bị đào ruộng đắp bờ”.
Ý kiến của ông Chủ tịch UBND xã bị hàng loạt người dân phản ứng. Ông Bùi Thế Đạc (ở thôn Đông Hồ) bức xúc: “Việc vi phạm của ông Đặng Đức Hạnh kéo dài nhiều ngày, chúng tôi phản ánh nhưng chính quyền không ngăn chặn kịp thời. Cực chẳng đã chúng tôi mới gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan báo chí vào cuộc. Khi báo chí phản ánh, các cấp chính quyền mới vào cuộc quyết liệt. Tuy vậy, cách xử lý là lén lút tự ý san gạt lại ruộng của chúng tôi là không thể chấp nhận được”.
Theo ông Đạc, đất ruộng chia làm nhiều tầng như đất thịt, đất sét rồi trên cùng mới là đất màu có thể cấy lúa. Nay ông Hạnh cho người đào ruộng sâu hàng mét, xới tung các loại đất lên rồi lại san gạt lại, nhìn bề ngoài ruộng đã trở lại như cũ, nhưng hiện không thể trồng cấy được. “Thiệt hại này ai sẽ là người gánh chịu?”, ông Đạc đặt câu hỏi.
Có mặt tại cuộc họp, ông Đặng Đức Hạnh xác nhận: “Việc tôi đắp bờ vùng, bờ thửa ở cánh đồng Đồng Ngoài thuộc thôn Đông Hồ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, chưa được bà con đồng ý là việc làm sai trái. Tôi xin khắc phục trả lại hiện trạng, mong bà con thông cảm”.
Ông Doãn thông tin thêm: “Để xảy ra sự việc ông Hạnh đào đắp bờ vùng, bờ thửa, chôn cột trên cánh đồng Đồng Ngoài, UBND xã nhận trách nhiệm chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời dẫn đến thiệt hại cho nhân dân”. Đối với việc khắc phục hậu quả, ông Doãn cho biết, mọi chi phí khắc phục hiện trạng, cắm mốc xác định diện tích cho nhân dân, ông Hạnh phải hoàn toàn chi trả. Đến ngày 25/12, cơ sở thôn sẽ kiểm tra dải thửa, cắm lại mốc giới diện tích ruộng cho các hộ dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận