Y tế

Xây trạm cấp cứu trên đường cao tốc: Chuyên gia đề xuất gì?

02/11/2022, 11:36

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở Việt Nam rất cao, trong đó có TNGT, đa phần nạn nhân đều chậm trễ cấp cứu ngoại viện.

Thiếu trạm cấp cứu trên đường cao tốc

Tại các tuyến cao tốc Việt Nam như tuyến Pháp Vân – Ninh Bình, TP.HCM -Trung Lương thường xuyên xảy ra TNGT, các vụ tai nạn đều gây thương tích cho nạn nhân và gây ùn tắc kéo dài. Đặc biệt, cao tốc TP.HCM - Trung Lương có mật độ giao thông cao do nằm ở cửa ngõ TP.HCM.

img

Nhiều vụ TNGT xảy ra trên đường cao tốc

Theo Thông tư số 49/2016 của Bộ Y tế quy định về việc tổ chức và hoạt động cấp cứu TNGT trên đường bộ cao tốc của Bộ Y tế bắt đầu có hiệu lực thi hành từ năm 2017. Theo đó, hoạt động cấp cứu TNGT trên các tuyến đường cao tốc phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng và hiệu quả, cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất.

Mạng lưới cơ sở phục vụ hoạt động cứu nạn trên đường cao tốc gồm các trạm được tổ chức như sau: Trạm cấp cứu được tổ chức lồng ghép với trạm thu phí, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sẵn gần tuyến đường cao tốc đi qua. Khi xảy ra TNGT, Trung tâm Điều hành giao thông tuyến thông báo ngay tên, tuổi, địa chỉ (nếu có), mô tả tình trạng sơ bộ của người bị TNGT với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời tiến hành sơ, cấp cứu và chuyển ngay người bị nạn tới cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất.

Tuy nhiên, sau 5 năm đến nay việc xây dựng mạng lưới cơ sở phục vụ cấp cứu TNGT trên đường cao tốc vẫn chưa được triển khai.

Theo PGS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, qua thực tế khâu cấp cứu ban đầu ngoại viện ở Việt Nam còn trống đặc biệt là cấp cứu ban đầu cho nạn nhân TNGT trên các tuyến giao thông huyết mạch.

Với mạng lưới giao thông đường cao tốc ngày càng tăng, lưu lượng xe ô tô tham gia giao thông ngày càng nhiều, PGS. Nam đề xuất chúng ta nên xây dựng trạm cấp cứu trên các tuyến cao tốc đặc biệt là các tuyến cao tốc có lưu lượng tham gia giao thông lớn, dài. Bởi các đường cao tốc thường ở khu vực thưa dân cư khi cần cấp cứu rất khó.

Cần xây các trạm nhỏ cấp cứu ban đầu

Nếu xây dựng trạm cấp cứu, PGS. Nam cho rằng chỉ cần trạm nhỏ không cần xây dựng trạm xá, bệnh viện. Khi có tai nạn xảy ra chúng ta cần sơ cứu ban đầu để chờ xe cứu thương, bệnh viện gần nhất tới cứu nạn nhân. Các trạm cấp cứu này làm nhiệm vụ là sơ cấp cứu ban đầu như cấp cứu ngừng tuần hoàn, cấp cứu các chấn thương băng bó, garo…

img

Cần huy động và tập huấn cho lực lượng cứu hộ và người dân kỹ năng sơ cấp cứu TNGT

Cũng theo PGS. Nam, ở nước ngoài khi xây dựng trạm cấp cứu ngoại viện họ ít sử dụng nhân viên y tế mà sử dụng lực lượng cứu hộ, bởi vì nếu rải bác si để làm sơ cấp cứu ban đầu sẽ không có đủ nhân lực để làm. Lực lượng này được đào tạo sơ cấp cứu ban đầu chuyên nghiệp.

Tại Việt Nam, nếu xây dựng trạm cấp cứu trên đường cao tốc, PGS. Nam cho rằng chỉ cần sử dụng nhân lực là lực lượng cứu hộ, và cần đào tạo thêm lực lượng này.

Khi thực hiện, các cơ quan chức năng cần khảo sát thực tế rất kỹ về khoảng cách, ranh giới các tỉnh, thành. Khoảng cách đặt các trạm cấp cứu từ 40 – 50 km là phù hợp. Các nước trên thế giới cũng đặt mức 50 km.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.