Nhiều hạn chế, vướng mắc ảnh hưởng phát triển doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết quản trị doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề mà Đảng và Chính phủ đã và đang rất quan tâm. Điều này được thể hiện rõ qua các nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ về đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đã được xác định là cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Nghị quyết số 68 năm 2022 của Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế). Như vậy, để cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, nâng tầm vị thế, đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế thì việc nâng cao hiệu quả quản trị là rất cần thiết.
Tuy vậy, đối với doanh nghiệp Nhà nước, ngoài thực hiện theo khung pháp lý nói chung (tại Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập …) còn phải thực hiện theo quy định riêng của chủ sở hữu Nhà nước tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13). Điều này nhằm đảm bảo an toàn nguồn vốn, phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng nhưng trong quá trình thực thi Luật đã nảy sinh các vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến quản trị, phát triển doanh nghiệp.
Cụ thể, với doanh nghiệp Nhà nước là công ty TNHH MTV, chức năng đại diện chủ sở hữu vẫn chưa được tách bạch với chức năng quản trị hoạt động của doanh nghiệp; trong nhiều trường hợp, chủ sở hữu Nhà nước vẫn đang can thiệp quá mức vào công tác quản trị cũng như hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước là công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, việc yêu cầu người đại diện phần vốn Nhà nước trong hội đồng thành viên/hội đồng quản trị xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi ra quyết định là một quy định chặt chẽ, đảm bảo cho việc ra các quyết sách bám sát định hướng phát triển chung. Nhưng lại làm phát sinh chi phí giao dịch và phát sinh trách nhiệm giải trình của người đại diện, dẫn đến làm chậm quá trình ra quyết định quản trị, điều hành và làm ảnh hưởng đến các vấn đề cần phải giải quyết ngay hoặc có thể lỡ cơ hội đầu tư tốt như đầu tư vốn và mua sắm tài sản cố định khi đang có giá tốt... Đây cũng là hạn chế cần thiết phải nghiên cứu để tăng quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị.
Mặt khác, Luật số 69/2014/QH13 quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SXKD tại doanh nghiệp, dẫn đến chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; còn đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn Nhà nước là vốn, tài sản của Nhà nước; can thiệp trực tiếp vào hoạt động và quản trị SXKD của doanh nghiệp, gây khó khăn trong quản lý, điều hành của doanh nghiệp.
Các quy định này cũng dẫn đến doanh nghiệp thiếu chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công nên hiệu quả SXKD chưa cao như kỳ vọng. Hơn nữa, làm giảm tính chủ động, năng động của doanh nghiệp; hội đồng thành viên/hội đồng quản, kiểm soát viên không có công cụ mạnh phục vụ công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm tra, giám sát và quản trị rủi ro, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính, ảnh hưởng đến việc bảo toàn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Cùng đó, cơ chế tiền lương, thưởng không phù hợp dẫn đến khó khăn trong việc thu hút lao động chất lượng cao, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp có vốn Nhà nước với các thành phần kinh tế khác...
Luật số 69/2014/QH13 cũng chỉ quy định trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp có vốn Nhà nước với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn về kết quả, tình hình SXKD, tài chính, đầu tư mà chưa có quy định trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan của Quốc hội về nội dung doanh nghiệp đã báo cáo cũng như trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trước Quốc hội.
Đẩy mạnh phân quyền, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp
Thực hiện phân công của Chính phủ và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã chủ trì tổ chức đánh giá tổng kết thi hành Luật số 69/2014/QH13 và xây dựng hồ sơ dự án Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi).
Theo đó, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp và đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, dự thảo Luật số 69/2014/QH13 (sửa đổi) đề xuất các giải pháp để cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn nữa, có cảnh báo sớm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn sử dụng một cách hiệu quả các công cụ như: kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, ban kiểm soát và có giải pháp quản lý có hiệu quả, tạo động lực cho các nhân sự do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định... Đồng thời, quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình.
Bên cạnh đó, quy định rõ nguyên tắc, quyền và trách nhiệm của hội đồng thành viên/hội đồng quản trị cũng như của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, đảm bảo vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; việc doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp, tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn. Cùng đó bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trước hoạt động giám sát của cơ quan Quốc hội. Việc tăng cường trách nhiệm giải trình sẽ làm tăng hiệu quả công tác quản lý, giám sát vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Về cơ chế tiền lương, tiền thưởng, người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp được xác định mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng theo năm theo chính sách lương của doanh nghiệp, gắn với quy mô, mức độ phức tạp trong công tác quản lý, hiệu quả SXKD, đầu tư vốn Nhà nước và kế hoạch, nhiệm vụ do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn giao.
Cơ chế để doanh nghiệp tự quyết định chính sách tiền lương, tiền thưởng trên cơ sở gắn với năng suất lao động và hiệu quả SXKD, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường; phân định rõ tiền lương của người đại diện vốn Nhà nước với tiền lương của ban điều hành. Thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm thì người đó đánh giá và trả lương, từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp có vốn Nhà nước thu hút được lao động chất lượng cao, cạnh tranh được với các thành phần kinh tế khác.
"Các nội dung này đã được đưa riêng vào nhóm chính sách về quản trị doanh nghiệp tại dự thảo Luật 69/2014/QH13 (sửa đổi). Đây là bước đột phá so với quy định tại Luật 69/2014/QH13 hiện hành và tạo tiền đề để thực hiện quản trị doanh nghiệp Nhà nước tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản trị doanh nghiệp Nhà nước", đại diện Bộ Tài chính cho hay.
Hiện nay, trên cơ sở ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị, Bộ Tài chính đã tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật 69/2014/QH13 (sửa đổi) và đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn chỉnh Hồ sơ trước khi trình Chính phủ.
Theo đó, tại dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất 6 nhóm chính sách xây dựng Luật 69/2014/QH13 (sửa đổi), bao gồm: Chính sách 1 về quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Chính sách 2 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; Chính sách 3 về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; Chính sách 4 về sắp xếp, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Chính sách 5 về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn; Chính sách 6 về quản trị doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận