FLC chưa nộp báo cáo tài chính 2021
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố Quyết định chuyển cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 12/5/2022.
Cổ phiếu FLC bị đưa vào diện kiểm soát
Lý do HOSE đưa ra do FLC chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Trước đó, cuối tháng 4 vừa qua, FLC cùng với hai mã cùng hệ sinh thái là ROS của Xây dựng FLC Faros và HAI của Nông dược H.A.I đã bị HOSE đưa vào diện cảnh báo cũng do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Giải trình về chậm trễ này, FLC cho biết hiện nay báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của công ty này vẫn chưa được phát hành.
Nguyên nhân là Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt, là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2021 của FLC, đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán từ ngày 30/3/2022.
FLC cũng cho biết đang gấp rút tìm kiếm đơn vị kiểm toán mới để kiểm toán báo cáo tài chính 2021.
Quý I, FLC lỗ 465 tỷ đồng
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 của FLC cho thấy, công ty khép lại quý này với số lỗ sau thuế 465 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 lãi gần 43 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý I/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.085 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2021 và là mức thấp nhất trong một quý của FLC kể từ năm 2016.
Quý I, FLC lỗ nặng
Bên cạnh đó, chi phí gia tăng và khoản lỗ lớn từ công ty liên doanh liên kết đã góp phần đẩy lỗ sau thuế của FLC lên cao.
Theo giải trình của FLC, nguyên nhân của kết quả trên là do công ty thu hẹp mảng kinh doanh thương mại, trong khi doanh thu bất động sản cũng giảm do dịch Covid-19 tăng mạnh trên cả nước làm hạn chế nhân công trực tiếp thi công tại các công trình để bàn giao, kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng cũng sụt giảm.
Do kinh doanh dưới giá vốn khiến FLC lỗ gộp hơn 14 tỷ đồng.
Quý này, FLC còn ghi nhận chi phí tài chính tăng mạnh 185% lên 162 tỷ đồng do tăng các khoản trích lập dự phòng của các khoản đầu tư.
FLC hiện đầu tư chứng khoán kinh doanh trị giá gần 265 tỷ đồng; Bao gồm 3,7 tỷ đồng tại cổ phiếu AMD, 261 tỷ đồng tại cổ phiếu HAI và còn lại không đáng kể ở KLF.
Do giá cổ phiếu HAI lao dốc, FLC phải trích lập dự phòng giảm giá số tiền 143 tỷ đồng.
Thêm vào đó, FLC còn chịu lỗ 265 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết. Hiện FLC đang nắm 47% vốn tại Công ty TNHH Thương mại và Nhân lực quốc tế FLC, 21,7% vốn tại Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Đến 31/3, nợ phải trả của FLC tăng 8,5% lên 26,1 nghìn tỷ đồng; Trong đó nợ ngắn hạn tăng 20% lên 17,7 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn cũng tăng mạnh lên 8,4 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản của FLC hiện lên gần 74%.
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu FLC liên tục giảm sàn rồi lại tăng trần. Phiên sáng 6/5, thị giá FLC giảm mạnh về còn 7.350 đồng với lượng dư bán lớn. Giá FLC đến nay chỉ tương đương gần 1/3 so với mức đỉnh lập vào hồi đầu năm nay là hơn 23.000 đồng/cổ phiếu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận