Phối cảnh một trong 4 cửa lên xuống của ga ngầm C9 - Nguồn: MBR |
Dù dư luận, trong đó có nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại và không đồng thuận việc đặt ga gầm đường sắt cạnh hồ Gươm, tuy nhiên UBND TP Hà Nội vẫn giữ quan điểm và cho rằng, việc xây dựng không gây ảnh hưởng đến di tích đặc biệt quan trọng này...
Bộ VH, TT&DL chưa báo cáo Thủ tướng
Thời gian qua, việc quy hoạch nhà ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cạnh hồ Gươm khiến dư luận, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực xây dựng, văn hóa lo ngại; đồng thời đề nghị Hà Nội không xây dựng ga ngầm nói trên để tránh gây tổn hại đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt hồ Gươm và đền Ngọc Sơn.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng vào tháng 8/2018 cho rằng, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu “không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô”.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng, không nên xây trực tiếp ga ngầm ở ven hồ Gươm như hiện nay, mà chọn vị trí khác lùi xa Bờ Hồ hơn, sau đó có lối nhánh đi lên Bờ Hồ. “Ở các nước trên thế giới, khi xây ga ngầm ở các điểm di tích lịch sử, văn hóa họ làm lối nhánh hàng trăm mét để khách đi lên tham quan, nghỉ ngơi”, TS. Liêm nói.
TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN cũng cho rằng, có những mảnh đất địa linh nhân kiệt, gắn liền với lịch sử, truyền thống thì không được xâm phạm. “Các nước khác cũng như vậy. Tất cả các khu vực như trên đều không được xây dựng công trình cao tầng bên trên hay đi ngầm ở dưới. Tuyến đường sắt ngầm và ga C9 nên cách xa Hồ Gươm”, TS. Long nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét việc xây dựng ga C9 cạnh Hồ Gươm. Ủy ban này cho rằng, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô.
Tuy vậy, tháng 10/2018 vừa qua, UBND TP Hà Nội khẳng định thiết kế ga ngầm C9 hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô.
UBND TP Hà Nội khẳng định, ga ngầm không vi phạm Luật Di sản văn hóa và đề nghị Thủ tướng “xem xét lại các ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL tiếp tục xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để dự án được tiếp tục triển khai.
Theo thông tin của PV Báo Giao thông, ngày 25/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có văn bản yêu cầu Bộ VH, TT&DL xem xét kiến nghị trên của Hà Nội và báo cáo Thủ tướng. Tuy nhiên đến nay, Bộ này chưa có văn bản báo cáo Thủ tướng.
Đại biểu Quốc hội lo xâm phạm di tích hồ Gươm
Mới đây nhất, đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu trên nghị trường Quốc hội tiếp tục cho rằng, các dự án kiến trúc gần đây còn nặng về giá trị kinh tế và lợi ích cục bộ hơn là bản sắc văn hoá. Đặc biệt, vừa qua nhiều công trình kiến trúc di sản văn hóa có thể bị xâm phạm.
Dẫn chứng cụ thể trường hợp ga tàu điện gầm C9, ông Hùng bày tỏ lo ngại việc xây dựng ga tàu điện ngầm C9 sẽ xâm phạm di tích Hồ Gươm. “Không ai dám khẳng định khi thi công và vận hành đường tàu này có gây sụt lở ảnh hưởng đến cụm di tích Hồ Gươm hay không”, ông Hùng nêu.
Hội thảo riêng về ga ngầm C9 Ga ngầm C9 được dự kiến quy hoạch nằm bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vỉa hè Điện lực Hà Nội. Ga nằm dưới lòng đất sâu 25m, đỉnh ga đến mặt đất 5m, dài 150m, rộng 21m. Nhà ga có 4 cửa lên xuống, trong đó một cửa ga trên vỉa hè cạnh Hồ Gươm thay thế cửa hàng và nhà vệ sinh công cộng hiện tại. Nếu được phê duyệt, năm 2019 sẽ đấu thầu thiết kế chi tiết và thi công; khởi công đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2024. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Trung Hiếu, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, sang tuần sẽ có một hội thảo về quy hoạch vị trí ga ngầm C9 gần Hồ Gươm. Ngoài các cơ quan, đơn vị, Ban tổ chức sẽ mời các chuyên gia có ý kiến phản đối tham dự để cung cấp thêm thông tin và trao đổi các vấn đề liên quan. |
Cũng theo ông Hùng, cụm di tích ở Hồ Gươm được coi như trái tim của cả nước. Theo khoa học, địa lý đây là long mạch giữ ổn định và thịnh vượng cho quốc gia, được công nhận là di sản cấp quốc gia đặc biệt. Trong khi đó, khu vực này dự kiến có đường tàu điện ngầm C9 rất cao và to trên 20m, đỉnh nóc cách cụm di tích Đài Nghiên, Tháp Bút vài mét. Đặc biệt nhà ga này nằm trong vành đai 2 được bảo vệ bởi Luật Di sản. Dự kiến, sau khi hoàn thành có 5.000 người đổ về đây…
“Như vậy, có giữ được cảnh quan của di sản cấp quốc gia đặc biệt này hay không”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Ngày 15/11, ông Lê Trung Hiếu, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cho biết, hiện đang chờ ý kiến chính thức của Bộ VH,TT&DL nên đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có đặt ga C9 tại vị trí dự kiến như trên hay không. Trước đó, trong các văn bản của Bộ VH,TT&DL nêu một số vấn đề kỹ thuật cần lưu ý đối với ga gầm C9 và dự án đều có thể xử lý được.
“Nhà ga C9 chỉ có một phần lọt vào vùng II (tiếp giáp khu vực bảo vệ vùng I) của di sản văn hóa và được phép xây dựng công trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Công trình ga C9 góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Vì vậy, theo Điều 32, Luật Di sản văn hóa, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL có thẩm quyền đồng ý hoặc không đối với việc xây dựng công trình trên”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, vị trí ga C9 có ý nghĩa với hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, kết nối với ga của tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi (số 1) và Nhổn - ga Hà Nội (số 3). Việc kết nối sẽ giúp tăng lưu lượng vận chuyển gấp 10 lần so với hoạt động tuyến đơn lẻ.
Theo ông Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt VN, các cơ quan liên quan nên ngồi lại với nhau để tìm giải pháp phù hợp nhất. “Cơ quan chức năng của Hà Nội bảo vệ ý kiến của mình chắc hẳn phải nắm rõ căn cứ pháp luật. Luật cũng do mình làm ra, nếu không phù hợp cũng có thể sửa. Ngoài luật còn có các giá trị văn hóa, tâm linh, vì vậy các bên nên ngồi lại với nhau để tìm giải pháp phù hợp”, ông Phong nêu ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận