Xã hội

Vựa hoa Thành Nam hối hả vào vụ Tết sau cơn lũ lịch sử

12/10/2024, 05:58

Còn hơn 3 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, vựa hoa lớn nhất Nam Định hối hả xuống giống để kịp vụ Tết sau cơn lũ lịch sử gây thiệt hại lớn cho người nông dân nơi đây.


Vựa hoa Thành Nam hối hả vào vụ Tết sau cơn lũ lịch sử- Ảnh 1.

Những ngày này, trên khắp cánh đồng hoa xã Mỹ Tân, TP Nam Định, người trồng hoa tranh thủ thời tiết nắng ấm, khẩn trương cải tạo đất, xuống giống, mong muốn một mùa bội thu, gỡ lại những thiệt hại do cơn lũ lịch sử gây thiệt hại cho người dân nơi đây.

Vựa hoa Thành Nam hối hả vào vụ Tết sau cơn lũ lịch sử- Ảnh 2.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết, xã có 2 vùng trồng hoa là Hồng Long và Hồng Hà. Do 3 mặt giáp sông Hồng nên khi nước dâng cao, gần như các thôn xóm tại đây đều bị ảnh hưởng, có nhà ngập sâu gần 2m. Không chỉ nhà cửa, đời sống sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng, toàn bộ kế sinh nhai của hầu hết người dân nơi đây là các vườn trồng hoa cũng bị nhấn chìm trong biển nước. Ảnh: Chị Trần Thị Tuyết (41 tuổi, trú tại thôn Hồng Hà 1, xã Mỹ Tân) thẫn thờ bên ruộng hoa hư hỏng toàn bộ sau bão số 3.

Vựa hoa Thành Nam hối hả vào vụ Tết sau cơn lũ lịch sử- Ảnh 3.

Sau khi nước rút, UBND xã Mỹ Tân động viên người dân tập trung làm đất, xuống giống, ổn định sản xuất. Hiện, xã Mỹ Tân có trên 250ha trồng hoa, nằm ở cả trong khu dân cư và ngoài bãi ven sông Hồng. Riêng vùng Hồng Hà (gồm thôn Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2) là vùng chuyên canh hoa, chủ yếu là hoa cúc. Diện tích canh tác hoa tại đây là khoảng 150ha.

Vựa hoa Thành Nam hối hả vào vụ Tết sau cơn lũ lịch sử- Ảnh 4.

Theo các chủ vườn hoa xã Mỹ Tân, để một chậu hoa cúc nở bông đều, đẹp vào ngày Tết, các nhà vườn đã phải chuẩn bị từ trước đó 4-5 tháng; để có bông hoa dơn, hoa huệ người trồng hoa cũng phải mất khoảng thời gian 3 tháng.

Vựa hoa Thành Nam hối hả vào vụ Tết sau cơn lũ lịch sử- Ảnh 5.

Ông Phan Thanh Giang (58 tuổi, trú thôn Hòa Trung, xã Mỹ Tân) cho biết, đây là thời điểm mà các chủ vườn hối hả chạy nước rút để kịp cho hoa phát triển thân, ra nụ, trổ bông đúng những ngày Xuân. Do hậu quả cơn bão số 3 cùng mưa lũ hoàn lưu sau bão khiến các vườn hoa xuống giống trước đó đều hư hỏng, giờ các chủ vườn đang chạy đua với thời gian, huy động nhiều nhân lực để xuống giống kịp vụ Tết.

Vựa hoa Thành Nam hối hả vào vụ Tết sau cơn lũ lịch sử- Ảnh 6.

Bà Trần Thị Quê (52 tuổi, thôn Yên Minh, xã Mỹ Tân) cho biết, gia đình bà có 7 sào trồng hoa huệ. Lũ lụt khiến gia đình bà trắng tay. Do không đủ tiền mua giống, gia đình đã nhượng lại 2 sào, số diện tích còn lại gia đình bà Quê xuống giống hoa dơn để kịp vụ Tết, gỡ gạc lại lứa hoa đã mất do mưa lũ. Theo bà Quê, do gia đình bà chủ động giống hoa dơn sớm từ tháng 2-3 âm lịch, giống củ to ủ trong kho lạnh gần 3 tháng, đến nay kịp đưa ra xuống giống để chuẩn bị cho vụ Tết.

Vựa hoa Thành Nam hối hả vào vụ Tết sau cơn lũ lịch sử- Ảnh 7.

Gần một tháng nay, bà Phan Thị Hà (58 tuổi thôn Hòa Trung, xã Mỹ Tân) cùng gia đình luôn có mặt trên vườn từ sáng sớm đến tối muộn để làm đất, xuống giống, tưới nước cho vườn cúc phát triển. Bà Hà cho biết: Thời tiết năm nay bất lợi, không chỉ bão lũ gây thiệt hại lớn mà từ giờ đến cuối năm các nhà vườn còn đối mặt với mưa rét kéo dài, sương muối. Vì vậy, khâu chăm sóc hoa vất vả, tốn kém hơn mọi năm.

Vựa hoa Thành Nam hối hả vào vụ Tết sau cơn lũ lịch sử- Ảnh 8.

"Giống hoa cúc hiện nay khan hiếm, giống phải đưa từ Đà Lạt ra nên rất đắt đỏ, để có được 1 vạn cây cúc giống chúng tôi phải mua với giá 4,5 triệu đồng. Còn khâu chi phí cho việc chăm sóc đến khi thu hoạch nữa, có thể năm nay giá hoa cúc sẽ đắt", bà Hà cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.