Xã hội

Xây đặc khu: "Quyền lực chưa vượt trội, lợi ích nhóm đã hình thành"

04/04/2018, 15:05

Vừa qua, dù chưa có quyền lực vượt trội mà lợi ích nhóm hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách.

le-thanh-van

ĐBQH Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách

Dự thảo Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt đã rút gọn lại các ngành nghề kinh doanh, thuế, ưu tiên đối với nhà đầu tư, về thời hạn thuê đất mặt nước. Nhưng việc thu hút đầu tư bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất là không cần thiết, mà quan trọng nhất là phải minh bạch trong đầu tư. Ưu đãi về thuế nhưng hành xử của bộ máy chính quyền tham nhũng, phiền hà, nhũng nhiễu thì tiền được giảm có khi còn ít hơn tiền phải “lobby” cho các chính sách khác.

Thực tế, tự thân ba vị trí tiền tiêu Vân Phong (Khánh Hoà), Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), thiên nhiên đã cho nó những ưu đãi. Thời gian qua, nhà nước cũng đã đầu tư hạ tầng quá nhiều. Nếu giờ lại cho nhiều ưu đãi, như miễn 30 năm tiền thuê mặt đất, mặt nước, tài sản đó lại được đem đi thế chấp, như vậy sự công bằng trong đối xử về pháp lý, chính sách so với vùng sâu, vùng cần được khuyến khích đã công bằng chưa, hay ở đây có sự xung đột về pháp lý?

Thời đại công nghiệp 4.0, không gian phát triển không nhất thiết trên địa hạt với những ưu đãi cụ thể mà phải hội nhập với sự minh bạch, môi trường đầu tư đủ độ tin cậy.

Thời gian cho thuê đất lên tới 99 năm là quá dài, không ổn, vì ba vị trí dự định thành lập đặc khu là vị trí nhạy cảm, tiền tiêu, đến nay chưa có chuyên gia về quốc phòng an ninh ở Quốc hội lên tiếng.

Ba vị trí này lại nhô ra ngoài Biển Đông, tác động của nó ở khía cạnh phòng thủ quốc gia sẽ thế nào? Thế giới đang vận động từ tấn công vũ trang sang quyền lực mềm, đó là mua chuộc cán bộ, cài cắm dân cư. Phải tính sao? Tôi nghĩ điều này phải bàn bạc kỹ và thận trọng.

Dự thảo lần này không còn phương án về mô hình đặc khu vì trái hiến pháp, nhưng mô hình ban soạn thảo lựa chọn lại chưa thể hiện được cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện trao thẩm quyền quá lớn cho chính quyền đặc khu.

Quyền hạn giao cho đặc khu quá lớn nhưng chế độ trách nhiệm chưa rõ. Chúng ta đồng thuận không đánh đổi môi trường để phát triển bằng mọi cách thì bây giờ cũng không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia để phát triển bằng mọi cách. Cơ chế kiểm soát quyền lực của chủ tịch UBND đặc khu thế nào? Với tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì chế tài, trách nhiệm vượt trội, chúng ta lại lấy đạo luật thường để ứng xử người được trao quyền quá lớn như vậy thì có phù hợp?

Hiện nay, quy trình tuyển chọn người tài rất khó, đặc biệt là người đứng ở vị trí này, đó là chưa nói với quy định hiện nay thì chuyện kết nối, liên kết lợi ích nhóm có thể trỗi dậy. Vừa qua, mặc dù chưa có quyền lực vượt trội mà lợi ích nhóm hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách. Giờ cho vượt trội mà không có lồng quyền lực để giám sát chặt chẽ là rất đáng lo ngại nên cần cân nhắc hoàn thiện thêm. 

ĐBQH Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban tài chính Ngân sách

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.