Trong 5 ngày, điểm bán trên đường Bưởi đã “giải cứu” được gần70 tấn nông sản cho bà con vùng dịch Hải Dương Ảnh: Tạ Hải
Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát, nông dân Hải Dương khốn đốn bởi nông sản tồn đọng, nguy cơ mất trắng… Nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể đã nỗ lực tình nguyện giải cứu, tiêu thụ giúp bà con hàng trăm tấn hàng. Bên cạnh những nỗ lực được ghi nhận, chuyện giải cứu “cười ra nước mắt” cũng xuất hiện từ đây.
Mang cả uy tín để giải cứu nông sản
Khi xem những hình ảnh người nông dân vùng dịch Covid-19 Hải Dương ngồi khóc bên ruộng su hào, cải bắp, phải nhổ bỏ làm phân vì không tiêu thụ được, cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường TH Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội bật lên ý tưởng: “Mình không thể ngồi yên, cần làm gì đó”. Ngay sau khi kết nối với đầu mối tại Hải Dương, nữ hiệu trưởng đã viết thư kêu gọi giáo viên và cha mẹ học sinh thu mua ổi giúp bà con vùng dịch.
“Tất cả đều đồng lòng, ủng hộ khiến tôi có thêm động lực. Chỉ trong vòng 24 giờ kêu gọi, số lượng đăng ký đã lên 22 tấn. Và nỗi lo kèm trách nhiệm tăng lên khi ngày chốt đơn 30 tấn”, cô Hoa nói và chia sẻ: “Kể từ khi kêu gọi tới nay, đêm nào cũng mất ngủ loay hoay với đơn hàng, lo đảm bảo công tác kiểm dịch khi vận chuyển, phân phối tại các điểm tập kết…”.
Thế nhưng thực tế hàng loạt chuyện vẫn phát sinh ngoài dự kiến. “Mệt mỏi nhất khi ngày kêu gọi giá ổi tại Hải Dương được chốt là 5 nghìn đồng/kg, nhưng sau đó giá lại nhích dần, có thời điểm lên 6 nghìn đồng/kg.
Trong khi đó, mình không thể nói lại lần 2 với phụ huynh, tránh chuyện bàn tán không hay, ảnh hưởng tới cả nhà trường. Vậy nên đã quyết định bỏ tiền túi để bù lỗ cho từng chuyến hàng”.
Ước tính với 30 tấn ổi đã được chốt đơn, khi về tới các địa điểm tập kết sẽ phải bù lỗ tới hơn 20 triệu đồng. “Rất may khi biết chuyện, một số cá nhân và hội thiện nguyện của huyện cũng đứng ra trợ giúp một phần”, cô hiệu trưởng chia sẻ.
Còn tại tâm dịch, cô giáo Vũ Thị Thu Trang, Trường Tiểu học Gia Tân (huyện Gia Lộc, Hải Dương), trong suốt tuần qua cũng “bỏ” con nhỏ ở nhà để tham gia giải cứu nông sản cho quê hương. “Chuyện bắt đầu khi tôi gặp cảnh bà cụ có con cái đã bị cách ly hết trên Cẩm Giàng.
Khi đó bà ngồi bệt tại ruộng ngô tới kỳ thu hoạch và khóc, không biết làm như thế nào. Vậy là tôi ngỏ ý giúp bà bán. Sau khi đăng lên Facebook, lại có nhiều người nhờ đến, tôi dần kết nối ra các điểm cầu tại Hà Nội hỗ trợ. Cứ như thế tới nay nhóm của tôi đã bán hết hơn 160 tấn rau củ quả các loại”, cô Trang chia sẻ.
Nông sản tồn quá nhiều, đoàn thanh niên huyện Gia Lộc cũng được huy động vào cuộc để thu gom, vận chuyển ra đường cao tốc để chở lên Hà Nội.
“Nông sản đã thu hoạch rồi không thể để lâu. Có những hôm bốc hàng tới 2-3 giờ sáng để kịp chuyến xe sớm lên Hà Nội cho được tươi. Không ai lấy một đồng tiền công, số tiền bán được sau khi đã trừ chi phí xe, đều trả lại tận tay cho bà con”, Trang nói.
Vật vã, mệt nhoài với giải cứu nông sản, nhưng thay vì những lời cảm kích, dần dần đã xuất hiện những tin đồn oái oăm. “Có người bảo chúng tôi “đi gom bán lấy lãi chứ tình nguyện gì”; Lại có thông tin bảo chúng tôi được cho không còn bán lấy tiền…”. Thực tình có nơi bà con cho không nhưng “của cho” ấy là những củ su hào to bằng đầu người, quá già không thể sử dụng nổi…”, cô Trang chia sẻ.
Bị chụp mũ “con buôn gắn mác giải cứu”
Những ngày qua, điểm bán nông sản sạch "giải cứu" bà con vùng dịch Hải Dương trên đường Giải Phóng (Hà Nội) được nhiều người dân Thủ đô đến mua ủng hộ (Chụp chiều 25/2). Ảnh: Tạ Hải
Sau đêm thức trắng, mệt mỏi bởi những bình luận “ác ý”, chị N.T.T, thành viên nhóm giải cứu nông sản tại khu chung cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Quê em ở Thanh Miện, Hải Dương, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, chưa thời kỳ nào người nông dân lại khó khăn đến thế. Vậy nên bất cứ hành động nào giúp đỡ được người dân quê mình cũng lấy làm vui. Thế nhưng nhiều khi vẫn lực bất tòng tâm”.
Bản thân đang mang bầu 3 tháng, chị T. vẫn hăng hái lao lên các xe hàng bốc dỡ, kiểm đếm, phân phối cho khách. “Khó khăn nhất là lực lượng quá mỏng so với nhu cầu bởi việc từ tâm, ai có điều kiện thì đứng ra giúp đỡ.
Có những chuyến tới 1-2 giờ sáng xe mới về trong khi chỉ 4-5 người vận chuyển hàng tấn rau củ xuống. Sau đó mệt quá, nên dù đã cố bảo quản nhưng sáng ra vẫn bị hao hụt. Tuy nhiên, chúng em vẫn giao đủ tiền về tận tay người dân được giải cứu không thiếu một đồng…”.
Sau 6 ngày vào cuộc, nhóm của chị T. đã kết nối tiêu thụ hơn 17 tấn rau củ quả trong khu chung cư. Thế nhưng chuyện rắc rối bắt đầu nổ ra khi chuyến hàng chở hơn 4 tấn ổi cập điểm bán ngày 24/2 bị “vỡ trận”.
“Không nghĩ lượng hàng tiêu thụ trực tiếp lại lớn đến thế, nên khi đăng bài lên Facebook, em đã đưa thêm dịch vụ ship hàng lên tận phòng cho khách. Thế nhưng khi xe ổi về tới sảnh chung cư, dân tới quá đông, xảy ra hiện tượng chen lấn xô đẩy. Ban quản lý tòa nhà lại không cho tụ tập quá lâu, nên chúng em chỉ còn cách bán trực tiếp, không kịp kiểm đếm số lượng. Sau đó phải đóng cửa xe để chuyển sang đầu cầu khác đang đợi. Từ đó mọi người nảy sinh suy nghĩ “còn hàng mà lại bảo hết, tính đem đổ đi buôn cho mối khác”, chị T. chia sẻ,
Mặc dù đã đăng bài với nội dung giải thích và xin lỗi không phục vụ được hết các đơn đặt hàng, nhưng chị T.vẫn nhận lại hàng loạt bình luận kiểu “buôn hàng gắn mác giải cứu” hay “làm từ thiện thì cũng phải có thóc gạo”...
“Có trời xanh chứng giám, với danh dự của mình, em xin khẳng định không hề nhận một nghìn nào từ cá nhân, tổ chức hay chính quyền địa phương cho công việc này. Hàng được bán theo giá niêm yết của chính quyền địa phương, không đổ buôn cho bất cứ địa điểm nào.
Tất cả nhóm đều đồng lòng bỏ công sức để cứu trợ nông sản đang bị tồn đọng tại quê nhà chứ không vì lợi ích của bất cứ cá nhân nào. Mọi chi phí, ăn uống chúng em đều tự túc, không ai nửa lời kêu than”, chị T. khẳng khái chia sẻ.
Hệ thống siêu thị vào cuộc
Theo kế hoạch, Central Group đã thu mua rau, củ, quả của Hải Dương khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần; MM Mega Market Việt Nam đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày (gồm su hào, cải bắp, ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng để đưa về miền Trung và miền Nam: Vinmart cũng đang bán không lợi nhuận một số loại như cà chua, su hào, cà rốt, bắp cải, ổi… với sản lượng tiêu thụ khoảng 70 tấn/tuần để hỗ trợ nông dân Hải Dương.
Nông dân Hải Dương có nguy cơ mất trắng 2.000 tỷ đồng
Theo thống kê sơ bộ trong 1 tuần qua, các tổ chức đoàn thể tại Hải Dương đã tham gia thu gom và kết nối tiêu thụ hơn 3 nghìn tấn nông sản tới các tỉnh, thành lân cận, trong đó nhiều nhất tại Hà Nội.
Tuy nhiên, trên toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 4.000ha rau vụ đông đang đến thời điểm thu hoạch với sản lượng ước khoảng hơn 90.000 tấn. Trong đó có trên 55.000 tấn hành củ, khoảng gần 50.000 tấn cà rốt, 8.000 tấn rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại…
Sở Công thương Hải Dương cho biết, tỉnh đang rộ thu hoạch cây vụ đông, ước tính tổng giá trị hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chưa có hướng dẫn thống nhất trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn đang khiến tỉnh có nguy cơ mất trắng 2.000 tỷ đồng.
Đảm bảo an toàntừ khâu thu hoạch đến vận chuyển
Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương cho biết: “Chúng tôi căn cứ về quy định phòng dịch của Bộ Y tế để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch từ khâu sản xuất tới thu hoạch, vận chuyển rất chặt chẽ”.
Theo đó, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Hải Dương, Sở Công thương đã quán triệt tới các địa phương về quy trình thu hoạch, vận chuyển nông sản. Tại những địa phương có dịch thì đã thực hiện cách ly, nông sản tại đó được thu hoạch bởi những người từ địa phương khác.
Tại những địa phương không có dịch, toàn bộ những người thuộc diện F1, F2, F3 không được phép ra đồng thực hiện thu hoạch nông sản. Người nông dân khi ra đồng thu hoạch phải đảm bảo tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.
Ông Phạm Thanh Hải cho hay, tất cả lái xe chở hàng từ Hải Dương đi ra khỏi tỉnh đều phải có giấy xét nghiệm chứng minh âm tính với SARS-CoV-2. Giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị trong 3 ngày và được kiểm tra chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch tại tỉnh Hải Dương cũng như các địa phương xe đến.
Ngoài ra, toàn bộ xe chở hàng hóa, nông sản ra khỏi Hải Dương đều được phun khử khuẩn nên đảm bảo yếu tố an toàn phòng dịch.
“Một đoạn đường chỉ khoảng 10km từ điểm thu mua nông sản ra tới quốc lộ, xe chở nông sản phải qua 10 chốt kiểm dịch, đều phải phun khử khuẩn. Những nông sản của Hải Dương chở đi tiêu thụ tại tỉnh ngoài đều đảm bảo an toàn phòng dịch”, ông Hải khẳng định.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương cũng thông tin, toàn bộ nông sản của Hải Dương đều được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, thu hoạch, vận chuyển.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND TP Chí Linh cho biết thêm, Chí Linh hiện còn khoảng 700.000 con gà đồi tới thời kỳ xuất bán. Việc bán gà còn sống rất khó nên đã tập trung vào giết mổ để chuyển đi Hà Nội, nhưng những ngày qua mới làm thăm dò, chỉ được mỗi ngày một chuyến vài trăm con.
V.Hòa
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận