Thời sự

Xây dựng khu vực GMS thịnh vượng, bền vững và hội nhập

30/03/2018, 22:09

Lãnh đạo các nước GMS thống nhất thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo hài hòa các lợi ích các bên.

Thu-tuong-Nguyen-Xuan-Phuc-tai-GMS6

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cam kết nỗ lực thúc đẩy cụ thể hóa các sáng kiến hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Tại Hà Nội, Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần đầu được tổ chức nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh cấp cao khu vực GMS. Đây là sáng kiến của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường đối thoại giữa các chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác phát triển, cũng như thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực vào các hoạt động GMS. Sáng kiến nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực từ các quốc gia thành viên, các đối tác phát triển cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại đây, chiều 30/3, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế, pháp luật chuẩn mực, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Thủ tướng cho rằng, hai nguồn lực quan trọng phát triển trong giai đoạn mới chính là phát huy tốt nội lực của mỗi nền kinh tế và khai thác hiệu quả những tiến bộ, đột phá của khoa học công nghệ. Những nguồn lực trên sẽ đem lại xung lực mới cho sự phát triển của GMS trong giai đoạn tới.

"Để xây dựng một khu vực GMS thịnh vượng, bền vững và hội nhập, các quốc gia GMS cần bảo đảm phát triển bền vững và hài hòa. Theo đó, tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông. Mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS, CLV cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi ích của các bên, chính phủ, doanh nghiệp, người dân", Thủ tướng nói.

hoi-nghi-thuong-dinh-kinh-doanh-GMS6

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Vương quốc Campuchia Techo Hun Sen, Thủ tướng nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith, Phó Tổng thống CHLB Myanmar U Henry Van Thio, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Ủy viên Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa

Riêng đối với lĩnh vực giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với tư cách là một trong 3 trụ cột quan trọng của GMS, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các tuyến giao thông huyết mạch. Ngoài các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư như từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau; từ Hà Nội đi Hải Phòng, từ Hà Nội đi Lào Cai (kết nối đến Côn Minh củaTrung Quốc), từ Hà Nội đi Lạng Sơn (kết nối đến Nam Ninh, Trung Quốc), đây chính là sự kết nối khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai kinh tế” với sáng kiến của Trung Quốc “Vành đai, Con đường”.  Việt Nam cũng đang xúc tiến mạnh mẽ việc đầu tư vào giao thông trên các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), Bắc – Nam (NSEC) và hành lang phía Nam (SEC)...

“Chính phủ Việt Nam cam kết và trên thực tế đang thúc đẩy cụ thể hóa các sáng kiến, ví dụ như ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối hiệu quả nhằm hỗ trợ thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, kinh tế cửa khẩu và các hình thức hợp tác kinh tế xuyên biên giới khác; ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng và năng lực thích ứng; hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững”, Thủ tướng chia sẻ.

Tại Diễn đàn, lãnh đạo các nước GMS và các định chế tài chính lớn khẳng định vị trí chiến lược của các quốc gia GMS trong tổng thể phát triển và thịnh vượng chung của Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Các phát biểu đều đánh giá cao tốc độ phát triển của khu vực GMS, cho rằng với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng, lên tới 6,1%/năm vừa qua, trong tương lai không xa, Tiểu vùng sông Mê Kông có thể trở thành một trong những vùng đất có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng, để phát triển bền vững các nước GMS cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề về bảo vệ môi trường, an ninh, hòa bình và tăng cường kết nối hạ tầng giữa các nước. Đặc biệt, cần chung tay hành động đối mặt và giải quyết những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có vấn đề việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, kết nối công nghệ số…

"Đã đến lúc các nước phải hành động cụ thể, bằng những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả thiết thực các chương trình hợp tác giữa các nước GMS”, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói.  

Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí, nhịp độ phát triển hiện nay của Tiểu vùng này có thể được nâng cao hơn nữa, thông qua tăng cường đối thoại, hợp tác và phối hợp trong các mục tiêu phát triển. Các doanh nghiệp, các tổ chức phát triển quốc tế và khu vực có vai trò quan trọng, quyết định trong thực hiện thành công các mục tiêu về đẩy mạnh phát triển khu vực.

Ngày mai, 31/3, Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ sáu sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.