Giữa trùng khơi sóng gió, tàu hỏng, trôi dạt trên biển hoặc bị ốm đau, tai nạn là nỗi kinh hoàng của mỗi ngư dân.
Những lúc cận kề giữa sự sống và cái chết, hình ảnh chiếc tàu hải quân rẽ sóng tiến đến thắp lên hy vọng sống của ngư dân.
Cán bộ, nhân viên Tàu KN 475 cứu tàu cá BĐ 97054 TS, tháng 1/2021
Đi xuyên tâm bão cứu dân
9h30 ngày 3/11/2021, Tàu 276, Vùng 2 Hải quân đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực vùng biển giáp ranh Việt Nam - Indonesia thì nhận được tín hiệu đề nghị cấp cứu từ tàu cá BV 93161 TS.
Thông tin từ tàu cá cung cấp, thuyền viên trên tàu là anh Nguyễn Văn Kiên (SN 1982) trong lúc đang thu lưới bị tời lưới văng vào miệng làm rách 3cm cuống lưỡi, máu ra nhiều.
Lực lượng Hải quân luôn chuẩn bị đầy đủ phương án, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cần thiết cho nhiệm vụ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo xa, nơi chỉ có lực lượng Hải quân mới có thể tiếp cận được. Bộ đội được huấn luyện chu đáo các kỹ năng ứng phó sự cố trên biển, sẵn sàng lên đường cứu giúp ngư dân trong mọi tình huống.
Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tham mưu Hải quân
Sau hơn 3 giờ cơ động trong sóng to gió lớn, Tàu 276 đã tiếp cận được tàu cá có ngư dân bị nạn. Tổ quân y Tàu 276 khẩn trương sang tàu cá sơ cứu và đưa ngư dân lên Tàu 276 cấp cứu; tiến hành test nhanh virus SARS-CoV-2 và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Sau quá trình cấp cứu tại tàu bởi các cán bộ quân y, sức khỏe của anh Kiên đã ổn định.
Đã hơn một năm trôi qua nhưng ông Tô Điệp, quê ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, Thuyền trưởng tàu cá QNa 95654 TS vẫn nhớ như in khoảnh khắc ông cùng 30 thuyền viên đối mặt giữa sự sống và cái chết.
Đó là một ngày cuối tháng 4/2020, tàu cá QNa 95654 TS đang khai thác hải sản trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, gặp dông, lốc, tàu bị phá nước và chìm trong đêm tối. 30 ngư dân đã kịp thoát ra, trèo lên 4 thuyền mủng, lênh đênh trôi dạt trên biển nhiều giờ.
Nhận được tín hiệu cứu nạn từ xa, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1-11 (Tiểu đoàn DK1, Vùng 2) pha đèn hướng dẫn bà con điều khiển thuyền mủng hướng về nhà giàn.
Ngay trong đêm, 30 ngư dân được đưa lên Nhà giàn DK1-11 chăm sóc sức khỏe, sau đó được tàu của Vùng 2 đưa về đất liền an toàn.
Ông Điệp chia sẻ: “Khi tàu chìm, chúng tôi tưởng không còn hy vọng, may mắn nhờ sự hỗ trợ kịp thời của bộ đội Nhà giàn DK1-11 nên chúng tôi được cứu sống. Sự cứu giúp kịp thời của các anh là động lực để chúng tôi yên tâm tiếp tục vươn khơi, bám biển”.
Đại úy Vũ Hoàng Chiến, Thuyền trưởng Tàu 473, Vùng 4 cho biết: Trong đợt đi tìm kiếm 3 tàu cá Bình Định (BĐ 96388 TS, BĐ 98658 TS và BĐ 97469 TS) gặp nạn trên vùng biển Đông Bắc Nha Trang cách đây gần một năm, Tàu 473 đã đi ngược sóng, ngược gió, xuyên qua tâm bão số 9.
“Dù đối mặt nguy hiểm, nhưng chúng tôi xác định cứu dân là mệnh lệnh từ trái tim, chăm sóc, bảo vệ ngư dân như người thân trong nhà”, Đại úy Chiến tâm sự.
Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi
Y, bác sĩ bệnh xá đảo Song Tử Tây hội chẩn với Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cấp cứu ngư dân, tháng 11/2021
Những năm qua, quần đảo Trường Sa đổi thay từng ngày. Cơ sở dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, bệnh xá… ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của quân dân trên đảo và nhân dân lao động trên vùng biển xa, giúp bà con yên tâm vươn khơi, bám biển dài ngày.
Âu tàu, Trung tâm Dịch vụ hậu cần, kỹ thuật các đảo: Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Tây, rồi làng chài đảo Núi Le, Tốc Tan đã trở nên quen thuộc đối với ngư dân.
Trung tá Phan Đình Hoàng, Chính trị viên phó Hải đội 922 chia sẻ, đơn vị có đội ngũ cán bộ, nhân viên giàu kinh nghiệm đi biển, thợ sửa chữa lành nghề, bảo đảm khắc phục hầu hết các sự cố máy móc cho bà con ngư dân.
Các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng duy trì lực lượng, phương tiện trực phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại căn cứ trên bờ và ở vùng biển trọng điểm, sẵn sàng ứng phó kịp với các tình huống xảy ra.
Hàng chục tàu, xuồng cao tốc tại các cảng và tàu trực sẵn sàng phương án, phương tiện cứu nạn để mỗi khi có tình huống là cơ động được ngay, có mặt sớm nhất ở hiện trường.
Tàu 888 - Trần Đại Nghĩa của Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển được trang bị máy đo sâu đa tia hồi âm, máy quét có thể soi quét đáy biển ở độ sâu hàng nghìn mét.
Tàu Tân cảng 63, 65, 69 và 86 của Quân cảng Sài Gòn sẵn sàng lắp đặt thiết bị can thiệp khẩn cấp từ xa để tìm kiếm dưới đáy biển sâu, khi tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Huấn luyện lặn sâu thuộc Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 có thể lặn ở độ sâu lớn. Phi đội thủy phi cơ DHC-6 của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 có khả năng bay cứu nạn trong điều kiện thời tiết phức tạp… Đây chính là lực lượng chủ lực tìm kiếm cứu nạn biển xa trong những tình huống khẩn cấp của Quân chủng Hải quân.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Thuyền trưởng Tàu 926, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Bắc, Hải đoàn 128, Quân cảng Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi luôn gắn sát với tình huống thực tế trên biển nên khi có lệnh tàu xuất phát được ngay. Việc cứu nạn ở vùng biển xa phải nhanh, chính xác và bảo đảm an toàn về mọi mặt”.
Cán bộ, chiến sĩ Hải quân ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam luôn đồng hành, sát cánh cùng ngư dân bám biển.
Đặc biệt, bệnh xá trên các đảo đều kết nối trực tuyến với bệnh viện lớn trong đất liền để hội chẩn cấp cứu ca bệnh nặng.
Mỗi khi có tàu vào đảo để sửa chữa, hoặc ngư dân gặp nạn, cán bộ, chiến sĩ tận tình giúp đỡ, cứu chữa như người thân của mình. Họ sẵn sàng hiến máu cứu người, tặng quần áo, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men cho bà con…
“Mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân đều xác định cứu dân gặp nạn là mệnh lệnh từ trái tim. Khi có tín hiệu cấp cứu từ ngư dân, những chiếc tàu Hải quân dù đang thực hiện nhiệm vụ trên biển hay neo đậu tại bờ đều rẽ sóng ra khơi tìm đến cứu người. Những chiến sĩ Hải quân thực sự là những điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển”, Thiếu tá Tiến chia sẻ.
Trong năm 2020, các đơn vị của Quân chủng Hải quân kịp thời cứu nạn được 32 tàu và gần 320 người. Mỗi con tàu, điểm đảo, nhà giàn thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận