Thời gian hành trình quá dài, tàu xóc lắc
Trở về từ chuyến đi Huế vào cuối tháng 9, chị Mai Trang (Phúc Diễn, Hà Nội) chia sẻ với Báo Giao thông: “Tàu đẹp, sạch sẽ, nhưng thời gian chạy dài quá. Đi 600 cây số mà hơn 10 tiếng đồng hồ, tàu lắc lư khiến tôi bị say”.
Những nhận xét của chị Trang không phải chuyện mới. Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch TSC cho biết, đây là cảm nhận chung của nhiều khách du lịch khi đi tàu.
Do là đường sắt đơn, tàu phải tránh vượt nhiều nên thời gian hành trình dài. Nhiều đoàn tàu đến ga chậm, ảnh hưởng lớn đến chương trình tour của các đoàn khách.
Mặt khác, hạ tầng, dịch vụ dưới ga còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách.
Tàu khách du lịch Phan Thiết. Ảnh: VTĐSSG
Thừa nhận tình trạng này, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, những năm gần đây đơn vị đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành để cung cấp các sản phẩm du lịch trọn gói từ thuê toa xe, dịch vụ ăn uống trên tàu, lưu trú khách sạn, toa xe cũng được đầu tư nâng cấp đẹp hơn.
Tuy nhiên, thực tế khách du lịch có tăng nhưng không đáng kể, chỉ tập trung vào hơn 2 tháng hè và cũng chỉ vào dịp cuối tuần.
“Chúng tôi đã khảo sát ý kiến các đơn vị du lịch đến các khách tập thể lớn. Tất cả đều nói họ thích đi tàu vì thoải mái, an toàn nhưng thời gian trên tàu quá dài, tàu xóc lắc và quan trọng là giá vé còn cao.
Để chọn lựa, họ vẫn thích đi máy bay giá rẻ hay ô tô hơn. Nên phần nhiều đoàn khách lượt đi bằng tàu để trải nghiệm, lượt về họ lại chọn máy bay...”, vị này thẳng thắn thừa nhận.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng khối lượng vận chuyển hành khách năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) của Tổng công ty Đường sắt VN là 7.863 nghìn lượt khách, chỉ chiếm 4,02% lượng khách du lịch.
Lập đề án tổng thể
Theo ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt VN, do đường sắt hiện tại là đường đơn, khổ hẹp, tốc độ thấp cũng như sự lạc hậu của các phương tiện vận tải nên phân khúc thị trường của đường sắt ngày càng bị thu hẹp.
“Chỉ có đầu tư cải tạo nâng cấp hạ tầng để cải thiện tốc độ chạy tàu, chất lượng dịch vụ mới thu hút được khách du lịch đến với đường sắt”, ông Nam nói.
Theo ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng Bộ GTVT, thời gian tới kết cấu hạ tầng đường sắt hiện hữu chắc chắn sẽ được cải thiện hơn, nhất là tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Vì hiện trên tuyến này đang triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp vốn trung hạn. Cùng đó là các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng các tuyến hiện có được triển khai giai đoạn đến năm 2030 theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khi đó tốc độ chạy tàu được nâng cao hơn, xóc lắc giảm.
Đồng thời, đường sắt triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ về đầu tư nâng cấp nhà ga, phương tiện, đẩy mạnh áp dụng KHCN trong điều hành chạy tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ như xây dựng các chương trình khuyến mại, kích cầu, giảm giá, tổ chức các đoàn tàu chuyên phục vụ khách du lịch và tăng cường việc liên danh liên kết với các công ty, đơn vị dịch vụ lữ hành...
Khi đó, sẽ cải thiện được chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, ngày càng thu hút khách đi du lịch bằng tàu hỏa nhằm đạt được mục tiêu tăng thị phần hành khách đi du lịch với tỷ lệ khoảng 30 - 45% thị phần vận tải chung toàn ngành (gấp 10 lần hiện nay).
Có thể kêu gọi xã hội hóa
Ga Hà Nội đông khách dịp hè, ngày nghỉ lễ
Theo ông Điệp, đề án sẽ tập trung hoàn thành cơ bản việc nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai; Mở rộng thêm các đường tránh vượt, kéo dài đường ga, đồng bộ tải trọng trên tuyến.
Để làm được điều này, Nhà nước cần bổ sung kinh phí phục vụ cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; có các kế hoạch bố trí nguồn vốn triển khai phù hợp cho từng giai đoạn.
Đối với các ga có lợi thế về du lịch, thương mại, có thể liên danh, liên kết và kêu gọi các nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp để đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà ga nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga.
Trong đó có dịch vụ kinh doanh ngoài vận tải như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... Nếu triển khai sớm, dự kiến đến năm 2025 các dịch vụ này sẽ đem lại khoảng 70 tỷ đồng/năm, tương đương tăng 145% so với doanh thu từ dịch vụ này hiện nay.
Cũng theo ông Điệp, bên cạnh sự đầu tư từ Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động trong đầu tư phương tiện, nâng cao chất lượng toa xe khách phục vụ khách du lịch.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Chính Nam, giai đoạn 2016 - 2017, các doanh nghiệp vận tải đường sắt đóng mới và cải tạo được khoảng 150 toa xe, chiếm tỷ lệ 14,8% tổng số toa xe đang vận dụng và chiếm 20,8% tổng số toa xe vận dụng/ngày.
Do đó, các doanh nghiệp vận tải cần đầu tư thêm toa xe khách chất lượng cao. Mục tiêu là đến năm 2030 đầu tư đóng mới khoảng 300 toa xe khách chất lượng cao để thay thế các toa xe hết niên hạn; đầu tư mới 32 đầu máy có công suất lớn để thay thế từng bước các đầu máy đã hết niên hạn.
“Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải đường sắt hiện nay rất khó khăn về vốn. Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi trong đầu tư đầu máy, toa xe”, ông Nam nói.
Theo dự thảo Đề án, với việc triển khai các giải pháp theo kế hoạch, dự báo đến năm 2030, sẽ tăng năng lực thông qua trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM từ 17 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm; Giảm thiểu, hạn chế và dần tiến tới xóa bỏ các điểm xóc lắc, nâng cao tốc độ chạy tàu trên tuyến và đảm bảo an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận