Xã hội

Vụ tàu thép 67 hư hỏng: Nhất định phải xử lý hình sự

15/06/2017, 16:40

Theo PCT Hội nghề cá Việt Nam, việc đưa thép "dỏm", máy "dỏm" vào "tàu thép 67" là vi phạm hình sự...

Ngan-hang-giam-so-do-cua-ngu-dan-1

18 tàu vỏ thép ở Bình Định bị tráo máy "dỏm", thép "dỏm" phải nằm bờ dài hạn vì đổ bệnh. 

Liên quan đến việc 18 tàu vỏ thép tại Bình Định được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ hư hỏng nằm bờ, sáng nay (15/6), trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng: Việc cơ sở đóng tàu thay thép Trung Quốc trong khi hợp đồng là đóng thép Hàn Quốc/Nhật Bản và dùng máy không chính hãng là làm hại cho đất nước.

"Vấn đề không chỉ có 18 chiếc tàu vỏ thép hư hỏng mà ở đây theo nhiều người nó còn là hành động “phản bội” đất nước. Bởi, ngư dân không đi đánh bắt được thì làm sao bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển đảo" - ông Lăng nêu vấn đề.

Theo Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc "tàu thép 67" hư hỏng nằm bờ hàng loạt. Trước hết là do nhà máy đóng tàu, đây là nơi thực hiện hợp đồng với ngư dân trên cơ sở mẫu tàu được Bộ NN&PTNT thông báo. Trong thiết kế, bản vẽ đã quy định rõ ràng đầy đủ về thiết bị đóng tàu. Tàu không hoạt động được do cơ sở đóng tàu đóng không đảm bảo kỹ thuật như trong mẫu thiết kế đã đề ra, kể cả trong hợp đồng kinh tế với ngư dân.

Thứ hai, do lâu nay ngư dân chỉ quen đi tàu vỏ gỗ, mà nói đến tàu vỏ gỗ thì không ai có thể qua mặt được ngư dân. Nhưng với tàu vỏ thép thì rất lạ lẫm với họ. Khi chủ tàu không biết gì sẽ rất khó khăn trong việc giám sát xem nhà máy đóng tàu có làm đúng hay không? Nếu nhà máy lợi dụng ngư dân không biết gì rồi lắp ẩu, cuối cùng ra khơi đánh bắt không được thì chủ tàu cũng... bó tay.

Thứ ba, trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm thuộc Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT). Đây là cơ quan đảm bảo an toàn kỹ thuật của con tàu, trong đó có phần máy, phần vỏ, thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ… Về quy định kiểm tra tàu bè rất chặt chẽ, bước 1 không xong thì không thể qua bước 2 và không thể có bước kế tiếp. Vì vậy, vai trò của đăng kiểm trong trường hợp này quyết định tất cả.

"Lâu nay trách nhiệm quan trọng của đăng kiểm ít đề cập đến. Kể cả Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khi vào Bình Định, chỉ đề cập đến chủ tàu và nhà máy đóng tàu, tránh nói trách nhiệm của đăng kiểm. Tuy nhiên, mới đây trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết Tổ giám định của tỉnh Bình Định sẽ kiểm tra tình hình, sau đó gửi báo cáo về Bộ, ai sai thì xử lý, kể cả nội bộ của Bộ NN&PTNT cũng không ngoại lệ" - ông Lăng nói.

"Quan điểm của tôi là không có chuyện xử lý chung chung, rút kinh nghiệm cho qua chuyện. Công an cần vào cuộc điều tra ai vi phạm gì, tội ở đâu? Sai đến đâu xử lý đến đó, nhất định phải xử lý hình sự" - ông Lăng nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.