Doanh nghiệp có vốn Nhà nước nên ưu ái?
Sáng 20/12, ông Ngô Công Thức, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có buổi làm việc với báo chí về kết quả rà soát, kiểm tra việc khai thác đất trái phép sản xuất gạch ngói của Công ty CP Xây lắp An Giang.
Mở đầu buổi làm việc, ông Ngô Công Thức cho biết, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Thường trực UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức rà soát hơn 40 dự án đầu tư công trên địa bàn về việc chấp hành pháp luật. Trong đó, có 3 dự án khu mỏ sét chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nhưng đã bị Công ty CP Xây lắp An Giang tổ chức khai thác trái phép trong thời gian dài.
Theo báo cáo kết quả thăm dò tại 3 khu vực trên được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 2791/QĐ-UBND ngày 1/12 /2020 khu vực mỏ thuộc thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn có trữ lượng 878.367m3, Quyết định số 2792/QĐ-UBND ngày 1/12/2020 khu vực mỏ thuộc thị trấn An Phú, huyện An Phú với trữ lượng 513.281m3 và Quyết định số 2793/QĐ-UBND ngày 1/12/2020 khu vực mỏ thuộc phường Bình Đức, TP Long Xuyên có trữ lượng 434.681m3.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xây lắp An Giang cho biết, công ty có 3 nhà máy sản xuất gạch ngói đặt tại TP Long Xuyên, huyện Tri Tôn và huyện An Phú. Trong đó, khu vực mỏ tại thị trấn Tri Tôn với diện tích 9,82ha; khu mỏ tại phường Bình Đức, TP Long Xuyên 9,6ha và khu mỏ thị trấn An Phú, huyện An Phú.9,32ha.
Theo ông Xuân, đây là đất được công ty mua lại từ đất ruộng của người dân, chưa được sang tên công ty, một số khu đất có sang tên cho đại diện Nhà máy gạch ngói Tunnel đứng tên. Những khu đất còn lại chỉ có hợp đồng công chứng và công ty đang giữ bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, các khu vực mỏ trên của Công ty CP Xây lắp An Giang đã được doanh nghiệp thực hiện việc thăm dò, đánh giá trữ lượng sét. Sau đó, doanh nghiệp này có làm thủ tục gửi ngành chức năng tỉnh đề nghị chấp thuận cấp mỏ.
"Sở tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh An Giang chưa chấp thuận cấp mỏ vì quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch mỏ khoáng sản chưa rõ ràng. Nếu sắp tới đây, quy hoạch khu vực mỏ khoáng sản rõ ràng, phù hợp thì chúng tôi sẽ đề xuất cấp phép cho doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, đại diện Báo Giao thông hỏi rằng, theo kế hoạch phê duyệt nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng được UBND tỉnh An Giang thông qua năm 2021 là không sử dụng đất nông nghiệp để làm nguyên liệu sản xuất gạch nung, thì việc đề nghị cấp mỏ tại 3 khu vực trên của Công ty CP Xây lắp An Giang có đúng quy định?
Một số câu hỏi khác cũng được các PV đặt ra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hiện dự án của Công ty CP Xây lắp An Giang; có phải vì là doanh nghiệp có vốn Nhà nước nên được ưu ái, không cần thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định pháp luật, doanh nghiệp có thể "cầm đèn chạy trước ô tô"?
Thế nhưng tất cả câu hỏi trên không được cơ quan chức năng tỉnh An Giang giải đáp.
Sẽ xử lý theo tinh thần thượng tôn pháp luật
Đại diện Báo Giao thông tiếp tục đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương và ngành chức năng khi để tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra trong một thời gian dài; đánh giá tác động môi trường, phương án xử lý, khắc phục đối với các khu vực khai thác đất trái phép trên như thế nào?
Ông Võ Hùng Dũng nói rằng, sau khi UBND tỉnh có chỉ đạo thành lập Tổ kiểm tra, qua làm việc với UBND huyện An Phú thấy còn một số vấn đề cần làm rõ. Đặc biệt là các số liệu trong báo cáo của UBND huyện An Phú đều do Công ty CP Xây lắp An Giang cung cấp một phía, chưa có đơn vị nào tổ chức đo đạc.
"Vì thế, tôi đã báo cáo UBND tỉnh có phương án thuê đơn vị tư vấn đo đạt đối với khu vực đã khai thác để có số liệu đối chiếu với số liệu của doanh nghiệp. Tới đây phải đo đạt cả 3 khu vực huyện Tri Tôn, huyện An Phú và TP Long Xuyên mới có thể đưa ra phương án xử lý, quy trách nhiệm như thế nào. Hiện nay, chỉ dựa vào số liệu của doanh nghiệp thì không đủ cơ sở pháp lý để xử lý", ông Dũng giải thích.
Ông Ngô Công Thức cho biết, đang cho Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại tất cả các trình tự thủ tục pháp lý trong thực hiện chủ trương, cấp phép đầu tư.
"Trên tinh thần chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh An Giang là tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều phải thượng tôn pháp luật, không ngoại trừ doanh nghiệp nào. Sau khi rà soát kiểm tra có sai phạm đến đâu, sẽ xử lý đến đó", Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định.
Công ty cổ phần Xây lắp An Giang có vốn điều lệ là 287.228 triệu đồng, trong đó: vốn thuộc sở hữu nhà nước là 271.372 triệu đồng (chiếm 94,48% vốn điều lệ); vốn thuộc sở hữu cổ đông khác 15.856 triệu đồng (chiếm 5,52% vốn điều lệ).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận