Điều tra: Cắn răng chi trăm triệu mua “lốt” xuất nông sản qua cửa khẩu
Xe qua cửa khẩu nhanh hay chậm: Nhờ nhà luật!?
Theo điều tra của PV Báo Giao thông, mỗi xe xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu ở Lạng Sơn ngoài việc chi tiền “làm luật” hàng chục triệu đồng, chủ hàng muốn được thông quan nhanh còn phải chỉ cả trăm triệu đồng để mua “lốt”.
Theo quy định, tại các cửa khẩu biên giới, các tài xế chở hàng phải ăn, nghỉ trên xe hoặc đến khu cách ly tập trung tại cửa khẩu để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó, chủ xe, chủ hàng cũng không thể đến tận nơi để hoàn thiện thủ tục thông quan, xuất khẩu hàng hóa. Vì thế, việc xuất khẩu nhanh hay chậm đều trông chờ vào các “nhà luật” (một dạng “cò” thủ tục hành chính).
Nhiều xe nông sản quay đầu về TP Lạng Sơn chờ "giải cứu" vì không thể xuất khẩu qua biên giới.
Lợi dụng việc thông quan khó khăn hơn so với trước đây, khoản tiền “làm luật” đã bị các “nhà luật” đẩy từ mức 6- 8 triệu đồng (như thường lệ) lên tới vài chục triệu đồng. Các lái xe, chủ xe không còn cách nào khác là buộc phải chấp nhận.
Đáng chú ý, chủ hàng muốn thông quan nhanh còn phải chi cả trăm triệu đồng để mua “lốt”. Xe nào mua “lốt” thì được lên cửa khẩu sớm hơn, còn không phải nằm chờ, có khi thời gian chờ đến lượt thông quan lên tới hơn 20 ngày.
Thông tin trao đổi và nội dung chuyển tiền của "nhà luật" và tài xế tại Cửa khẩu Hữu Nghị.
Chẳng hạn, với 1 xe chở mít hay chở thanh long, nếu xe được thông quan sớm thì chủ hàng lãi lớn vì bên kia biên giới đang khan hàng. Còn nếu để 20 ngày hay 1 tháng sau mới đến lượt, lúc đó hàng sẽ bị thối, hỏng, ảnh hưởng chất lượng dù được bảo quản lạnh đến mấy.
Chính vì điều này mà nhiều chủ hàng chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để được sớm lên cửa khẩu.
Thời gian cao điểm với cả nghìn xe container xếp hàng, thì việc mua được “lốt” cũng không phải dễ và giá đương nhiên cũng rất cao, có khi tới hơn cả 100 triệu đồng.
Đối với cánh tài xế, chủ xe hay chủ hàng, việc giao dịch với đại diện “nhà luật” không lạ. Nhưng với nhiều người, những đối tượng này là khá bí ẩn. Vậy “nhà luật” là những ai?
Bảng kê khai tiền luật và nội dung chuyển khoản cho "nhà luật" tại Cửa khẩu Hữu Nghị.
Thay tài xế, chủ xe làm thủ tục cho xe xuất hàng
Trong vai chủ hàng và chủ xe cần nhờ làm thủ tục xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, những ngày gần đây, chúng tôi đã đến khắp các bến bãi tại cửa khẩu Lạng Sơn.
Có mặt tại dốc Quýt, chúng tôi được một cán bộ tại Trạm kiểm soát liên ngành tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, hàng ngày, tại khu vực này có khoảng 10 “nhà luật”, trong đó có cả người nhà của một số cán bộ đang công tác tại Trạm liên ngành làm nhiệm vụ đón xe, nhận hồ sơ làm thủ tục thông quan, hỗ trợ lái xe.
Sau khi thỏa thuận các chi phí liên quan, những người này sẽ kết nối với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu để hoàn thành các thủ tục hải quan, kiểm dịch theo quy định cho xe xuất hàng. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay.
Cũng theo vị cán bộ này thì một số “nhà luật” cho biết dịp này việc thông quan hàng hóa rất khó khăn vì số lượng xe ùn ứ tại cửa khẩu quá đông, “nhà luật” phải “mua lốt” cả bên Việt Nam và Trung Quốc cho xe hàng đi qua nên chi phí lớn, không phải ai cũng thực hiện được.
"Nhà luật" cũng bị hất chân
Liên hệ với một số “nhà luật” tại Lạng Sơn, những người này thừa nhận có tình trạng mua bán “lốt” xe nhưng cho biết: họ chỉ hợp đồng với chủ hàng Việt Nam và Trung Quốc là người quen, đã được báo trước số xe, ngày vận chuyển cụ thể.
“Anh cứ hỏi chủ hàng của mình thì khác biết đã liên hệ, hợp đồng với “nhà luật” nào. Các khoản này chủ hàng 2 bên phải thỏa thuận trước xem mức đóng góp của các bên thế nào.
Khi xe ra đến Lạng Sơn tài xế phải liên hệ với “nhà luật” do chủ hàng ấn định mới được giải quyết”, một “nhà luật” nói.
Qua người quen giới thiệu, chúng tôi được H.V.T, một “nhà luật” đón tại cổng vào Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
T chia sẻ: “Hàng ngày bọn em vẫn tổ chức cử người đón xe, trực tiếp thỏa thuận với các tài xế về mức thù lao được hưởng khi hoàn thành thủ tục”.
Theo T., do lái xe không thể bỏ xe để đi làm thủ tục nên họ nhờ T. và các “nhà luật” khác đi làm thủ tục giúp. Tùy vào số lượng thủ tục liên quan, “nhà luật” và lái xe sẽ thỏa thuận trước mức thù lao, thường thì chỉ từ 500.000 - 1.000.000 đồng/xe.
Ngoài ra, tài xế còn phải trả thêm các khoản tiền thuế, phí liên quan như lệ phí mở tờ khai hải quan, phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu, kiểm dịch, lái xe chuyên trách Việt Nam và Trung Quốc... với tổng mức tiền khoảng 8 triệu đồng/xe.
“Mỗi ngày, 1 người làm luật có thể hoàn thiện thủ tục từ 10 -15 xe nông sản, trừ tất cả chi phí phải nộp và “cảm ơn” các lực lượng và bến bãi tại cửa khẩu, mỗi ngày chúng em vẫn bỏ túi từ 2-3 triệu đồng/người.
Biên nhận đã nhận đủ số tiền luật là hơn 14,5 triệu đồng của "nhà luật" tại Cửa khẩu Tân Thanh.
Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, có khoảng 4, 5 “nhà luật” từ nơi khác đến đã nâng mức thu “luật” tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh lên cả chục triệu đồng.
Sau đó, chỉ những xe do những người này nhận luật, làm thủ tục mới được “ưu tiên” xuất hàng sang Trung Quốc nên thu hút nhiều chủ hàng Việt Nam và Trung Quốc.
Những xe nhận tiền luật ít như chúng em thì vẫn cứ chờ mãi tại cửa khẩu nên dần mất uy tín, không còn khách hàng nên rơi vào cảnh thất nghiệp vì không xuất được hàng”, T. nói.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận