Liên hệ tới Báo Giao thông, bạn đọc Nguyễn Văn Hào (Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ, mấy hôm trước, sau khi lấy chiếc xe bị tạm giữ vì vi phạm giao thông về, thì thấy xe có dấu hiệu hư hỏng.
"Xin hỏi, ai có trách nhiệm quản lý và bảo quản phương tiện vi phạm giao thông trong thời gian xe của tôi bị tạm giữ?", bạn Hào thắc mắc.
Trả lời nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, tạm giữ phương tiện giao thông là một trong những biện pháp ngăn chặn sự tiếp tục vi phạm của người vi phạm, đảm bảo hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, thì người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ cho đến khi bàn giao cho người quản lý, bảo quản.
Người quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản phương tiện.
Trường hợp phương tiện bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người quản lý, bảo quản phải chịu trách nhiệm trước người ra quyết định tạm giữ, chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Như vậy, trường hợp cảnh sát giao thông (CSGT) ra quyết định tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm thì phải có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện từ khi tạm giữ cho đến khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp có xảy ra hư hỏng, mất mát thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại", ông Bình nói.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết thêm, nếu CSGT giao cho cá nhân, đơn vị nào đó bảo quản, quản lý phương tiện tạm giữ thì đơn vị, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm với CSGT nếu xảy ra hư hỏng, mất mát.
Do đó, người vi phạm giao thông khi nhận xe bị tạm giữ mà thấy có hư hỏng, mất mát thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận