Dự án mở rộng QL1 thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia - ảnh: Khánh Linh |
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với nhiều điểm mới so với các văn bản, quy chế thí điểm trước đây. Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) trao đổi với Báo Giao thông xung quanh những điểm mới của Nghị định này.
Bỏ giới hạn vốn nhà nước
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 15/2015 về PPP. Tại Nghị định này, Chính phủ đã quyết định bỏ giới hạn vốn Nhà nước trong các dự án PPP. Việc này có ý nghĩa thế nào đối với nhà đầu tư và quá trình thực hiện dự án, thưa ông?
Trong các văn bản, nghị định trước đây có quy định về các hạn mức tham gia của nguồn vốn Nhà nước tại dự án PPP. Cụ thể, tại Nghị định 108/2009 quy định tổng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án không được vượt quá 49% tổng vốn đầu tư, trong khi đó, Quyết định 71/2010 lại quy định phần tham gia của Nhà nước không vượt quá 30% tổng mức đầu tư dự án.
Dù mục đích quy định của các hạn mức này tại hai văn bản là khác nhau nhưng vẫn dẫn đến sự so sánh và nhầm lẫn không cần thiết. Do đó, việc ban hành Nghị định PPP trên cơ sở hợp nhất,
|
hoàn thiện hai văn bản trên là yêu cầu khách quan nhằm khắc phục những hạn chế và đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP.
Trong Nghị định PPP cũng quy định rõ, trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm về sử dụng vốn ngân sách, vốn Trái phiếu Chính phủ... cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể xác định được khả năng cân đối ngân sách nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của dự án, xác định dự án ưu tiên đầu tư cao để bố trí vốn một cách phù hợp, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Do đó, nhà đầu tư tại các dự án PPP sẽ được đảm bảo về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đúng kế hoạch, tránh tình trạng thiếu vốn.
Được biết, Nghị định PPP có quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Ông đánh giá thế nào về quy định này?
Nghị định PPP quy định, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng. Trong đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần. Cụ thể, đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.
Trong các dự án PPP, việc lựa chọn nhà đầu tư căn cứ vào rất nhiều tiêu chí như: Tài chính, kinh nghiệm... nhưng năng lực về vốn chủ sở hữu là một tiêu chí rất quan trọng, thậm chí là yếu tố quyết định đến quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho dự án.
Có thể nói, Nghị định PPP quy định rất chặt chẽ, rõ ràng về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Việc này nhằm khắc phục tình trạng các doanh nghiệp yếu kém về tài chính, chặn đứng các nhà đầu tư “tay không bắt giặc” tham gia vào các dự án PPP, nhất là các dự án của ngành GTVT đòi hỏi nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thực sự.
Quy định rõ khi giải quyết tranh chấp
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các chủ thể tham gia thực hiện dự án, Nghị định có những quy định gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Về vấn đề này, trong Nghị định PPP nêu rõ, tranh chấp giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án và tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với các tổ chức kinh tế tham gia thực hiện dự án trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trong trường hợp không giải quyết được bằng thương lượng, hòa giải các bên có thể đưa vụ tranh chấp ra tổ chức trọng tài hoặc tòa án Việt Nam theo quy định.
Cụ thể, đối với tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập được giải quyết thông qua trọng tài, toà án Việt Nam hoặc Hội đồng trọng tài do các bên thoả thuận thành lập. Còn tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc với các tổ chức kinh tế Việt Nam và tranh chấp giữa các nhà đầu tư được giải quyết theo quy định của Luật Đầu tư.
Năm 2014, ngành GTVT đã thu hút được 39.077 tỷ đồng để đầu tư 19 dự án BOT. Ông có kỳ vọng, sau khi Nghị định PPP có hiệu lực, ngành GTVT sẽ tiếp tục có những bước bứt phá mạnh mẽ trong công tác huy động nguồn vốn xã hội hóa?
Để huy động có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, Nghị quyết số 13 của Ban chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) đã đề ra giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy thực hiện các hình thức đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực này, nhất là hình thức đối tác công tư.
Đối với ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư vào các công trình, dự án ở tất cả các lĩnh vực của ngành GTVT với tinh thần việc gì tư nhân có thể làm được thì sẽ để tư nhân làm.
Ngày 10/4 Nghị định PPP có hiệu lực thi hành Nghị định PPP vừa ban hành đã mở rộng loại hình hợp đồng đầu tư và quy định cụ thể hơn so với Nghị định 108 và Quyết định 71. Theo đó, ngoài các loại hợp đồng cũ (BOT, BTO, BT), Nghị định PPP đã quy định thêm một số loại hợp đồng mới gồm: BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), O&M (Kinh doanh - Quản lý), BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao), BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ). Nghị định PPP tạo ra khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, có hiệu lực cao hơn nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ 10/4/2015, thay thế cho các văn bản, quy định hiện hành. |
Theo dự báo trong thời gian tới, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông rất lớn. Trong khi đó, khả năng huy động các nguồn vốn Nhà nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu.
Do đó, việc ban hành Nghị định PPP sẽ tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành nói chung và ngành GTVT nói riêng tiếp tục triển khai linh hoạt các dự án PPP phù hợp với nhu cầu và điều kiện quản lý cụ thể để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Đây là cơ sở để việc thu hút vốn xã hội hóa vào lĩnh vực giao thông ngày càng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận