Việc này được dư luận đặc biệt quan tâm, hộp thư bạn đọc của Báo Giao thông nhận được nhiều ý kiến về việc xây cầu hay giữ rừng liên quan đến đề xuất của tỉnh Bình Phước.
Khu vực được Bình Phước đề xuất nghiên cứu làm cầu Mã Đà và đường nối Bình Phước với Đồng Nai
Bạn đọc Hòa An (TP.HCM) cho rằng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được xem là lá phổi xanh của các tỉnh Đông Nam Bộ. Ở đây còn có ba di tích lịch sử cấp quốc gia, có hơn 3.000 loài động vật, thực vật, trong đó có 102 loài đặc hữu.
Do đó việc xây cầu Mã Đà làm đường xuyên qua rừng sẽ làm phá vỡ cảnh quan. Đường có thể xây mới hàng nghìn km một năm nhưng khu dự trữ sinh quyển thì phải cả hàng trăm năm mới hình thành. Chỉ nói vậy là đủ biết nên chọn giải pháp nào.
Bạn đọc Tuyết Loan (Đồng Nai) bình luận, lo ngại là đúng nhưng nếu chỉ lo ảnh hưởng mà không lo giải pháp thì có lẽ không có dự án nào mới, vì làm cái gì cũng ảnh hưởng hết. Hãy học nước ngoài làm đường ngầm hoặc cầu vượt qua rừng, thế giới đã đi trước chúng ta về điều này.
Bạn đọc Hoàng Quân (Hà Nội) thì đặt câu hỏi ngược lại, cần học nước ngoài nhưng học trong tình huống nào, với đường nào? 40km qua rừng thì làm hầm ngầm là quá khó, làm cầu vượt cũng tốn một núi tiền.
Diện tích rừng không mất đi, đường thu ngắn lại, kết nối liên vùng tạo thành trục giao thông thuận lợi qua cả Long Thành và các cảng biển khu vực, tại sao không làm?
Cứ nói giữ rừng nhưng các anh có giữ rừng được không, nạn phá rừng vẫn tràn lan. Chúng ta cần đường để kinh tế phát triển, cần tổ chức hội thảo với các số liệu cụ thể để quyết định xây cầu hay giữ rừng, chứ không nói cảm tính được, bạn đọc Quốc Minh (Bình Phước) bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận