Xe Tùng Nam BKS 99LD - 006.49 chở 100 tấn trong khi chỉ được chở chưa tới 30 tấn (Trong ảnh: Xe Tùng Nam chở quá tải đỗ dỡ hàng tại phố Trẹm, Trạm Lộ, Thuận Thành, Bắc Ninh - chụp lúc 14h, ngày 18/7). Ảnh: Anh Đức |
Dù đã ký cam kết không xếp hàng hóa trên phương tiện vận tải vượt quá tải trọng cho phép với UBND tỉnh Bắc Giang nhưng theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, cả trăm tấn xi măng Hương Sơn của Công ty CP Xi măng Bắc Giang vẫn vô tư được chủ hàng chất lên xe để chuyên chở về đại lý tận Bắc Ninh. Trong khi đó, bộ phận bán hàng cho biết, họ không quan tâm đến lái xe chở bao nhiêu...
Quy định 1, chở gấp 3 lần...
Thời gian gần đây, đường dây nóng của Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh bức xúc của người dân về tình trạng xe tải chở xi măng Hương Sơn từ Nhà máy xi măng Bắc Giang ngang nhiên chở cả trăm tấn xi măng, vô tư qua mặt lực lượng chức năng địa phương.
Trong các ngày từ 17 - 21/7, PV Báo Giao thông đã “ăn nằm” tại cổng nhà máy xi măng của Công ty CP xi măng Bắc Giang để xác minh vụ việc. Theo ghi nhận, lúc cao điểm có đến cả chục chiếc xe bồn, sơ-mi rơ-moóc, xe tải nằm nối đuôi nhau chờ “ăn hàng”. Theo một số lái xe bật mí, “nổi tiếng” nhất là xe Tùng Nam (Thuận Thành, Bắc Ninh) thường xuyên chở đến hơn... 2.000 bao xi măng, tương đương cả trăm tấn. Rồi xe Thịnh Cường (Tiên Du, Bắc Ninh), xe của Môi trường PT Hà Nội, DHL Hà Nội... đều là các “ông lớn” trong việc chở... quá tải.
Trong vai phụ xe, PV Báo Giao thông đã không khó để tiếp cận sổ theo dõi ra khỏi cổng của các xe được bảo vệ nhà máy sản xuất xi măng ghi lại: Theo đó, trên sổ ngày 18/7 ghi rõ: “XM 40 - 100 tấn - Công ty Tùng Nam”, thậm chí nhân viên bảo vệ còn quả quyết: “Tùng Nam thường đưa xe lớn đến chở nguyên 100 tấn trở lên, thi thoảng có xe nhỏ nhưng không nhiều”.
Theo quan sát của PV Báo Giao thông, thường từ 21h - 23h đêm là thời điểm các xe tải loại 2 trục và xe bồn thay phiên nhau vào nhận hàng. Riêng loại xe sơ-mi rơ-moóc cỡ lớn nằm ngoài bãi chờ đêm xuống bắt đầu nổ máy tiến vào kho để nhận hàng.
Đúng 0h5’ ngày 18/7, xe BKS 99LD - 006.49, trên đầu xe dán chữ “Tùng Nam” di chuyển từ kho bốc xếp hàng hóa của Công ty CP xi măng Bắc Giang tiến ra ngoài cổng. Theo quan sát trước đó, xi măng được xếp thành 4 hàng ngang, trong đó 2 hàng ngoài mỗi hàng 13 bao (xếp cao), hai hàng giữa xếp 14 bao và 36 hàng dài (từ đầu đến cuối rơ-moóc). Nhân lên chiếc xe chở... 100 tấn xi măng. Theo QL1, chiếc xe tiến thẳng về cao tốc Bắc Giang - Hà Nội, đến lối rẽ cầu Hồ, chiếc xe theo QL38 về khu vực thị trấn Thuận Thành để tập kết tại đại lý.
Cả ngày hôm sau, xe BKS 99LD-006.49 thản nhiên đỗ tại sân của đại lý để chờ bốc hàng xuống mà không hề gặp khó khăn gì. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn xe này chỉ được phép chở tối đa không quá 30 tấn hàng hóa, như vậy trọng lượng được chất lên xe gấp hơn 3 lần cho phép.
Công ty không quản tải trọng...
Tấm biển này được cất kỹ trong góc phòng bán hàng của Công tyCP Xi măng Bắc Giang |
Đặt lịch làm việc với lãnh đạo Công ty CP Xi măng Bắc Giang, PV nhận được trả lời từ bộ phận hành chính: “Lãnh đạo bận!”. Đề nghị được cung cấp số máy giám đốc, PV liên lạc và nhắn tin đều không nhận được câu trả lời (!?).
Điều đáng ngạc nhiên là tại Phòng bán hàng của Công ty CP Xi măng Bắc Giang sau đó, PV được nhân viên Nguyễn Huy Cần cho biết: “Chúng tôi chỉ viết hóa đơn theo đăng ký mua của đơn vị doanh nghiệp và chuyển phiếu vào trong kho để phân phối hàng. Lái xe của doanh nghiệp đến lấy hàng theo nhiều chuyến hay một chuyến cũng được, chúng tôi không quan tâm, miễn là đủ số hàng đăng ký mua, đơn vị không ai quản lý về tải trọng”.
Để minh chứng, nhân viên Cần đã đưa cho chúng tôi danh sách hàng loạt xe được viết hóa đơn. Ngoài xe Tùng Nam số hóa đơn 0005216 cấp ngày 18/7 cho Nguyễn Hữu Vinh lái xe BKS 99LD-006.49 với số lượng 100 tấn xi măng bao, còn hàng loạt xe khác đều có số lượng khủng như: Công ty CPTM DHL, hóa đơn 0005227, ngày 19/7 cho xe BKS 29C-588.17 số lượng 37 tấn xi măng rời, xe BKS 29C-702.40 với số lượng 36,8 tấn, cá biệt có xe BKS 29C-363.79 chở đến 41,79 tấn; Công ty Tuấn Phát Hà Nội, 35,820 tấn xi măng rời cho xe BKS 98C-087.87... Trong khi đó, thông thường quy định cho phép các xe bồn chở xi măng rời chỉ được phép chở đến 28 tấn. Rồi xe BKS 98C-000.28 của Doanh nghiệp Toàn Yến (Bắc Giang) chở đến 50 tấn xi măng bao...
Hóa đơn thể hiện xe BKS 98C-000.28 của Công ty Toàn Yến được cấp 50 tấn xi măng bao |
Cùng với việc cho xem hóa đơn bán hàng, nhân viên Cần còn dẫn chúng tôi ra ngoài xem chiếc biển: Bản cam kết: Đơn vị chúng tôi cam kết thực hiện không bốc xếp, vận chuyển hàng hóa quá tải, quá khổ trên phương tiện ô tô được xếp gọn vào một góc ngay bên cạnh lối vào phòng bán hàng (!?).
Trao đổi với PV, ông Dương Văn Thanh, Trạm trưởng Trạm kiểm soát tải trọng xe Bắc Giang cho biết: Trạm vẫn hoạt động 24/24h và bố trí lực lượng đầy đủ để ngăn chặn các vi phạm về tải trọng. Tuy nhiên, phần lớn các xe vi phạm tải trọng đều canh thời gian ban đêm để chạy, đêm xuống khi anh em phát hiện ở khoảng cách gần nên nhiều trường hợp, dù ra tín hiệu nhưng lái xe vẫn cố tình tăng tốc vượt trạm. Thậm chí các xe còn bố trí người “gác” lực lượng kiểm soát để căn giờ giải lao, đổi ca vượt trạm.
“Ngay sau khi nhận được phản ánh của Báo Giao thông về hoạt động chở xi măng quá tải ở Công ty CP Xi măng Bắc Giang, chúng tôi sẽ yêu cầu anh em tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát, nhất là ở thời điểm ban đêm. Đồng thời, tham mưu với cấp trên có biện pháp xử lý khi các đơn vị vi phạm điều khoản cam kết”, ông Thanh cho biết.
Trung tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng CSGT Bắc Giang cũng khẳng định: “Lực lượng CSGT sẽ tổ chức TTKS, nắm bắt quá trình hoạt động của các phương tiện vi phạm, đặc biệt là ban đêm và rạng sáng để xử lý nghiêm các trường hợp phóng viên phản ánh”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận