Cầu bất ngờ đổ sập
Đến tối 9/9, tại khu vực cầu Phong Châu (Phú Thọ), mưa bắt đầu nặng hạt, nước dưới sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy từ thượng nguồn về. Hai bên bờ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân tự vệ… chạy đua với thời gian rà soát mọi gốc cây, bụi cỏ ở cả phía thượng lưu và hạ lưu cầu để tìm kiếm nạn nhân trong vụ sập cầu.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ.
Ở hai đầu cầu, hàng nghìn người dân vẫn đội mưa đứng chờ để dõi theo, mong một phép màu đến với các nạn nhân. Nhiều người khóc ngất, trình báo người thân mất tích vì trước đó có lộ trình đi qua cầu vào thời điểm cầu sập, đến nay vẫn chưa liên lạc được.
Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Trong công điện, người đứng đầu Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ.
Thủ tướng yêu cầu Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn.
Trước đó, vào khoảng 10h sáng cùng ngày, hai nhịp cầu thuộc phía đầu huyện Tam Nông (Phú Thọ) bất ngờ đứt gãy, đổ sập xuống sông. Thời điểm xảy ra sự cố, có nhiều phương tiện đang lưu thông trên cầu. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định có 2 xe máy, 5 ô tô và hơn 10 người đã rơi xuống sông, 3 người may mắn được cứu sống.
Cầu Phong Châu sau sự cố ngày 9/9. Ảnh: Tạ Hải.
Ông Phan Trường Sơn, trú tại khu 10 Hương Nội, Tam Nông, Phú Thọ - một nạn nhân bị rơi xuống sông may mắn thoát chết bàng hoàng kể lại, khi ông đang di chuyển trên cầu hướng từ Tam Nông sang Lâm Thao, đến giữa cầu, ông cảm thấy cầu rung lên rồi kèm theo tiếng rầm rầm phía sau lưng. Cứ nghĩ là có xe tải chở nặng đang đi qua, nhưng chưa kịp quay lại xem thì bất ngờ cả người và xe rơi xuống sông.
"Cú rơi từ trên cầu xuống khiến cả người và xe của tôi gần như chạm đáy sông. Ban đầu tôi khá hoảng loạn, nghĩ mình sẽ chết, nhưng sau đó tôi nhanh chóng bình tĩnh lấy hết sức ngoi lên khỏi mặt nước. Lúc lên đến mặt nước, tôi gần như kiệt sức", ông Sơn nhớ lại.
Theo ông Sơn, lúc đó, xung quanh không một ai, chỉ có ông ngoi lên khỏi mặt nước. Cố định thần, ông bơi một đoạn thì thấy một cây chuối trôi nên bám vào, rồi kêu cứu. May mắn một chiếc thuyền cứu hộ đi qua đã giải cứu, đưa ông vào viện.
Ngoài ông Sơn, còn có 2 thanh niên cùng với xe máy may mắn gác lại trên trụ cầu, được người dân và lực lượng chức năng kịp thời ứng cứu.
Tập trung cứu nạn, khắc phục sự cố
Ngay sau khi nhận được tin báo, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ GTVT, Quốc phòng, Công an, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã lập tức đến hiện trường để chỉ đạo triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục sự cố.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang báo cáo tại cuộc họp do Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì ngày 9/9.
Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng công an, quân đội, giao thông, dân quân tự vệ… cùng với nhiều phương tiện, thiết bị đã được huy động. Tuy nhiên, do nước dưới sông Hồng chảy xiết, lưu lượng quá mạnh nên chưa thể triển khai phương tiện, lực lượng ra giữa sông để tìm kiếm cứu nạn.
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, cùng với việc huy động lực lượng rà soát hai bên bờ sông, đơn vị đã dùng flycam bay dọc tuyến để tìm kiếm người mất tích.
Trong khi đó, Thiếu tướng Trần Văn Bắc, Phó Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc phòng thông tin: Ngay khi nhận được tin báo, Quân khu 2 đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng có mặt tại hiện trường, hợp đồng với các lực lượng khác triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn. Về phương án tổ chức giao thông tạm, quân khu sẽ triển khai thi công cầu phao ngay khi Bộ Quốc phòng cho phép.
Trước mắt làm cầu phao cố định
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang bày tỏ đồng tình với phương án của tỉnh Phú Thọ, trước mắt đảm bảo an toàn tìm kiếm cứu hộ. Chỉ khi điều kiện thời tiết cho phép mới có thể triển khai tìm kiếm cứu nạn.
Cầu Phong Châu sau sự cố không thể sửa chữa, cần làm cầu mới thay thế. Ảnh: Tạ Hải.
Về phương án tổ chức giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, trước mắt, có 2 phương án là sử dụng phà hoặc làm cầu phao: "Tuyến đường sông này ít phương tiện thủy qua lại nên chúng tôi đề xuất làm cầu phao cố định. Còn về lâu dài, chắc chắn phải làm cầu mới, không thể sửa chữa cầu cũ. Cầu Phong Châu là cầu huyết mạch, cần xây cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con".
Cầu Phong Châu vượt sông Hồng, nằm ở lý trình Km 18+300, quốc lộ 32C, kết nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông của tỉnh Phú Thọ. Cầu được thi công bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu.
Cầu có chiều dài 375,36m, với tổng cộng 8 nhịp gồm các nhịp dầm bê tông cốt thép và các nhịp dàn thép. Tổng bề rộng mặt cầu là 9,5m, trong đó phần đường xe chạy là 7m, lề cho người đi bộ mỗi bên rộng 1m. Cầu Phong Châu được đưa vào khai thác năm 1995. Thời gian gần đây nhất cầu được duy tu, sửa chữa là vào các năm 2013, 2019 và 2023. Sự cố sập cầu sáng 9/9 đã kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7).
Trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu tỉnh Phú Thọ và các bộ, ban, ngành tập trung một số vấn đề: Tổ chức cấm đường, trực gác khu vực nguy hiểm; làm biển cảnh báo và chỉ dẫn đường tránh cho các phương tiện lưu thông trên đường có lộ trình phù hợp, an toàn; thông tin rộng rãi để cho người dân nắm được lộ trình này.
Phó thủ tướng chỉ đạo rà soát bên bờ và phía hạ lưu của cầu, thấy người là ứng cứu ngay. Khi điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn, huy động toàn bộ phương tiện, thiết bị triển khai tìm kiếm trên diện rộng.
Cơ quan chức năng triển khai ngay làm cầu phao hoặc phà, phương án nào cũng cần đảm bảo an toàn trên hết. "Bộ GTVT triển khai lập dự án và các thủ tục đầu tư để sớm có thể triển khai thi công cầu cứng, vì để xây dựng 1 cầu cứng cần rất nhiều thời gian. Cùng với đó, là đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân khiến cây cầu bị sập", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Phó thủ tướng yêu cầu chính quyền, đoàn thể tỉnh Phú Thọ tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị thương đang điều trị và thân nhân, gia đình có nạn nhân gặp nạn. Triển khai sơ tán, di dời ngay những gia đình nằm trong vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Các y, bác sĩ tập trung mọi nguồn lực, thiết bị cứu chữa, điều trị kịp thời cho các nạn nhân bị thương trong vụ sập cầu.
Cấm phương tiện qua 3 cầu Phong Châu, Trung Hà và Tứ Mỹ
Chiều 9/9, Cục CSGT cho biết, do ảnh hưởng bão số 3 Yagi, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến quốc lộ qua tỉnh Phú Thọ gặp nhiều thiệt hại, nhất là địa bàn huyện Tam Nông.
Cụ thể, cầu Phong Châu bị sự cố gãy trụ T7 và sập 2 nhịp từ trụ T6 đến trụ T8 khiến giao thông gián đoạn; cầu Tứ Mỹ đang sửa chữa có dấu hiệu xói lở trụ cầu. Còn cầu Trung Hà cũng bị hư hỏng, xói lở trụ cầu và đang sửa chữa.
Từ 16h ngày 9/9, để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn, sẽ cấm toàn bộ phương tiện xe cơ giới lưu thông qua cầu Tứ Mỹ, cầu Trung Hà và cầu Phong Châu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận