Chất lượng sống

Vụ TNGT thảm khốc ở Gia Lai: Những người hùng thầm lặng

14/05/2017, 07:53

Vụ TNGT thảm khốc ở Gia Lai: Gặp lại những người hùng thầm lặng tham gia cứu nạn

5

Ông Huỳnh Thái Bình và chiếc xe chở 10 nạn nhân đi cấp cứu sau vụ TNGT thảm khốc tại Gia Lai

Thấy nhiều người bị thương, ông Huỳnh Thái Bình đã lái xe tải của gia đình đến cùng người dân đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Thế nhưng, khi nói về chuyện cứu người sau vụ tai nạn thảm khốc ở Chư Sê, Gia Lai, ông Bình và nhiều người đều bảo đó là công việc phải làm. Họ không nề hà và sợ hãi khi đối diện với những cảnh tượng thảm khốc.

Ngày thứ 4 sau vụ tai nạn thảm khốc tại huyện Chư Sê, Gia Lai, nhà chùa và những người dân đã lập bàn thờ chung cho hơn 10 người tử vong. Những quán cà phê đối diện hiện trường đông người đến và đóng cửa muộn hơn thường ngày. Những chiếc xe khách đường dài và xe tải biết thông tin vụ việc nên khi ngang qua hiện trường đều đi chậm hơn. Ở đó, tiếng kinh xuyên đêm cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số siêu thoát. Họ mong sao những linh hồn oan ức ấy sẽ về được với gia đình, hội ngộ cùng Tổ tiên….

Mang xe tải gia đình cứu nhiều người bị nạn

Giữa sự yên bình vốn có của cuộc sống thường ngày, câu chuyện tai nạn thảm khốc ở Chư Sê vẫn là đề tài bàn luận ở các quán cà phê, vỉa hè quán cóc. Những người giúp đỡ nạn nhân sau tai nạn lặng người khi nhắc về chuyện xảy ra 4 ngày trước như vừa diễn ra trước mắt. Ai trong lòng cũng nặng trĩu.

Chúng tôi tìm về gia đình ông Huỳnh Thái Bình (50 tuổi, trú thôn Mĩ Thạch 3) một trong những người đến hiện trường sớm nhất. Ông Bình là người đã dùng xe tải chở nông sản để đưa 10 người bị thương đến Bệnh viện Chư Sê ít phút sau khi vụ TNGT xảy ra.

"Mấy hôm nay, theo dõi tin tức qua tivi, báo đài, tôi thấy những người từng được tôi đưa đi viện. Nhìn họ dần bình phục trong sự chăm sóc của những người thân mà tôi ấm lòng."

Ông Huỳnh Thái Bình

Ông Bình ngậm ngùi kể: “Nhà tôi cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 30m. Lúc nghe tiếng nổ, tôi đang nằm trong nhà, tưởng xe nổ lốp bình thường. Nhưng linh cảm tiếng nổ này quá lớn có điều gì không bình thường nên tôi bật dậy và chạy ra khỏi nhà, đứng ở cửa nhìn ra thấy một lớp bụi mù mịt. Tôi chạy lại gần hơn thì thấy cảnh tượng quá kinh hoàng. Hai chiếc xe tan hoang, dưới đất mảnh vỡ thủy tinh vương vãi khắp nơi. Người trên xe khách gào khóc, những người rơi dưới đất đang giãy giụa. Theo phản xạ, tôi hô lớn “cứu người bà con ơi” rồi lập tức gọi ngay cho cơ quan công an”.

“Đến giờ này tôi vẫn còn không tưởng tượng nổi những gì mình chứng kiến, người bị thương nằm la liệt là thật. Tôi hô lớn: “Tụi bây khiêng mấy người còn sống sang đường để tao lấy xe chở đi bệnh viện. Lúc ấy, tôi vừa chạy vừa nghĩ, cái xe bốn chỗ này thì chở được mấy người. Thế rồi tôi chạy ra nhà xe đánh chiếc xe tải chở nông sản tới hiện trường để đưa được nhiều nạn nhân đi bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi xe tới hiện trường, tôi hạ các thành thùng xe tải xuống rồi bảo mọi người lấy chiếu lót ở dưới. Mọi người đưa các nạn nhân lên thùng xe, xếp người bị nạn nằm ngang để được nhiều người nhất. Tất cả là 8 người sau thùng, 2 người bị thương nhẹ ngồi lên cabin được tức tốc đưa ra Bệnh viện huyện Chư Sê”.

Khoảng vài phút sau, chiếc xe chở người bị thương tới viện, ông Bình lập tức hô hoán mọi người xúm lại khiêng các nạn nhân xuống băng ca. “Tôi thấy ai ở viện mà còn sức khoẻ đều hô hoán tới phụ giúp các nhân viên y tế vào cấp cứu. Lật đật, vội vã đến nỗi đôi dép ở chân mất lúc nào tôi cũng chẳng hay”, ông Bình cười buồn và nói tiếp: “Lúc đó, tôi chỉ mong làm sao nhanh chóng đưa nạn nhân nhập viện, chứ sợ người bị thương mà mất máu nhiều thì nguy hơn”.

Những phụ nữ có “tinh thần thép”

Mấy hôm nay, tất cả các nhà dân gần hiện trường vụ TNGT vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ TNGT đặc biệt xảy ra 4 ngày trước. Cuộc sống của những gia đình cận kề hiện trường vụ tai nạn bị xáo trộn. Chị Phạm Thị Thúy Nga (42 tuổi, chủ tiệm làm tóc ngay hiện trường) vẫn chưa hết hoảng hốt kể lại: “Cả nhà tôi mấy hôm nay ăn ngủ không yên, cứ mở cửa tiệm ra lại nghĩ đến cảnh người chết, người bị thương la liệt trước hiên nhà. Trong đời tôi chưa bao giờ sợ đến thế, nó ám ảnh tôi vô cùng…”. Trong câu chuyện tham gia cứu người của chị Nga có nhắc đến đến nhiều phụ nữ khác đã vượt qua sợ hãi. “Nhiều chị em trong xóm thấy người bị thương, người chết đã chạy lại lấy chăn trên xe lau máu me cho người bị nạn. Có chị em còn chạy về nhà lấy chiếu của gia đình đắp cho người bị tử vong”.

Người phụ nữ mạnh mẽ trong câu chuyện mà chị Nga nhắc đến là chị Thu. Chị Thu không muốn nói nhiều về việc làm của mình vì chị cho rằng, đó là hành động bình thường. Chị chỉ kể, “lúc ấy nhìn các nạn nhân thật đáng thương. Thấy họ nằm giữa đường nơi đất khách quê người với cơ thể không lành lặn. Nhìn cảnh đó chúng tôi làm sao có thể làm ngơ. “Thấy thương quá, tôi định chạy đi mua chiếu nhưng giờ đó không có ai bán nên về nhà ôm chiếu ra. Còn chồng tôi tiếp tục ở lại hiện trường cùng nhiều người dân khác cứu người bị thương”.

Tương tự, cô giáo Chu Thị Thu (trú tại xóm Chùa) cũng là người đã lao vào giúp đỡ người bị thương. “Lúc mọi người đưa nạn nhân đi bệnh viện, ở hiện trường các thi thể được mọi người di chuyển ra chỗ trống. Họ nằm đó trông thật tội nghiệp. Tôi cùng với mấy chị em nhờ mấy người đàn ông trèo lên xe lấy chăn xuống rồi đắp cho họ”.

“Nhìn thấy máu, chết chóc khi trời còn tờ mờ sáng thì càng sợ hơn. Cảnh tượng thật ám ảnh nhưng nghĩ rằng, làm phúc nên chúng tôi xắn tay vào làm”, cô Thu kể và nguyện cầu cho những người đã khuất được an nghỉ.

Nhưng cũng có những người khoẻ mạnh vào thời điểm ấy đã chen lấn để cầm điện thoại chụp ảnh, quay phim rồi đăng lên mạng xã hội. Họ không giúp đỡ mà còn có hành động vô cảm với đồng loại, thật đáng lên án”, một người phụ nữ cứu người khác lúc tiếp xúc với chúng tôi đã nói lên những điều này khi chỉ cho chúng tôi một vài trang facebook đăng tải những hình ảnh rùng rợn sau vụ tai nạn để câu “like”…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.