Món quà từ Nhật Bản
Ngày 9/9, trao đổi với Báo Giao thông đại diện lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT, UBND huyện Cát Hải cho biết đang cử cán bộ xác minh thông tin chiếc xe buýt điện (Evbus) chạy năng lượng mặt trời (thành quả của chương trình hợp tác Việt Nam - Nhật Bản) thời gian gần đây không được vận hành như trong kế hoạch của chương trình hợp tác.
Trước đó, đầu tháng 9/2019 Công ty TNHH thương mại Quốc Hưng (đơn vị được giao quản lý, vận hành xe điện Evbus) có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến UBND TP Hải Phòng, Công an thành phố cùng các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí phản ánh về việc xe buýt điện cùng hệ thống trạm năng lượng mặt trời phục vụ xe buýt điện (EVbus) bị vô cớ nhốt lại.
Dự án xe buýt điện Evbus là 1 trong 15 dự án phát triển xanh mà TP Hải Phòng phối hợp với thành phố Kytakyshu (Nhật Bản) triển khai.
Ngày 10/2/2017, UBND TP.Hải Phòng tổ chức hội nghị công bố kết quả thử nghiệm xe điện Av bus trên đảo Cát Bà.
Tại buổi lễ này, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản thống nhất giao Công ty Thương Mại Quốc Hưng hợp tác với công ty Soft Energy Control Inc (SECI) triển khai dự án xe buýt điện. Theo đó, thành phố Kitakyushu bàn giao cho Hải Phòng 1 xe điện cùng hệ thống điện năng lượng mặt trời trị giá gần 10 tỷ đồng (đây là chiếc xe buýt điện chạy năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam).
Ngay sau khi triển khai dự án, tháng 2/2017 Sở GTVT Hải Phòng cấp phép cho xe buýt EV được chạy thử nghiệm đưa đón khách miến phí với tần suất 4 chuyến 1 ngày. Chiếc xe buýt hiện đại với sức chứa 50 người đã được đưa vào vận hành phục vụ vận chuyển miễn phí trên đảo Cát Bà ngay sau đó.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân và du khách không còn thấy sự xuất hiện của chiếc xe buýt này nữa.
Xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam bị "giam lỏng"
Đại diện Công ty TNHH thương mại Quốc Hưng cho biết, việc chạy thử nghiệm xe buýt diễn ra bình thường cho tới ngày 15/5/2019 thì lái xe và các kỹ thuật viên không thể tiếp cận được xe cũng như hệ thống trạm điện năng lượng. Lý do là đường vào khu vực để xe và trạm điện đã bị rào lại bằng hàng rào thép.
Cụ thể, dự án xe buýt điện EV đặt bãi xe cũng như hệ thống điện mặt trời, trạm tiếp nhiên liệu… tại Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của Công ty Quốc Hưng tại xã Hiền Hào, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng.
Theo đại diện Công ty Quốc Hưng, ngày 15/5/2019, ông Nguyễn Ngọc Bình, SN 1955, là người không liên quan đến dự án khu du lịch sinh thái nói trên, đã xây dựng tường rào nhốt xe cùng trạm năng lượng, không cho lái xe và kỹ thuật tiếp cận với xe để chạy thử nghiệm. Hiện dự án xe buýt điện AV đang rơi vào tình thế tê liệt hoàn toàn, các thiết bị hiện đại không được vận hành, bảo trì trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại đảo Cát Bà có thể dẫn tới hư hỏng hoàn toàn. Không những vậy, điều này còn làm ảnh hưởng tới uy tín của thành phố Hải Phòng với đối tác Nhật Bản.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Hiền Hào cho biết, tháng 5/2019, xã tiếp nhận thông tin từ Công ty Quốc Hưng và một số người dân về việc ông Nguyễn Ngọc Bình tự ý làm hàng rào chặn cổng lại, UBND xã Hiền Hào đã yêu cầu ông Bình phá bỏ hàng rào.
Tuy nhiên, tường rào vẫn không được ông Bình phá bỏ, xe buýt điện cũng không thể đưa ra được, hiện vẫn đang bị "nhốt" trong khu du lịch. "Chúng tôi không biết giữa ông Bình với Công ty Quốc Hưng có mâu thuẫn gì, tuy vậy họ cần giải quyết mâu thuẫn trong khuôn khổ pháp luật, hành vi rào cổng lại của ông Bình là không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu ông Bình phá bỏ hàng rào này, nếu ông ấy vẫn không chịu phá bỏ, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để có biện pháp xử lý", ông Tuân khẳng định.
Trước câu hỏi: ông Nguyễn Ngọc Bình là ai? Có hộ khẩu tại địa phương không?, ông Tuân cho biết: "Ông Bình không có hộ khẩu tại xã Hiền Hào, được biết ông ấy vốn là cán bộ Thanh tra Chính phủ đã về hưu".
Trong khi đó, có thông tin cho rằng, vợ ông Bình có cổ phần trong Công ty Quốc Hưng, giữa bà này và Công ty đang xảy ra một số tranh chấp.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận