Ông Châu cho biết tỉnh sẽ yêu cầu cơ quan chức năng đưa vụ tàu thép 67 hư hỏng vào vấn đề hình sự. |
Tại Hội nghị "Chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính Phủ về một số chính sách phát triển thủy sản" tổ chức Bình Định ngày 9/6, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết hiện nay tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải khắc phục những thiệt hại mà các nhà máy đóng tàu này gây ra cho ngư dân.
"Nói là hợp đồng đóng tàu nhưng bản chất là mua một con tàu mới với giá trị khá cao, do vậy để vận hành ngoài biển xa bờ thì yêu cầu tàu phải có chất lượng. Sau khi có báo cáo cụ thể của tổ thẩm định, UBND tỉnh Bình Định sẽ đề nghị các cơ quan có chức năng cao hơn nữa thực hiện công tác điều tra để xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. Bất cứ đơn vị, cá nhân nào có sai phạm trong Nghị định 67 thì cũng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm minh" - ông Châu nhấn mạnh.
Bộ NN&PTNT và tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ sở đóng tàu và hãng máy phải thay vật liệu mới và máy mới đúng với hợp đồng đã ký kết với ngư dân. |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đối với các cơ sở đóng tàu không có lương tâm, đóng những con tàu kém chất lượng gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân khi ra khơi thì UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng đưa vào vấn đề hình sự.
Sắp tới UBND tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Các cơ sở đóng tàu phải có lương tâm trong vấn đề này, đây là một chính sách lớn của Chính phủ hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
"Qua kiểm tra sơ bộ, hãng máy Mitsubishi cũng khẳng định nhiều máy không phải chính hãng, vỏ chính hãng nhưng bên trong không phải của Mitsubishi. Bên hãng máy sẽ có văn bản báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh, trên cơ sở đó tỉnh sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ vấn đề. Tôi đã gọi điện chỉ đạo công an tỉnh phải vào cuộc điều tra, đồng thời báo cáo Bộ công an cụ thể về vụ việc” – ông Châu nói.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết đợi tổ công tác thẩm định sau khi có kết luận cụ thể thì tỉnh Bình Định sẽ có giải pháp quyết liệt để thực hiện đúng với hợp đồng. Còn việc có đưa vụ việc sang hình sự không thì còn tùy theo mức độ và việc khắc phục của 2 công ty nói trên.
"Để đóng một con tàu cũng như giám sát toàn bộ quy trình liên quan đến rất nhiều đơn vị, trong đó có quản lý nhà nước, cụ thể là cơ quan đăng kiểm thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), chúng tôi sẽ kiểm điểm, rà soát và có sự chấn chỉnh đối với cơ quan đăng kiểm trong thời gian tới. Bây giờ phải rà soát lại toàn bộ quy trình, quy định đăng kiểm và trách nhiệm của đăng kiểm như thế nào đối với từng con tàu một và chúng tôi sẽ có kiểm điểm rõ ràng.
Kể cả việc ban hành các quy định về đăng kiểm cũng như các thủ tục đăng kiểm trong việc giám sát từng công đoạn đóng tàu đều căn cứ vào quy định hiện hành. Nếu các quy định hiện hành chưa đủ minh bạch hoặc chưa đủ để làm rõ trách nhiệm của đăng kiểm thì chúng tôi sẽ sửa và hoàn thiện" - ông Tám nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận