Rừng thông Đak Đoa Gia Lai
Dự án Sân golf Đak Đoa ở tỉnh Gia Lai gần đây được dư luận đặc biệt quan tâm liên quan đến việc giữ rừng hay phá rừng để triển khai dự án phát triển kinh tế.
Lo mất rừng
Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Sân golf Đak Đoa (Gia Lai) nằm trong quy hoạch này.
Theo đó, quy định mục tiêu chung là xây dựng phải bảo đảm phân bố hợp lý trên các vùng và cả nước; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, thể thao, dịch vụ của các địa phương; tạo việc làm và tăng thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững.
"Dự án Sân golf Đak Đoa sẽ được coi như là tăng thêm lực hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư tại tỉnh Gia Lai. Đây là yếu tố quan trọng trong việc phát triển dự án sân golf trên địa bàn.
Vì khi có sân golf, nó sẽ là điểm nhấn hấp dẫn giới doanh nhân, các nhà đầu tư, khi đó họ sẽ đến đầu tư nhiều hơn giúp cho tỉnh Gia Lai phát triển du lịch mạnh hơn.
Hiệu quả kinh tế trước mắt của dự án là đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua các khoản nộp ngân sách nhà nước, góp phần cải thiện kinh tế của địa phương".
Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chánh Văn phòng phụ trách UBND tỉnh Gia Lai.
Về tiêu chí hình thành sân golf nêu rất rõ là không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng.
Năm 2018, tỉnh Gia Lai phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Sân golf Đak Đoa là Công ty cổ phần FLC. Theo đó, dự án Dự án Sân golf Đak Đoa (Gia Lai) tại tỉnh Gia Lai được triển khai tổng thể trên khu đất 174,01 ha, tại các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa của huyện Đăk Đoa.
Sân golf quy hoạch có 36 lỗ, tổng chi phí thực hiện dự án trên 1.142 tỷ đồng. Dự án triển khai với thời hạn thuê đất là 50 năm. Dự án trên nằm một phần khu vực rừng thông trồng khoảng từ năm 1976, trải dài rộng khoảng 500 ha.
Với việc triển khai dự án trên, nhiều người dân bày tỏ lo ngại vì sợ mất đi rừng thông quý giá. Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chánh Văn phòng phụ trách UBND tỉnh Gia Lai cho biết, dự án sân golf được Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá tác động môi trường là phù hợp với quy hoạch triển khai dự án.
Dự án 174 ha trong tổng số 500 ha rừng hiện trạng. Nên người dân vẫn có thể tham quan, ngắm cảnh tại cánh rừng này. "Không chỉ riêng khu vực Đak Đoa mà nhiều địa phương khác và cả khu vực TP. Pleiku, Đak Đoa cũng có nhiều khu rừng thông, đồi cỏ hồng.
Còn ông Nguyễn Văn Hoan - Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, rừng thông này là rừng trồng không thuộc đất lâm nghiệp, tất nhiên không phải rừng tự nhiên. Khu vực rừng này không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.
"Khi triển khai thực hiện dự án này, tỉnh Gia Lai yêu cầu nhà đầu tư cam kết không được đốn hạ cây thông mà chỉ di thực vào các vị trí hợp lý vừa tạo cảnh quan vừa không làm ảnh hưởng đến cây.
Khi thực hiện dự án thì nhà đầu tư còn phải nộp số tiền đấu giá sử dụng đất, đồng thời thực hiện việc trả tiền để trồng rừng thay thế đối với diện tích thực hiện dự án.
Có nghĩa là Gia Lai không mất rừng mà còn nhân đôi số rừng trồng lên. Không có chuyện mất rừng như dư luận quan tâm", ông Hoan nói và cho biết thêm: "Yêu cầu di thực một số cây rừng đến vị trí hợp lý, được ghi trong điều khoản bắt buộc khi đấu giá quyền sử dụng đất của nhà đầu tư".
Gia Lai được cả kinh tế lẫn rừng!
Theo UBND tỉnh Gia Lai, quá trình thực hiện, hồ sơ dự án đầu tư Dự án Sân golf Đak Đoa được tỉnh Gia Lai thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án Sân golf Đak Đoa.
Trước đó, tỉnh cũng đã gửi văn bản xin ý kiến của các bộ ngành xin ý kiến. Về cơ bản, các Bộ ngành Trung ương ủng hộ việc triển khai dự án.
"Thực hiện dự án sẽ tạo ra quỹ đất xanh, tạo thêm các công trình công cộng, khu làm việc và dịch vụ thương mại văn minh hiện đại đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao của người dân trong huyện, trong tỉnh; người dân các tỉnh lân cận và du khách đến với Gia Lai. Tạo nên khoảng 1.000 việc làm cho nhân dân trong vùng".
Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó chánh Văn phòng phụ trách UBND tỉnh Gia Lai cho biết.
Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản gửi tỉnh Gia Lai liên quan đến việc thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng sân golf Đak Đoa.
Tổng cục Lâm nghiệp thông báo tại tờ trình tỉnh Gia Lai gửi xin thẩm định không có hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án kèm theo. Do vậy, chưa đủ cơ sở để tổ chức thẩm định hồ sơ theo quy định.
Bên cạnh đó, dự án Sân golf Đak Đoa khi xây dựng và đi vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng 174,01ha đất rừng (trong đó có 155,93ha đất rừng trồng thông từ năm 1976, trữ lượng 15.000,9m3), làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chánh Văn phòng phụ trách UBND tỉnh Gia Lai cho biết, quá trình gửi hồ sơ trước đây đã thiếu nội dung xử lý cây rừng tại dự án nên Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản nêu trên. UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giải trình đồng thời gửi lại đơn vị này nội dung còn thiếu để thực hiện thẩm định.
Nói thêm về thực hiện dự án trên, ông Lộc cho biết, Gia Lai là tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội có điểm xuất phát thấp. Sân golf Đak Đoa là một trong những dự án phù hợp với xu hướng phát triển các khu du lịch, đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh Gia Lai khẳng định: thực hiện dự án sân golf Đak Đoa vừa được lợi cả kinh tế và nhân đôi diện tích rừng tại dự án.
Ông Lý Tấn Toàn - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, Dự án Sân golf Đak Đoa sau khi được xây dựng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, giải trí tại tỉnh Gia Lai, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển, đáp ứng các nhu cầu giải trí phát triển thể lực cộng đồng, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận