Thu nhập hơn một triệu đồng mỗi ngày
Mới đây, chia sẻ của bạn Phạm Đình Nam (24 tuổi – đối tác tài xế Gojek) về cơ duyên đến với nghề tài xế công nghệ đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Nam cho biết, sinh ra tại vùng đất Bình Định nghèo khó, mồ côi cha, còn mẹ già cần chăm sóc, Nam từng ấp ủ mộng khởi nghiệp để đổi đời. Nhưng không may, kế hoạch kinh doanh đầu tay không như dự định, chàng trai trẻ tay trắng lại gánh trên vai khoản nợ mấy trăm triệu đồng.
Để kiếm tiền trả nợ và mưu sinh, ngay sau cái Tết với gia đình, mùng 6 Tết Kỷ hợi năm 2019, Nam khăn gói vào TP.HCM tìm kiếm cơ hội đổi đời. Sau vài tháng ngược xuôi tìm việc làm, lăn lộn qua đủ nghề: từ công nhân cho đến bảo vệ, phụ xe, phục vụ bàn… Nam vẫn chưa ổn định được vì công việc mang tính thời vụ, thu nhập lại ít, không đủ trang trải sinh hoạt nói gì đến chuyện phụ giúp mẹ ở quê và trang trải nợ nần. Nam vẫn nhớ như in cái cảm giác hụt hẫng sau lần đi xin việc ở một công ty vận chuyển hàng hóa. Nghe người quen rỉ tai làm nghề này thu nhập được 8-9 triệu/ tháng, anh mang hồ sơ đi xin việc với rất nhiều hy vọng.
Sau 15 phút phỏng vấn, nhà tuyển dụng từ chối hồ sơ với lý do người ở tỉnh mới lên không quen thuộc đường sá, trong khi công việc cần đi giao hàng ở nhiều quận khác nhau. Dù Nam đã khẳng định bản thân sẽ cố gắng hết sức để thích nghi công việc nhưng nhà tuyển dụng vẫn lắc đầu.
Bao nhiêu buồn rầu, mệt mỏi và áp lực tưởng chừng sắp dập tắt hết hy vọng, Nam bảo, anh phải “cắn chặt răng để nước mắt không rơi xuống”. Nhưng giữa lúc tuyệt vọng nhất ấy, anh tài xế GoViet chở Nam đi xin việc thấy thương cho hoàn cảnh đã động viên Nam thử sức với nghề tài xế công nghệ. Nam còn nhớ như in những lời động viên của anh tài tốt bụng: “Nếu em mà chịu khó chạy xe, một ngày có thể kiếm không dưới 500 nghìn đồng đâu”.
Vững tin trước sự cổ vũ của anh tài tốt bụng, Nam chính thức “đầu quân” cho hãng xe công nghệ GoViet (tiền thân của Gojek Việt Nam) vào tháng 5/2019. Thời gian đầu, Nam còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn do chưa quen đường, thao tác lúng túng. Nhưng quyết tâm không bỏ cuộc, Nam đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và củng cố thu nhập. Chàng trai trẻ đặt mục tiêu ngày nào chưa kiếm đủ 1 triệu đồng thì chưa nghỉ. Một tháng thì Nam đi làm hầu như đủ 30 ngày, không nghỉ ngày nào, không đi đâu chơi. Đền đáp cho sự nỗ lực đó là thu nhập hơn 30 triệu đồng hàng tháng, đủ để Nam sinh hoạt, gửi về phụ giúp mẹ và trang trải nợ nần.
Nam tâm sự rằng thật may mắn vì có cơ duyên được gắn bó cùng nghề tài xế công nghệ. Có lẽ không có nghề nào không cần người lao động phải có bằng cấp, có trình độ mà lại mang đến thu nhập cao như nghề này. Làm tài xế công nghệ, Nam còn được đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá. Công việc này còn mang lại sự an tâm, mong muốn gắn bó lâu dài cho đối tác tài xế vì nắm bắt được nhu cầu của xã hội và rất công bằng, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.
Cân bằng cuộc sống
Khác với Nam chọn nghề tài xế công nghệ vì cần công việc ổn định, anh Nguyễn Hoàng Công (35 tuổi - đối tác tài xế Gojek) đã có công việc thu nhập khá trước khi đến với nghề. Từng làm quản lý công trình xây dựng, thu nhập hơn 20 triệu đồng/ tháng nhưng anh Công phải thường xuyên xa nhà hàng tháng trời, rong ruổi theo những công trình. Đến khi con trai thứ hai ra đời, anh quyết định phải tìm một công việc khác, vừa có thể đảm bảo chi tiêu cho gia đình 4 người, vừa có nhiều thời gian dành cho 2 con hơn. Và đó là cơ duyên đưa anh đến với nghề tài xế công nghệ.
Với sự nhạy bén, kỹ năng tự quản lý tốt, anh Công nhanh chóng đạt mức thu nhập xấp xỉ 1 triệu đồng/ ngày. Tuy công việc mang lại thu nhập tốt, nhưng anh Công không “tham làm” mà chú ý phân bổ thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý nhằm đảm bảo hiệu quả làm việc tốt nhất, bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh công việc tài xế công nghệ, anh còn tham gia Nhóm Hỗ trợ tài xế công nghệ Hòa Bình – Gia Định, hỗ trợ tài xế các ứng dụng công nghệ khác nhau xử lý khi có sự cố xảy ra trên đường hoặc hướng dẫn kỹ năng sử dụng ứng dụng để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Dù có nhiều người thân quen góp ý nên tìm một công việc khác “sang chảnh” hơn nghề tài xế công nghệ, nhưng anh Công vẫn không bỏ nghề. Vì anh nhận thấy khó có công việc nào đáp ứng được thu nhập tốt, chủ động thời gian, cân bằng được công việc lẫn gia đình như nghề này. Đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội, anh Công lại càng cảm thấy may mắn, khi bao công việc khác bị “đóng băng”, nghề tài xế công nghệ vẫn có thu nhập túc tắc, giúp gia đình vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Anh Công tâm sự: “Nghề tài xế công nghệ cũng là một nghề đáng được tôn trọng như bất kỳ nghề nào khác trong xã hội. Những ai cảm thấy phù hợp với đặc thù công việc của nghề, sử dụng công nghệ tốt, thích nghi nhanh chóng và chăm chỉ thì chắc chắn sẽ không thất vọng với thu nhập mà công việc này mang lại.”
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận