Xã hội

Xã hội hóa đầu tư 1.000 nhà vệ sinh trị tiểu bậy

13/07/2016, 07:47

TP.HCM đang cần 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) để phục vụ người dân và du khách.

12

Một nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn “5 sao” được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa tại TP.HCM

Nhà vệ sinh sạch, đếm trên đầu ngón tay

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông trên địa bàn quận 1 tại các điểm: Công viên 23/9, Tao Đàn, Lê Văn Tám… có 12 NVSCC phục vụ miễn phí cho người dân. Đây là những nhà vệ sinh đã được đầu tư theo hình thức xã hội hóa từ năm 2015. Ghé qua các NVSCC này, PV ghi nhận sự hài lòng của người dân về sự hiện đại, sạch sẽ, đảm bảo mỹ quan và thái độ phục vụ văn minh, lịch sự.

Tiểu bậy nơi công cộng bị phạt đến 300.000đ

Theo Phòng Quản lý đô thị quận 1, TP.HCM, quận 1 là trung tâm của TP nhưng trên địa bàn quận chỉ có 23 NVSCC, đây là một trong những nguyên nhân nhiều người tiểu bậy nơi công cộng. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng của quận đã lập biên bản xử phạt 1.600 trường hợp tiểu bậy nơi công cộng. Việc xử phạt được áp dụng theo Nghị định 167, nếu vi phạm lần đầu, người vi phạm sẽ bị phạt 200.000 đồng, tái phạm mức phạt sẽ nâng lên 300.000 đồng. Nhiều trường hợp, cơ quan chức năng nhắc nhở và cảnh cáo viết cam kết không tái phạm, sau đó phải dùng nước dội sạch khu vực vừa tiểu bậy.

Chị Quất Thị Rở, nhân viên lau dọn NVSCC ở công viên 23/9 chia sẻ: “Mỗi ngày khoảng 500 lượt người ra vào. Vào ngày lễ, Tết tới hơn 1.000 lượt mỗi ngày. Người dân, du khách nước ngoài đều rất hài lòng với NVSCC. Khi mô hình này mới hoạt động, ý thức của người dân còn kém khiến chúng tôi khá vất vả bởi nhiều người coi đây là nơi tắm gội… miễn phí, thậm chí còn hút chích bên trong. Nhưng sau khi cơ quan chức năng theo dõi phục kích bắt những đối tượng nghiện, tình trạng này không còn nữa”.

Tuy nhiên, những địa điểm có nhà vệ sinh sạch sẽ như trên còn rất hiếm đối với một trung tâm rộng lớn và nhiều điểm du lịch như ở TP.HCM. Còn nhiều địa điểm đang thiếu trầm trọng NVSCC như: Khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Công viên 30/4, Chùa Vĩnh Nghiêm… Nhiều du khách tham quan không biết “giải quyết nỗi buồn” ở đâu đành phải vào các trung tâm mua sắm. Một số điểm ở nhà ga, Bến xe Miền Đông, Miền Tây cũng có NVSCC, nhưng rất mất vệ sinh, người dân ngán ngẩm.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Thành phố có hơn 200 NVSCC thu phí, trong đó có khoảng 150 NVSCC đặt tại các bến xe, nhà ga, chợ, khu du lịch, tham quan… hầu hết đã cũ, xuống cấp, mất vệ sinh. Trong số 39 khu, điểm du lịch đã kiểm tra, khảo sát trong hai năm 2014, 2015, đến nay mới chỉ có 12 khu, điểm tham quan đã sửa chữa, chỉnh trang, nâng cấp nhà vệ sinh phục vụ du khách”.

Đổi quảng cáo lấy nhà vệ sinh

Theo đại diện Ngân hàng Sacombank, chủ đầu tư 12 NVSCC trên địa bàn TP, mỗi nhà vệ sinh có diện tích khoảng 60m2, trang trí thiết bị hiện đại, chi phí đầu tư từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, bao gồm cả chi trả nhân viên thu dọn và những chi phí phát sinh khác như duy tu, sửa chữa. Từ năm 2010, ngân hàng cũng từng đầu tư thành công mô hình này ở các tỉnh như Đà Lạt, Phú Quốc, Vũng Tàu. Cuối tháng 4/2016 Sacombank cũng xây dựng NVSCC ở Đà Nẵng. Tại những NVSCC này, mỗi điểm ngân hàng được TP cho phép lắp đặt máy rút tiền ATM.

Để thu hút nhà đầu tư xây nhà vệ sinh, tại cuộc họp mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Sở Du lịch cần đề xuất cho TP các điểm có thể xây mới hoặc sửa chữa NVSCC. Trước mắt TP cần tập trung chỉnh trang, nâng cấp các NVSCC hiện có đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh để phục vụ nhu cầu của du khách và người dân. 

Theo ông Tuyến, về lâu dài, TP sẽ đẩy mạnh xã hội hoá, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng NVSCC, đổi lại, doanh nghiệp được quảng cáo tại vị trí lắp đặt. Riêng tại khu vực trung tâm TP, doanh nghiệp có thể nghiên cứu lắp đặt các ki ốt vừa là nhà vệ sinh vừa bán hàng lưu niệm để đơn vị có nguồn thu. Nhà nước đã có chủ trương đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, các sở ngành cần nghiên cứu, vận dụng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khoảng 1.000 NVSCC, đổi lại TP sẽ giao cho nhà đầu tư một số khu đất đã khấu trừ tiền sử dụng đất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.