Giao thông

Xả trạm BOT nếu ùn ứ quá 700m

08/02/2018, 06:15

Các nhà đầu tư BOT trên toàn quốc đều chủ động lên phương án ứng phó đảm bảo ATGT, đồng thời có kế hoạch...

1

Đơn vị quản lý Trạm thu giá BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẵn sàng mở 3 làn thu phí ngược chiều để giải tỏa lượng phương tiện quá đông dồn về một lúc từ hướng trung tâm Hà Nội đi về phía Nam những ngày trước Tết - Ảnh: Tạ Tôn

Đồng loạt lên phương án đảm bảo ATGT

Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư BOT đảm bảo thông xe, không được để xảy ra ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán. Thực hiện chủ trương này, các nhà đầu tư BOT cho biết đều đã chủ động lên phương án ứng phó đảm bảo ATGT, đồng thời, có kế hoạch xả trạm để giao thông thông suốt vào dịp cao điểm Tết.

Là đơn vị quản lý đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào dịp lễ, Tết, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, đơn vị đã chuẩn bị sẵn phương án  mở 3 làn thu phí ngược chiều hướng Cầu Giẽ - Pháp Vân để giảm tải lượng phương tiện quá đông dồn về một lúc từ hướng trung tâm Hà Nội đi về phía Nam vào những ngày trước Tết. “Chúng tôi sẽ bố trí lực lượng điều tiết, phân luồng giao thông từ xa tại khu vực các trạm thu giá và phối hợp với lực lượng CSGT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý ngay các sự cố trên đường”, ông Khôi nói.

Nghị định 46 quy định, hành vi thu phí gây ùn tắc giao thông nếu không chấp hành yêu cầu triển khai khắc phục sẽ bị phạt nặng, có thể lên tới 50-70 triệu đồng. Cụ thể, Khoản 9, Điều 15 quy định, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ vi phạm Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Trực tiếp quản lý, khai thác và vận hành 3 dự án cao tốc có quy mô lớn nhất cả nước là Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Uông Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN) nói: “Phương án chúng tôi đề xuất sẽ mở chồng làn, mở làn ngược chiều tại các trạm thu giá vào những khung giờ cao điểm khi lượng xe tăng đột biến ở một chiều. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ bố trí lực lượng túc trực để điều tiết, phân làn và bán vé từ xa tại các trạm thu khi lượng xe dồn về lớn để đảm bảo các phương tiện lưu thông nhanh nhất khi qua trạm”.

Quyết liệt hơn, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Chi nhánh BOT 319 Sông Phan (QL1, Bình Thuận) cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án đảm bảo ATGT và có phương án phân làn, phân luồng tránh ùn tắc giao thông. Ngoài ra, lực lượng tại trạm cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT, Cảnh sát cơ động, TTGT, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông từ xa để tăng năng lực thoát xe, tránh gây ùn ứ giao thông khu vực trạm thu giá. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài sẽ áp dụng việc xả trạm theo quy định để đảm bảo giao thông thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đi lại dịp Tết.

Còn theo ông Hà Ngọc Nam, Phó giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu, đơn vị đã có phương án phối hợp với CSGT, TTGT tỉnh và công an huyện, xã đảm bảo ATGT khu vực trạm thu giá trước và sau Tết. Khi bị ùn ứ giao thông, trạm sẽ không thu giá. “Khi xảy ra ùn tắc, tất cả các làn xe phía trước và sau trạm đều có rất đông phương tiện. Vì vậy, có xả trạm các phương tiện cũng không thể di chuyển được ngay mà phải chờ lực lượng CSGT, TTGT điều tiết”, ông Nam nói.

2

Trạm thu giá BOT Tân Lập đã có làn thu giá tự động để hạn chế ùn tắc - Ảnh: Tạ Tôn

Xả trạm nếu ùn tắc từ 700m trở lên

Việc ùn ứ giao thông tại các điểm BOT dọc QL1 chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông đi lại của người dân, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết. Trước lo ngại vào dịp Tết sẽ tái diễn tình trạng lái xe dùng tiền lẻ để trả tiền mua vé, dừng xe tại trạm thu giá, gây ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, các tài xế không nên dùng các biện pháp tiêu cực gây ùn tắc, ảnh hưởng đến những người có công việc, nhu cầu cần phải đi lại nhanh.

“Không nên phản ứng bằng những hành vi gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến nhiều người khác. Chúng tôi đã chỉ đạo trạm BOT lắp 2 làn riêng ở lề đường để giải quyết những trường hợp thắc mắc, phản ứng về phí. Xe nào có thắc mắc, phản đối thì mời vào đó để giải quyết, dành đường cho những xe khác đi”, ông Huyện nói.

Cũng theo ông Huyện, để đảm bảo giao thông qua các trạm thu giá được thông suốt và an toàn, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà đầu tư BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700m trở lên do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm để giải quyết ùn tắc. “Cùng với việc cắm biển cấm dừng xe quá 5 phút tại trạm thu giá, Tổng cục Đường bộ VN đã cử 7 đoàn làm việc với các nhà đầu tư BOT, các địa phương để tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các lái xe cố tình gây ách tắc giao thông tại trạm thu giá, đảm bảo điều kiện lưu thông thông suốt của người dân, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018”, ông Huyện nói.

“Về lâu dài, để giảm ùn tắc tại các trạm thu giá phải áp dụng thu giá tự động không dừng. Sau khi triển khai xong 28 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh, Tổng cục sẽ đốc thúc toàn bộ trạm do Bộ GTVT và địa phương quản lý thực hiện lắp thu phí tự động. Việc này phải hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Huyện cho biết và khẳng định: “Việc thu phí tự động giúp xe đi qua trạm nhanh hơn, giảm ùn tắc. Khi đó, các phương tiện lưu thông đã lắp thẻ VETC đi trên tuyến sẽ không còn gặp trở ngại nào, đảm bảo sự thông suốt, tránh gây bức xúc do ùn ứ như dịp Tết. Điều quan trọng nhất là giúp quản lý thu giá minh bạch tại các trạm”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.