15 năm sau sự kiện 11/9, vấn đề khủng bố vẫn đang khiến giới chức Mỹ đau đầu và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đua Tổng thống năm nay |
15 năm sau vụ tấn công (11/9/2001), vẫn còn nhiều người đặt câu hỏi rằng, vì sao nó xảy ra, thậm chí nghi ngờ về sự thật đằng sau vụ việc này. Trong khi đó, nước Mỹ đang mắc kẹt trong cuộc chiến chống khủng bố và không giành được ưu thế trước chủ nghĩa cực đoan đang truyền cảm hứng cho các nhóm khủng bố.
Nghi ngờ sự sụp đổ của tòa tháp đôi
Ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay của hãng hàng không Mỹ bị những phần tử al-Qaeda bắt cóc và lao vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York. Trong những vụ tấn công phối hợp khác, một máy bay nữa lao vào trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khi chiếc thứ tư bị rơi ở Pennsylvania. Hơn 2.700 người thiệt mạng trong vụ tấn công. Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới đã bị sụp đổ hoàn toàn.
Theo điều tra của Viện Kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia Mỹ (NIST) tiến hành hồi tháng 8/2002, tòa tháp đôi bị sụp đổ do hỏa hoạn phát sinh sau vụ đâm máy bay. Tuy nhiên, theo Daily Mail ngày 7/9, một nhóm các chuyên gia, kỹ sư về xây dựng tại Mỹ đưa ra tuyên bố gây sốc sau khi tiến hành các phân tích kéo dài 6 năm rằng, tòa tháp đôi không thể bị đánh sập bằng máy bay. Thay vào đó, các kỹ sư hàng đầu tin rằng tòa tháp đôi có thể bị đánh sập bằng một “sự phá hủy được kiểm soát”.
Trong một lá thư gửi tới tờ Europhysics News, nhóm các kỹ sư này đã nhấn mạnh bốn điểm quan trọng dẫn đến kết luận của họ. Đó là, Hỏa hoạn thường không đủ nóng để đốt chảy cả một khối cấu trúc thép lớn để có thể dẫn đến sập; Phần lớn các tòa nhà chọc trời đều có hệ thống chống cháy và ngăn ngừa các đám cháy lớn nung chảy kết cấu thép; Các tòa nhà chọc trời thường sử dụng các vật liệu chống cháy và chúng cũng được thiết kế để nếu xảy ra hỏa hoạn cũng không bị sụp đổ.
Ngay cả John Skilling, kỹ sư về cấu trúc của tòa nhà trung tâm thương mại, từng thừa nhận năm 1993 (tức 8 năm trước khi xảy ra thảm họa) rằng, tòa nhà được thiết kế đặc biệt có thể chống chịu nếu có bị máy bay đâm vào. Trong một cuộc phỏng vấn với Seattle Times sau này, chính ông cũng nói rằng: “Toàn bộ nhiên liệu từ máy bay có thể đã chảy vào trong tòa nhà. Có thể đã xảy ra một vụ hỏa hoạn khủng khiếp. Có thể rất nhiều người bị chết nhưng cấu trúc tòa nhà sẽ vẫn còn ở đó”. Riêng tòa tháp số 7, không bị máy bay đâm nhưng cũng bị sụp đổ hoàn toàn và được lý giải là do hỏa hoạn là không hợp lý. Sau đó, ông còn bình luận rằng, theo quan điểm của ông, điều duy nhất có thể khiến tòa nhà bị sụp là do có xảy ra nổ.
Chưa giải được bài toán khủng bố
Ngày 7/9, Chủ tịch Ủy ban 11/9, ông Thomas Kean nhận định, nước Mỹ đang bế tắc trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo ông này, đúng là nước Mỹ không phải đối mặt với một vụ tấn công nào quy mô như vụ 11/9 trong suốt 15 năm qua, song đổi lại phải đương đầu với hàng loạt vụ khủng bố nhỏ lẻ. Trong khi đó, tình hình chống khủng bố trên thế giới thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn với sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria cùng nhiều phần tử cực đoan tại châu Phi, Trung Đông và Nam Á.
Ông Lee Hamilton, đồng Chủ tịch Ủy ban 11/9 cũng cho hay, mặc dù Chính phủ đầu tư hàng tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả. Ông Hamilton kêu gọi cải thiện tình hình này và tiến hành một số cải tiến cũng như đổi mới, nếu không sẽ “lãng phí thêm 15 năm nữa mà không đưa ra được một chiến lược đúng đắn”.
Sau 15 năm sau vụ khủng bố, an ninh quốc gia và chống khủng bố vẫn là vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất. Đây cũng là chủ đề nóng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ứng viên Donald Trump từng ám chỉ, chính sách cởi mở với người nhập cư mà đối thủ Hillary Clinton đưa ra sẽ là điều khủng khiếp cho an ninh quốc gia, vì nó sẽ đồng nghĩa với việc mở cửa cho những kẻ khủng bố vào nước Mỹ.
Hôm qua, một ngày sau khi chính thức khởi động cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng kéo dài hai tháng, Hillary Clinton và Donald Trump tiếp tục công kích nhau về an ninh quốc gia. Trước các cựu chiến binh tại bãi biển Virginia, ứng viên Donald Trump công kích bà Clinton làm việc không hiệu quả khi còn là Ngoại trưởng và việc bà Clinton ủng hộ không trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm không thể chấp nhận được.
Ông Trump còn tuyên bố: Nếu trở thành Tổng thống, sẽ hợp tác với Tổng thống Nga Putin để giải quyết các vấn đề của IS. Trong khi đó, bà Hillary Clinton nói rằng, chính bà chứ không phải ông Trump mới là người được chuẩn bị tốt nhất để chống IS. “Tháng 11, người Mỹ sẽ có một sự lựa chọn lớn khi xét đến vấn đề an ninh quốc gia. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa IS ra trước pháp luật và chấm dứt chủ nghĩa khủng bố mà chúng đang gieo rắc. Tôi là một người rất kiên nhẫn, tôi sẽ không bỏ cuộc”, bà Clinton nói.
Trong cuộc thăm dò dư luận do CNN/ORC công bố hôm qua, ông Trump vượt lên dẫn trước bà Clinton với tỷ lệ 45% - 43%, cho thấy cuộc đua vẫn rất quyết liệt. Song đáng chú ý, ông Trump đã nhận được phản hồi tích cực từ các cử tri độc lập - bộ phận quan trọng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận