Doanh nghiệp gồng gánh trước áp lực "bão giá"
Ngày 6/9, PV Báo Giao thông theo chân cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thành phố Hà Tĩnh (Ban QLDA) kiểm tra tiến độ tại Dự án đường vành đai thành phố Hà Tĩnh.
Thời điểm có mặt, trên công địa, mặc những cơn mưa mưa nắng thất thường, công nhân vẫn hối hả thi công hoàn thiện các hạng mục cuối cùng trong các gói đã ký hợp đồng với chủ đầu tư.
Đưa phóng viên đi dọc đoàn xe lu, máy xúc đang cật lực lu lèn, cào bóc trên tuyến, ông Lê Tiến Hiệp (cán bộ Ban QLDA) thông tin, dự án đường vành đai có trị giá 950 tỉ đồng và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021 đến 2025 có trị giá 650 tỉ đồng do liên danh các nhà thầu: Công ty Cổ phần sản xuất công nghiệp Xây lắp 3, Công ty Cổ phần xây dựng Thăng Long, Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Biển Đông, Công ty TNHH Như Nam, Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại dịch vụ 555 và 3 nhà thầu phụ.
Nhìn những thớ đất đỏ quạch được các thợ lái lu tỉ mỉ lu đi lu lại trên tuyến, ông Hiệp nhớ lại, khi mới bắt tay vào thi công, nguồn đất đắp, cát cho dự án khan hiếm vô cùng. Có những thời điểm nguồn VLXD cho dự án không có, nếu có thì giá đội lên từ 1,5 đến 2 lần. Có nhiều nhà thầu có tư tưởng chán nản không muốn làm. Lúc đó, chúng tôi phải nhiều lần tổ chức các cuộc họp với các bên liên quan để tìm cách tháo gỡ.
Đang chỉ đạo dàn máy xúc cào bóc lớp đất phong hóa, ông Phạm Đình Hoàng (Công ty Thăng Long), thông tin, thời điểm này nguồn cấp VLXD không đảm bảo, tôi ngồi ở nhà không yên tâm nên phải ra công trường đốc thúc anh em làm việc. Do nguồn VLXD hạn chế nên khi nào có xe chở vật liệu đến là phải yêu cầu máy xúc san ra để máy lu thi công ngay.
"Thời điểm bắt tay vào thi công dự án, giá vật liệu đất, đất, cát bỗng nhiên tăng giá bán. Thậm chí, có những thời điểm, máy móc được huy động trên công trường nhưng không có vật liệu để thi công.
Hiện nay việc mua được đất san lấp rất khó khăn vì ở các mỏ rất khan hiếm, đơn vị phải loay hoay đi tìm. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung của DA đường vành đai.
Một khối đất mua tại mỏ với giá dao động từ 60 đến 65 nghìn đồng; cát dao động từ 100 đến 120 nghìn đồng khối. Tính cả cước vận tải chở về đến chân công trình mỗi khối đất, cát đều đắt gấp đôi, gấp ba. Theo giá dự toán được công bố thì thời điểm này chúng tôi làm đều phải bù lỗ để làm…" ông Hoàng chia sẻ.
Tương tự, gói thi công dự án đường vành đai tại Km 7+700 đến Km 8+ 700 do công ty Biển Đông (Nghệ An) thi công cũng gặp khó trong việc khan hiếm nguồn vật liệu để đắp nền đường.
Ông Nguyễn Tiến Sửu, Phó Giám đốc công ty Biển Đông thông tin, thời điểm này gói chúng tôi đã đắp gần xong đỉnh đất K98, dự kiến chỉ vài ngày tới nếu thời tiết thuận lợi sẽ làm xong phần đất.
Theo tính toán của chúng tôi thì giá đất đắp bình quân đơn vị phải bù lỗ 1 khối 50 nghìn đồng so với giá dự toán đã ký với chủ đầu tư trước đó. Thời điểm này, biết là làm sẽ phát sinh nhiều chi phí. Tuy nhiên, vì uy tín của công ty cũng như hợp đồng giữa các bên đã được ký kết nên đơn vị vẫn phải dốc toàn lực theo tiến độ mà chủ đầu tư yêu cầu.
Nhớ lại thời điểm bắt đầu thi công dự án, ông Sửu kể lại: "khi máy móc, nhân lực được nhà thầu huy động về công trường thì nguồn đất, cát đưa tới chân công trình rất "nhỏ giọt", việc này dẫn tới lãng phí nhân công, tiền thuê máy móc; có những thời điểm cát trên địa bàn tỉnh không có bắt buộc DN phải mua ở các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Nghệ An. Trước những vấn đề phát sinh đó, Chủ đầu tư, ban đã cùng với chúng tôi ngồi lại làm việc với các cơ quan quản lý để gỡ khó.
"Đến thời điểm này, tuy là nguồn VLXD vẫn chưa được giải quyết, tuy nhiên DN đã được giải ngân được 13 tỉ trong tổng số 26,5 tỉ. Dự kiến đến tháng 10 năm nay sẽ thi công đúng theo tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư" - ông Sửu nói.
Lý giải về khan hiếm nguồn VLXD, ông Hiệp thông tin, trên toàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án lớn nên nguồn cầu vượt nguồn cung. Thậm chí, có những thời điểm, các đơn vị họ cho dừng toàn bộ vì giá vật liệu đầu vào quá cao so với dự toán trước đó.
"Đầu năm 2023 giá vật liệu tăng cao nằm ngoài dự tính nên bắt buộc Chủ đầu tư cũng như Ban quản lý phải nỗ lực xắn tay cùng các nhà thầu vận dụng linh hoạt các biện pháp để đảm bảo khối lượng theo kế hoạch đã đề ra. Hiện các gói thi công đến nay đã hoàn thành đắp đất đỉnh K98, tại một số đoạn đã rải lớp base theo đúng tiến độ giải ngân nguồn vốn năm 2023", ông Hiệp nói.
Ông Nguyễn Danh Phong - Phó Ban Quản lý dự án cho biết, việc các doanh nghiệp kêu khó khăn là có thật, tuy nhiên, về mặt quản lý Nhà nước, chúng tôi vẫn phải đốc thúc tiến độ công trình. Mặc dù rất chia sẻ với khó khăn thực tế này của các nhà thầu, nhưng khi thanh toán, chúng tôi vẫn phải căn cứ vào thông báo giá hàng quý của Sở Xây dựng.
Lập đoàn liên ngành để kiểm soát giá vật liệu
Trước sự việc giá nguồn VLXD như đất, cát có sự chênh lệch lớn với giá niêm yết, lãnh đạo Phòng quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh) thông tin, về nguyên tắc, theo chức năng nhiệm vụ Sở Xây dựng phải công bố giá các nguồn vật tư, vật liệu để các chủ đầu tư lấy đó làm cơ sở tham khảo để lập dự toán và quản lý chi phí.
"Đúng ra, theo quy định, việc xác định giá vật liệu đầu vào cho dự toán công trình là trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn.
Mức giá Sở Xây dựng đưa ra chỉ là nguồn tham chiếu. Sở chỉ quản lý nhà nước chứ không đi sâu vào thẩm quyền của chủ đầu tư.
Ngoài ra, VLXD không phải là mặt hàng bình ổn giá, nhà nước không quản lý về giá sàn mà giá này tự DN xây dựng lên bài toán giá thành tự công bố, tự xuất hóa đơn. Họ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm sai", lãnh đạo Phòng quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh) cho hay.
Lý giải về nguồn VLXD tăng cao trong thời gian qua, theo lãnh đạo Sở Xây dựng nguyên nhân là do bài toán cung cầu. Hiện tại trữ lượng và công suất của các mỏ VLXD trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được 20 đến 30% so với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, trong năm vừa rồi có dự án cao tốc đi qua địa bàn, họ lấy rất nhiều.
Thừa nhận thực trạng giá VLXD về đến chân công trình chưa phù hợp với thực tế, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, việc này các cơ quan quản lý nhà nước đều nắm rõ.
Về nguyên nhân khiến giá chênh lệch, vị này cho hay: "Các doanh nghiệp mỏ xuất hóa đơn nhưng giá bán ra thực tế có sự chênh lệch; cơ quan quản lý siết chặt xe chở quá tải trọng; định mức và đơn giá của Bộ Xây dựng ban hành trong 2 năm vừa qua giảm nhiều so với định mức trước".
Để chấn chỉnh tình trạng loạn giá, đẩy giá nguồn VLXD, vừa rồi tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các mỏ khoáng sản trên địa bàn.
Đoàn liên ngành có nhiệm vụ kiểm soát việc bán hóa đơn chênh lệch so với giá thực tế, xác định trữ lượng còn lại; bán có đúng với công suất, trữ lượng khai thác không. Hi vọng với sự vào cuộc của đoàn liên ngành thì các DN sẽ niêm yết trung thực, công khai giá các loại VLXD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận