Không sợ là F0, chỉ lo đồng nghiệp gánh thêm việc
Là điều dưỡng Khoa Điều trị tự nguyện, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, anh Mai Xuân Huấn cùng các đồng nghiệp xung phong tình nguyện tăng cường vào miền Nam chống dịch hồi giữa tháng 7.
Anh Huấn được phân công chăm sóc bệnh nhân nặng tại Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Công việc chăm sóc bệnh nhân, áp lực cao đối với toàn bộ đội ngũ y bác sĩ, bởi lượng bệnh nhân tăng đều mỗi ngày.
BS. Hoàng Anh làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19
“Những lúc bệnh nhân đông, nguy cấp, việc một ngày anh em y bác sĩ ngủ 2 - 3 tiếng hay xuyên đêm cấp cứu bệnh nhân là thường xuyên. Có những bữa trưa anh em tranh thủ ăn vào lúc 16h hay bữa tối khi đồng hồ đã dịch chuyển về nửa đêm. Sau mỗi ca trực, dường như ai cũng như bị vắt kiệt sức, thế nhưng nghỉ ngơi xong lại tiếp tục lao vào công việc của ca sau”, anh Huấn cho hay.
Nhắc lại thời gian không may bị nhiễm Covid-19 trong quá trình điều trị cho bệnh nhân tại BV Hồi sức Covid-19, anh Huấn cho biết, chỉ sau khoảng 10 ngày vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch, anh được phát hiện dương tính với Covid-19.
“Những ngày nằm trong khu cách ly điều trị, mình không quá lo lắng vì mắc bệnh mà điều áy náy nhất lúc đó là không thể sát cánh cùng các đồng nghiệp, trong khi công việc chăm sóc các bệnh nhân nặng và nguy kịch lại chồng chất”, anh Huấn cho hay.
Khi biết kết quả dương tính với SARS-CoV-2, anh Huấn giấu nhẹm với gia đình vì không muốn mẹ già, vợ và con thơ lo lắng. Hơn 10 ngày điều trị với kiến thức về bệnh, cùng sự chăm sóc, động viên của đồng nghiệp, anh cũng mau chóng phục hồi.
“Lúc khỏi bệnh, tôi vẫn còn dương tính với SARS-CoV-2 nhưng tải lượng virus thấp, khả năng lây nhiễm không còn. Thấy anh em chăm sóc, điều trị bệnh nhân vất vả quá vì nhân lực ít mà bệnh nhân không ngừng tăng và cũng cảm thấy sức khỏe ổn định, tôi lại đăng ký đi làm trở lại”, anh Huấn chia sẻ.
Cùng chung đoàn với điều dưỡng Huấn, BS. Đinh Hoàng Anh cũng bị nhiễm Covid-19 trong quá trình tham gia điều trị cho các bệnh nhân tại Khoa 2B, BV Hồi sức Covid-19.
Tự biết cách theo dõi sức khỏe và đã được tiêm vaccine nên trong những ngày cách ly điều trị BS. Hoàng Anh “không cảm thấy lo lắng lắm mà chỉ thấy thương các đồng nghiệp vừa phải gồng gánh các công việc mình để lại, vừa lo tiếp tế lương thực, vật dụng cho mình trong những ngày cách ly”.
“Mọi người vào đây đều mong muốn cống hiến sức lực của mình để giúp đỡ các bệnh nhân. Thế nên, sau khi hồi phục, tôi đã tình nguyện xin quay lại với công việc, cùng đồng nghiệp nơi đây tiếp tục chiến đấu với SARS-CoV-2”, BS. Hoàng Anh chia sẻ.
Vẫn “chiến đấu” ngay khi đang là bệnh nhân Covid-19
Y bác sĩ BV Đại học Y dược TP.HCM điều trị, chăm sóc bệnh nhân nặng
Ths.BS. Nguyễn Văn Thành, BV Đại học Y dược TP.HCM cùng các đồng nghiệp vào hỗ trợ cho BV Dã chiến số 6 từ ngày 11/7. Là bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, BS. Thành được giao quản lý khối lâm sàng A2.
Công việc của anh hàng ngày là tổng hợp, thống kê và báo cáo liên quan đến khối lâm sàng A2: Số lượng F0 đang điều trị, số lượng F0 mới nhập, số giường trống, số F0 xuất viện - chuyển viện trong 24 giờ.
Ngoài ra, anh Thành còn phải nắm rõ tình hình hoạt động chung của khối lâm sàng A2 (nhân sự, vật tư) để kịp thời đề xuất giải pháp điều phối, giải quyết…
BS. Thành bất ngờ phát hiện dương tính qua lần xét nghiệm sàng lọc định kỳ.
Là bác sĩ nên anh tự chăm sóc sức khỏe cho mình hàng ngày, từ chỉ số SpO2, nhịp tim, mạch, huyết áp, các dấu hiệu ho, sốt, khó thở anh đều cập nhật cho các đồng nghiệp theo dõi.
Anh Thành cho biết rất may mắn nằm trong nhóm 80% bệnh nhân nhẹ. Sau hơn chục ngày điều trị, anh vui mừng nhận kết quả âm tính.
Tuy vẫn đang cách ly và ngay cả trong thời gian chữa bệnh, anh Thành vẫn tham gia các cuộc họp trực tuyến với đồng nghiệp nhằm tìm ra hướng giải quyết tốt nhất, để công tác điều trị đạt hiệu quả cao nhất và bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, giảm tối đa việc “mất” lực lượng.
“Ngay khi hoàn thành cách ly, tôi xin ở lại bệnh viện để cùng với các đồng nghiệp làm nốt những việc còn dang dở”, anh Thành cho biết.
Cũng là cán bộ BV Đại học Y dược TP.HCM, BS. Đào Nguyễn Phương Linh công tác tại Khoa Sơ sinh đã tham gia điều trị tại BV Dã chiến Covid-19 số 2 khi tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Mặc dù xác định rõ công việc của một bác sĩ làm việc nơi tâm dịch dù có cẩn thận tới đâu cũng có nguy cơ phơi nhiễm bệnh. Và điều không mong muốn nhất cũng tới, BS. Linh nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau 3 tuần công tác tại đây.
Được biết, trong lần chi viện đó, 11 nhân viên y tế bệnh viện không may trở thành F0, nhưng triệu chứng của BS. Linh nặng hơn cả với những cơn sốt hơn 39 độ, ho nhiều, tải lượng virus lớn khiến đồng nghiệp vô cùng lo lắng.
“Thật không dễ dàng gì khi trở thành bệnh nhân, nhất là khi đồng nghiệp vẫn đang nỗ lực chiến đấu ngoài kia”, BS. Linh nhắc lại thời điểm đó.
Cũng chính vì không muốn để đồng nghiệp lo lắng, BS. Linh tự mình theo dõi diễn biến bệnh và nỗ lực tự thân; đồng thời, vẫn gắng sức tiếp tục hỗ trợ đồng nghiệp từ xa, giúp bệnh nhân xuất viện và tư vấn khi F0 trở về cách ly tại nhà qua hình thức online…
Trong đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, đặc biệt trong đợt dịch từ ngày 27/4, đến nay đã có hàng ngàn y bác sĩ bị lây nhiễm chéo tại các khu điều trị và đã có nhân viên y tế tử vong do nhiễm Covid-19.
Gần đây nhất, nữ hộ sinh D.N.T.T. (32 tuổi, ở Bình Dương) tử vong trong quá trình điều trị người bệnh. Khi đó chị T. đang mang thai 20 tuần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận