Vẫn còn ý kiến lo ngại về vấn đề áp đặt giá bởi dịch vụ hạ tầng bản chất đã mang tính độc quyền - Ảnh: TB |
Tại hội thảo “Xã hội hóa (XHH) cung cấp dịch vụ cảng biển, cảng hàng không và năng lượng: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” được tổ chức hôm qua (3/6), các chuyên gia trong và ngoài nước đều có chung nhận định, XHH đầu tư cảng biển, cảng hàng không là cần thiết nhằm giảm bớt nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính cạnh tranh.
Tránh độc quyền
TS. Warren Mundy, Ủy viên Hội đồng Ủy ban năng suất của Australia phân tích, việc XHH, thu hút nguồn vốn tư nhân vào cơ sở hạ tầng, trong đó có cảng biển, cảng hàng không sẽ trả lại vốn đầu tư hiện hành để Chính phủ sử dụng cho những dự án khác; đồng thời nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường của cả các cảng lẫn hãng hàng không.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, mục tiêu cuối cùng của huy động vốn tư nhân là nâng cao phúc lợi người dân và thúc đẩy kinh tế phát triển. “Khi chúng ta chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không, cảng biển, vốn đầu tư từ đó sẽ dành đầu tư công trình khác. Và khi đó mới thiết lập một thị trường cạnh tranh cung cấp dịch vụ về cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ sân bay, cảng biển, chất lượng mới tăng lên, từ đó phát triển nhiều ngành kinh tế”, ông Cung phân tích.
"Trong giai đoạn ban đầu thực hiện XHH cảng biển, cảng hàng không này, nên có sự chọn lọc và nên khuyến khích nhà đầu tư có chọn lọc trước”. TS. Nguyễn Đình Cung |
Vấn đề XHH cảng biển, cảng hàng không thế nào tránh được độc quyền được nhiều chuyên gia quan tâm, bởi dịch vụ hạ tầng bản chất đã mang tính độc quyền, nên nếu để doanh nghiệp đặt giá quá cao, tất cả sẽ đổ lên đầu người dân. Do đó, thiết kế thể chế cho thị trường vận hành an toàn, kinh tế là điều cần đặc biệt chú ý khi XHH lĩnh vực này.
TS. Warren dẫn chứng, tại Australia có quy định quyền sở hữu cảng hàng không giới hạn đến 5% và quyền sở hữu nước ngoài giới hạn đến 49%; các hãng hàng không không đồng sở hữu. Có như vậy mới ngăn ngừa được sở hữu không mong muốn theo chiều ngang (cạnh tranh giữa các sân bay do cùng một công ty sở hữu) và theo chiều dọc (các hãng hàng không kiểm soát cơ sở hạ tầng sân bay trọng điểm).
Ông Warren cho biết, tuy XHH, nhưng các cảng hàng không tại Australia chỉ cho thuê 49 năm, sau đó Chính phủ sẽ xem xét, gia hạn lại. Dù hợp đồng cho thuê toàn bộ sân bay nhưng hợp đồng thuê trước vẫn giữ nguyên và các hãng hàng không trong nước tại hầu hết các sân bay đã có hợp đồng thuê trạm cuối. Việc kiểm soát không lưu và cứu hỏa vẫn do doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm.
Phải kiểm soát giá cả
TS. Warren cho biết, mặc dù Sân bay Sydney là của tư nhân, nhưng tư nhân lại không được quyền áp giá. Giá đó do một Ủy ban giám sát, điều chỉnh theo mô hình lạm phát trừ đi các chi phí khác. Chi phí đầu vào của cảng thế nào, giá chi phí ấy tính theo giá thị trường, chứ không phải chủ sở hữu cảng hàng không khai bao nhiêu cũng được.
TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM cũng cho rằng, kiểm soát giá dịch vụ cảng biển, sân bay sau XHH là hiển nhiên. Vì bản chất của các cảng hàng không, sân bay là có vị thế độc quyền tự nhiên. Ở đó chỉ có đúng một cảng, không thể xây hai cảng được. Khi đã là độc quyền tự nhiên thì Nhà nước phải kiểm soát giá. “Doanh nghiệp không được độc quyền định giá tại cảng biển, cảng hàng không mà giá nên do một hội đồng độc lập, không liên quan đến Chính phủ định giá”, ông Tú Anh đề xuất.
Về mặt kiểm tra, kiểm soát, theo TS. Cung, ở nước ta mô hình điều tiết quản lý theo ngành hợp lý hơn cả. Cụ thể ở đây, Bộ GTVT quản lý về mặt an toàn bay đồng thời thiết lập các điều kiện để thị trường vận hành. Tuy nhiên, trong Bộ GTVT, người thiết lập chính sách phải tách khỏi cơ quan thực thi. Không nên để Cục Hàng không Việt Nam vừa thiết kế vừa thực thi chính sách.
Ngoài ra, ông Cung lưu ý, vì là lĩnh vực mới, nhiều khi chúng ta chưa quen với thị trường, nên rất sợ, sợ doanh nghiệp tư nhân, sợ đầu tư nước ngoài. Mặc dù muốn nhưng vẫn có cái gì đó e ngại. “Nhà đầu tư đọc được e ngại đó sẽ cảm thấy khó vào bởi sợ sự lưỡng lự, thay đổi của chúng ta khi thiết kế và thực thi chính sách. Với nhà đầu tư vào đầu tiên, nên có chính sách để hấp dẫn, thúc đẩy người ta vào”, ông Cung nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận