Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ra đời đã tạo hành lang pháp lý mới đối với thị trường xe công nghệ. Các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab, Be được tự lựa chọn trở thành doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay chỉ đơn thuần là đơn vị cung ứng phần mềm gọi xe. Trong khi Be đã đăng ký kinh doanh vận tải thì Grab mặc dù cùng bản chất hoạt động nhưng vẫn không chấp hành. Điều dư luận quan tâm là nếu Grab vẫn cố tình như vậy thì sẽ bị xử lý thế nào?
Tài xế phải làm việc liên tục
Ngày 8/10, trên chuyến xe GrabCar BKS 90A - 084.xx, tài xế Nguyễn Đức Nam cho biết, quy định thời gian lái xe không được lái quá 4 giờ liên tục và 10 giờ/ngày (theo Nghị định 10) đang bị Grab vi phạm nghiêm trọng. Để chạy đủ định mức doanh thu, tài xế phải chạy từ 16 - 18 tiếng đồng hồ/ngày.
“Sáng bật ứng dụng từ 6h và chạy đến 23h, chỉ được vài tiếng ăn trưa, ăn tối, còn lại chạy suốt trên đường. Có nhiều tiêu chí để Grab đánh giá tài xế như: Bật ứng dụng liên tục, phục vụ khách hàng tốt sẽ được Grab điều cho nhiều cuốc. Tuy nhiên, ngoài thu chiết khấu Grab không hỗ trợ gì, nếu tài xế vi phạm sẽ bị “đuổi việc” bằng cách khóa tài khoản ngay”, anh Nam cho biết.
Tương tự, tài xế GrabCar Lữ Trọng Thi, điều khiển xe BKS 30E - 647.xx cho biết: “Đa số tài xế đều vay tiền ngân hàng để đầu tư xe, hiện giờ doanh thu sụt giảm nhưng Grab thu chiết khấu trên 28%. Nhiều lái xe không có tiền trả ngân hàng, đang đi làm bị ngân hàng cưỡng chế kéo cả xe và người về. Grab đang vắt kiệt sức của tài xế, chúng tôi đang là “công cụ” kiếm tiền cho Grab. Tuy anh em cũng đã phản ánh nhưng không được giải quyết”.
“Tuy tài xế có thể linh hoạt giờ giấc làm việc nhưng trên thực tế Grab sử dụng các thuật toán để buộc tài xế phải tuân thủ những quy định về đón, trả khách để được nhận đủ thu nhập, hoặc thay đổi mức giá để ép tài xế làm việc trong những khung giờ cụ thể. Trên thực tế các tài xế buộc phải làm việc liên tục hàng ngày và bị giám sát nghiêm ngặt, không hề được hưởng chế độ làm việc linh hoạt”, anh Thi cho biết thêm.
Trong khi đó, gắn bó với Be gần hai năm qua, một lái xe tên Hùng cho biết, hiện Be đang hỗ trợ lái xe rất nhiều chính sách, trong đó điển hình là bảo hiểm sức khỏe cho lái xe (lái xe đi khám chỉ mất 20% chi phí, công ty sẽ hỗ trợ 80%). Để được bảo hiểm đó, tài xế phải được phân hạng Pro hay Pro+ dựa trên doanh thu theo quý. Chính vì là doanh nghiệp kinh doanh vận tải nên Be đang phải đóng thuế cao hơn Grab.
Đang thanh tra, sẽ xử nghiêm nếu phát hiện vi phạm
Theo các chuyên gia vận tải, Nghị định 10 phân định rõ giữa khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. Chiếu theo quy định mới, các hãng xe công nghệ sẽ phải chọn một trong hai mô hình là chỉ đơn thuần trở thành đơn vị cung ứng phần mềm (không được điều hành tài xế, quyết định giá cước vận tải), hai là trở thành một đơn vị kinh doanh vận tải (buộc tuân thủ các quy định về kinh doanh vận tải tại Việt Nam).
Nghị định 10 đã ban hành và có hiệu lực mấy tháng nay dường như không có tác dụng với Grab. Tất cả đã rõ là Grab đang kinh doanh vận tải. Vấn đề này chỉ chờ chứng minh của cơ quan quản lý nhà nước. Một ứng dụng gọi xe chiếm thị phần nhỏ nhoi là Be đã tiên phong đăng ký kinh doanh vận tải nhưng Grab đang chiếm trên 70% thị phần lại đang chối bỏ một sự thật là họ đang kinh doanh vận tải.
Quy định đã rõ, bất kỳ tổ chức cá nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài phải chấp hành pháp luật. Các cơ quan quản lý về GTVT, Tài chính, Công thương cần vào cuộc một lần để chứng minh rõ họ đang điều hành lái xe, quyết định giá cước. Việc này không khó, chỉ có điều có muốn làm và quyết tâm làm hay không.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Khi đã là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các đơn vị cung cấp phần mềm phải chấp hành các điều kiện về kinh doanh vận tải. Mối quan hệ giữa lái xe và đơn vị cung cấp phần mềm là mối quan hệ hợp đồng lao động chứ không phải là đối tác như hiện nay.
Lái xe sẽ trở thành người lao động của doanh nghiệp, được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho lái xe theo đúng Luật Lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế trên tổng doanh thu vận tải, không phải theo tỷ lệ % họ được hưởng như hiện nay
Ông Nguyễn Tiến Long, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Thăng Long - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Thăng Long cho biết, với những quy định rõ ràng trong Nghị định 10/2020, Grab được xác định tham gia vào một trong những khâu của kinh doanh vận tải như trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải nhằm mục đích sinh lợi… thì phải chịu những điều kiện của loại hình kinh doanh vận tải.
“Trên thực tế, lâu nay Grab không nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải mà chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm gọi xe. Nhưng với quy định mới trong Nghị định 10, nếu Grab vẫn hoạt động như phương thức cũ, đặc biệt là vẫn can thiệp vào việc quyết định giá cước thì đương nhiên được xác định là đơn vị kinh doanh vận tải”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy định của Nghị định 10, nếu ứng dụng gọi xe nào đó điều hành lái xe, quyết định giá cước thì là đơn vị kinh doanh vận tải. Nếu ứng dụng gọi xe nào đang tham gia điều hành lái xe, phương tiện hoặc quyết định giá cước mà không đăng ký và được Sở GTVT cấp phép kinh doanh vận tải thì đang hoạt động trái phép.
Theo ông Tuyển, hiện nay chỉ có duy nhất nền tảng kết nối Be đã đăng ký kinh doanh vận tải với Sở GTVT Hà Nội. “Không chỉ nói mồm là các ứng dụng gọi xe đang kinh doanh vận tải mà phải chứng minh bằng thực tiễn. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đang lên kế hoạch thanh, kiểm tra các đơn vị vận tải hợp đồng để chứng minh việc này. Khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Tuyển khẳng định.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng cho biết: “Nếu đơn vị cung cấp phần mềm gọi xe quyết định giá cước, điều hành lái xe thì là đơn vị kinh doanh vận tải và phải được cấp phép kinh doanh vận tải. Hiện, Bộ GTVT đang có các đoàn thanh, kiểm tra về điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe hợp đồng”, ông Ngọc thông tin.
Không được phép thu phí nền tảng của khách
Liên quan đến câu chuyện các hãng gọi xe công nghệ thu phí nền tảng của khách hàng (Grab thu 2.000 đồng/chuyến đi, Be thu 6% trên tổng số tiền trên chuyến đi), ở góc độ người làm công nghệ, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ An Vui cho biết, nền tảng ở đây là nền tảng công nghệ giúp cho các hoạt động giao dịch điện tử được thông suốt. Nền tảng công nghệ bao gồm quy trình đấu nối hệ thống lưu trữ, hệ thống server, hệ thống bảo mật. Bản chất hoạt động của các ứng dụng gọi xe như Grab, Be là đang kinh doanh vận tải.
Theo ông Mạnh, nền tảng ứng dụng chỉ là công cụ phục vụ kinh doanh cho đơn vị kinh doanh vận tải nên việc họ thu phí nền tảng của hành khách là trái luật. “Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, dịch vụ bằng cách nào hành khách không quan tâm. Về mặt pháp lý, việc thu thêm phí nền tảng của hành khách là đánh tráo khái niệm. Luật Bảo vệ người tiêu dùng không cho phép doanh nghiệp làm chuyện này”, ông Mạnh nói.
Trong khi đó, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cũng cho rằng, theo quy định của Nghị định 10 nếu đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe quyết định giá cước hoặc điều hành lái xe thì đang kinh doanh vận tải. Các chi phí ứng dụng, hay nền tảng cũng tương tự như chi phí đàm của taxi, được hạch toán trong chi phí vận tải.
Ông Nguyễn Tiến Mùi, Chủ tịch Liên minh Taxi Việt cũng so sánh, taxi thanh toán tiền qua đồng hồ, còn Grab thanh toán qua App, bản chất là như nhau nên Grab đang kinh doanh vận tải là không thể chối cãi. Việc Grab cho rằng, không quyết định giá cước là bao biện, giá cao hay thấp điểm Grab tự nâng giá và được thể hiện trên ứng dụng của họ.
Đề cập đến việc các ứng dụng thu phí nền tảng của khách hàng, ông Mùi tính toán, số tiền 2.000 đồng sẽ không đáng bao nhiêu nên thường khách hàng không để ý, nhưng với 300 - 400 nghìn cuốc xe/ngày, trong 1 một tháng Grab sẽ thu khoảng 200 tỷ đồng. Nếu tính cả năm sẽ lên tới cả nghìn tỷ đồng khách hàng đang bị Grab “móc túi”.
Hoạt động chui, Grab chặn cả số điện thoại của Giám đốc Sở GTVT
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi Nghị định 10 chính thức có hiệu lực, Grab chưa liên hệ với Sở GTVT Khánh Hòa để đăng ký kinh doanh vận tải.
Theo ông Dần, trên địa bàn Khánh Hòa, Grab đang hoạt động “chui”, không đăng ký kinh doanh vận tải, xe Grab không cần phù hiệu vận tải vẫn chạy. Hiện nay, Grab đang đẩy hết rủi ro cho lái xe, khi bị kiểm tra xử lý không đăng ký kinh doanh thì chỉ lái xe chịu.
“Tuy Sở đang chỉ đạo kiểm tra, phát hiện, xử lý nhưng làm việc này không hề dễ dàng. Vì xe của Grab hoạt động không công khai nên việc kiểm tra, xử lý của Sở cũng chỉ mang tính “đánh du kích”. Khi kiểm tra, khách trên xe không hợp tác cũng khó xử lý, tài xế dặn trước hành khách là không được nói là mình là bạn bè đang đi chơi. Thi thoảng Thanh tra Sở “rình” bắt được mấy xe vào đón khách ở sân bay”, ông Dần cho biết.
“Số điện thoại của tôi đã bị Grab chặn, không cho kết nối với ứng dụng mấy năm nay. Grab biết số của ai hay phản ứng về những sai phạm của họ, họ thường chặn số”, ông Dần cho biết.
PV
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận