Ngày 19/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra hiện trường và làm việc với chính quyền các huyện, thị xã của tỉnh Nghệ An về công tác GPMB dự án cao tốc Bắc Nam, giai đoạn 2017 - 2020.
Lắng nghe kiến nghị từ nhân dân
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam là 1 trong 2 dự án quốc gia được Quốc hội, Chính phủ giao Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn này. Riêng đối với dự án đường cao tốc, ngày 12/6, tại cuộc họp với các bộ ngành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu phải đẩy nhanh hơn nữa công tác GPMB, trong đó giao cho các ngành có các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB dự án như: Điện, thủy lợi, truyền thông... phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương kịp thời di dời. Mục tiêu đến tháng 4/2020 có thể khởi công dự án.
Thứ trưởng Nhật cũng cho biết: Để dự án thi công được thuận lợi, ít phát sinh vướng mắc thì ngay từ bây giờ phải làm tốt công tác khảo sát thiết kế. Vì vậy, tháng nào Bộ cũng cử lãnh đạo vào kiểm tra, nắm bắt tình hình từ địa phương, giải quyết các đề xuất kiến nghị của người dân.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật và thành viên trong đoàn đã lần lượt lắng nghe báo cáo tiến độ GPMB từ các huyện, nghe các ý kiến kiến nghị từ đại diện chính quyền các xã nơi có tuyến cao tốc đi qua.
Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hiện các xã đã nhận bàn giao 100% mốc GPMB từ Ban QLDA 6. Huyện đang cho triển khai trích đo, trích lục. Dự kiến ngày 25/7 sẽ thực hiện xong công tác này. Song song với đó, huyện cũng đang triển khai GPMB làm khu tái định cư. Huyện dự kiến 30/12/2019 sẽ hoàn thành công tác đền bù GPMB đối với đất sản xuất; 30/3/2020 đền bù di dời xong phần đất ở; 30/9/2020 hoàn thành khu tái định cư và bàn giao 100% mặt bằng cho dự án.
“Huyện xác định đây là công trình cấp bách mang tầm cỡ quốc gia, thời gian GPMB ngắn nên đề nghị Bộ, tỉnh xem xét cho thực hiện chỉ định thầu đối với công tác di dời tái định cư công trình công cộng để giảm thời gian làm thủ tục. Ngoài ra, với phần diện tích thừa sau GPMB, nếu phần diện tích còn lại <100m2 thu hồi, bồi thường theo quyết định của tỉnh, còn lớn hơn 100m2 nhưng gặp khó khăn về sản xuất thì cho dồn điền đổi thửa để nhân dân yên tâm sản xuất” - ông Quý đề xuất.
Chủ tịch UBND xã Diễn Yên, Diễn Châu - Dương Đăng Hoàng, kiến nghị: Bộ nghiên cứu điều chỉnh thiết kế cầu vượt ở vị trí cắt QL48 thành hầm chui dân sinh. Vì cách vị trí dự kiến làm cầu vượt chưa đầy 2km đang có cầu vượt Yên Lý bắc qua QL1. Nếu tiếp tục làm cầu vượt ở QL48 sẽ gây khó khăn cho đi lại của nhân dân, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH địa phương, nhân dân đã có đơn thư kiến nghị.
Ông Hồ Minh Mậu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu, thì lo ngại: Địa hình địa phương là vùng bán sơn địa, thường xuyên xảy ra ngập úng khi mưa lớn kéo dài. Làm đường cao tốc sẽ hình thành “con đê” chắn dòng chảy, hệ thống thoát nước, gây nguy cơ ngập úng trong mùa mưa lũ. Đề nghị quá trình thi công, nếu phát hiện vấn đề phát sinh, Bộ cho phép được đề xuất chỉnh sửa thiết kế.
Ngoài các nội dung trên, đại diện các địa phương còn kiến nghị bổ sung hệ thống chống ồn đối với đoạn đi qua khu dân cư, cống, hầm chui dân sinh và đường gom để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, sản xuất. Đề nghị tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở đẩy nhanh quá trình duyệt hồ sơ cho địa phương.
Lập mẫu, “sổ tay” giải phóng mặt bằng cao tốc
Về tiến độ GPMB dự án, ông Nguyễn Đức An - Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An báo cáo: “Qua theo dõi, Sở thấy rằng các địa phương vào cuộc rất quyết liệt. Đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác lập, duyệt trích lục, trích đo. Với tiến độ triển khai như hiện nay, chắc chắn đến hết Quý I/2020 sẽ bàn giao được toàn bộ 79km đất nông nghiệp, Quý II/2020 bàn giao xong phần còn lại”. Ông An cũng đề nghị Ban QLDA 6 sớm đẩy nhanh tiến độ cắm mốc lộ giới, tiếp tục giải quyết các kiến nghị của địa phương, từ đó nghiên cứu đưa ra phương án điều chỉnh thiết kế phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Lê Hồng Vinh nhấn mạnh: Đây là dự án hiếm hoi mà ngay từ quá trình thiết kế người dân đại phương đã được tham gia góp ý. Vì vậy, chính quyền các xã, huyện phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban QLDA, các đơn vị tư vấn để rà soát kỹ lưỡng, tránh những hệ lụy sau này. Các Sở ngành lưu ý ưu tiên hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai GPMB, lập hồ sơ xây dựng khu tái định cư và GPMB dự án. Quan điểm của tỉnh là khi bồi thường GPMB phải áp dụng khung chính sách tối đa cho người dân. Thậm chí, Sở TN&MT đứng ra chủ trì, phối hợp với các sở, địa phương lập mẫu chung, “sổ tay” hướng dẫn GPMB để tất cả các địa phương cùng thực hiện.
Ghi nhận những ý kiến kiến nghị từ các xã và đánh giá cao cách làm, sáng kiến của tỉnh, Thứ trưởng Nhật cho rằng: Các ý kiến, kiến nghị của địa phương đều xuất phát từ thực tiễn, vì vậy Ban QLDA 6 và các đơn vị tư vấn phải lắng nghe, xem xét và có những điều chỉnh trong thiết kế cho phù hợp. Thứ trưởng cũng đồng ý việc nghiên cứu bổ sung các cống chui, cống thủy lợi dưới cao tốc; đồng ý việc thiết kế bổ sung hệ thống chống ồn ở đoạn qua khu dân cư, gần trường học; tăng cường thêm các tuyến đường gom... Tuy vậy, Thứ trưởng cũng lưu ý các sở, ngành địa phương khi thực hiện phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật. Nên xây dựng, ban hành một mẫu chung, “sổ tay” nhất quán về GPMB cho tất cả địa phương thực hiện, đảm bảo đúng quy trình, quy phạm.
“Đường găng GPMB ở đây là làm khu tái định cư. Có đất di dân bên đó thì mới làm bên này được. Các Hội đồng GPMB huyện lưu ý làm nhanh công tác di dời công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật. Đây là chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ, Bộ cũng đang phối hợp với các bộ ngành để thực hiện. Mục tiêu tháng 4/2020 tiến hành khởi công dự án” - Thứ trưởng Nhật nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận