Tuy nhiên, cả 2 loại xe này đều sẽ phải gắn biển nhận diện xe hợp đồng khi hoạt động...
Nhận diện rõ các phương tiện kinh doanh
Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 lần thứ 9 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Đáng chú ý, tại dự thảo này, Bộ GTVT giữ nguyên đề xuất chọn phương án quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ như: Grab, Be, FastGo... mà ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ được quản lý như taxi và phải đeo mào.
Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 7 quy định: Trường hợp xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “Xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm. Theo Bộ GTVT, nội dung này, bổ sung nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi. Đồng thời, nhận diện rõ các phương tiện kinh doanh, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh, gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị.
“Thực tế thời gian qua, có tuyến đường cấm loại phương tiện này nhưng do không có nhận diện nên rất khó xử lý, dẫn đến ùn tắc giao thông và không công bằng trong hoạt động vận tải”, dự thảo nêu.
Dự thảo Nghị định lần này cũng điều chỉnh, bổ sung khoản 2 Điều 3 để định nghĩa rõ về kinh doanh vận tải. “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”, nội dung Nghị định nêu.
Bộ GTVT cho biết, định nghĩa này nhằm phân định rõ đơn vị kinh doanh vận tải với đơn vị cung cấp dịch vụ khác có liên quan hoạt động vận tải; Thể hiện đúng bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trong xu thế ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và liên kết phát triển doanh nghiệp giai đoạn hiện nay và thời gian tới, tạo sự minh bạch, tránh phát sinh đùn đẩy trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, với khách hàng trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Nghị định sớm ban hành ngày nào tốt ngày đó
Đồng tình với dự thảo Nghị định, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM nhìn nhận, không phải ngẫu nhiên mà Tòa án châu Âu phán quyết Uber là kinh doanh vận tải, Grab hay ứng dụng nào khác đang hoạt động ở Việt Nam đều tương đồng như taxi, họ quyết định giá cước, trực tiếp ký hợp đồng, điều hành lái xe, thậm chí bỏ hàng nghìn tỷ khuyến mãi sản phẩm vận tải.
“Grab chỉ là phần mềm kết nối khi không can thiệp vào quá trình kinh doanh vận tải. Nên thống nhất những vấn đề cơ bản để nghị định sớm ban hành ngày nào tốt ngày đó vì đã 3 năm chưa thống nhất được loại hình kinh doanh như Grab, Uber là quá lâu. Trong vòng 3 năm qua, đã có trên 80 nghìn xe kinh doanh dưới danh nghĩa Grab, đây là một dạng taxi thương quyền và phải được quản lý như taxi. Cần phải có nhận diện để ít nhất lực lượng chức năng biết chiếc xe đó đang kinh doanh”, ông Hỷ nói.
Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) cho rằng, các ứng dụng như Grab chỉ là phương thức đặt xe và tính tiền không khác gì so với taxi truyền thống nên không phải là mô hình kinh doanh mới. Bản chất hoạt động của các ứng dụng cũng tính tiền theo kilômét vận chuyển, trong khi đó lại không được quản lý, máy chủ của nhà cung cấp ứng dụng lại được đặt ở nước ngoài.
“Để làm rõ bản chất, cần xác định rõ tần suất hoạt động của xe hợp đồng, cần quy định tần suất xe hợp đồng chạy không quá 5 chuyến/ngày, thay vì chạy hàng chục chuyến/ngày, chạy mấy trăm mét cũng là hợp đồng điện tử như hiện nay. Về lâu dài cần có màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải để phân biệt với xe cá nhân”, ông Quý nói.
Ở góc độ doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, ông Nguyễn Ngọc Trang, Giám đốc bộ phận xe 4 bánh Grab cho rằng, Grab không phải là mô hình mới mà là sàn giao dịch thương mại điện tử và đáp ứng đầy đủ quy định của loại hình này. Một số ý kiến cho rằng Grab tự quyết định giá, thực hiện điều xe là 2 công đoạn quyết định kinh doanh hay không kinh doanh vận tải.
“Tại sao lại là 2 công đoạn này mà không phải là sở hữu xe, quản lý người lái xe, bán dịch vụ vận tải thu tiền lại không phải là công đoạn thiết yếu để quyết định Grab có kinh doanh vận tải hay không”, ông Trang đặt câu hỏi và cho rằng: “Việc đơn vị chuyên làm ứng dụng kết nối trở thành đơn vị kinh doanh vận tải, phải sở hữu xe, quản lý lái xe là không phù hợp”.
Grab không phải là sàn giao dịch vận tải
Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: “Grab luôn khẳng định mình là sàn giao dịch vận tải. Tuy nhiên, tôi cho rằng không có sàn giao dịch nào lại quyết định giá. Định nghĩa về kinh doanh vận tải trong dự thảo Nghị định là hoàn toàn chính xác, đã điều độ phương tiện, đã quyết định giá bán cho hành khách là phải chịu trách nhiệm pháp lý về chất lượng dịch vụ vận tải với hành khách”.
Theo ông Hùng, nếu ứng dụng chỉ đơn thuần là kết nối thì không được can thiệp vào quyết định giá. “Nhiều ý kiến cho rằng, Grab chỉ là nền tảng kết nối, không sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, tôi không cho là vậy, nếu tôi là người may quần áo, là chủ thương hiệu Adidas chẳng hạn, tôi không cần sở hữu máy may, không cần sở hữu công nhân, những yếu tố đầu vào này tôi có thể thuê và mua lại dịch vụ, khi đó tôi chỉ bán quần áo với thương hiệu Adidas. Không cần định nghĩa Grab là gì, chỉ cần Grab “cắm” vào vận tải, điều độ phương tiện, quyết định giá cước thì phải thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải”.
“Điều này đã được kiểm nghiệm qua 3 năm thí điểm đủ để chúng ta khẳng định Grab là taxi 4.0, không cần phải “tranh cãi” nữa. Chúng ta khẳng định Grab hay ứng dụng nào khác là dịch vụ vận tải. Nếu xét về bản chất, nền tảng kết nối hiện hay giúp taxi bỏ đàm, dùng trí tuệ nhân tạo xác định vị trí và kết nối với hành khách, quyết định mức giá. Những hoạt động điều độ tập trung, định giá tập trung đối với xe dưới 9 chỗ nên xác định là taxi. Tất cả những hoạt động kinh doanh vận tải sử dụng xe dưới 9 chỗ nên quy định là taxi".
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng dự thảo nên quy định “xe taxi được gắn hộp đèn trên nóc” để đơn vị kinh doanh vận tải lựa chọn, thay vì quy định “phải gắn hộp đèn” như hiện nay. Vì khi đã quy định toàn bộ xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ là taxi thì hộp đèn lúc này chỉ có ý nghĩa giúp hành khách nhận diện bằng mắt thường, trong khi nếu đã ứng dụng nền tảng công nghệ thì khách hàng hoàn toàn tiếp cận, nhận biết dịch vụ trong môi trường mạng.
"Với đối tượng hộ cá thể có một vài xe kinh doanh không tham gia vào nhóm ứng dụng điện tử thì chúng ta hỗ trợ theo đúng chủ trương của Nhà nước là chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và có lộ trình chuyển đổi cụ thể”, ông Hùng nói.
Ông Trần Vương Long, Chủ tịch Sàn Giao dịch vận tải hành khách Gonow cho rằng, đã là sàn giao dịch thương mại điện tử kinh doanh vận tải hành khách kết nối trung gian thì không được phép can thiệp vào các công đoạn như điều hành phương tiện, lái xe, đặc biệt là quyết định giá cước vận tải. Khi can thiệp vào giá cước đồng nghĩa với việc đã có lợi nhuận từ kinh doanh vận tải, từ đó khẳng định các đơn vị như Grab là đơn vị kinh doanh vận tải. Bản chất của Gonow tương tự Grab và nhiều ứng dụng khác, tuy nhiên Gonow không thu phần trăm chiết khấu của lái xe mà chỉ với tư cách giới thiệu khách cho chủ xe, hai bên kết nối và tự thỏa thuận giá cước, Gonow không can thiệp, mà chỉ thu một khoản phí giới thiệu nhất định. Đó mới là sàn giao dịch, kết nối vận tải.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ:
Nghị định 86 cũng không phải “gậy thần”
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, lĩnh vực quản lý kinh doanh vận tải hiện còn nhiều vấn đề tồn tại nên Nghị định mới ra đời dù có chặt chẽ đến mấy cũng khó có thể lập lại được ngay kỷ cương. Lĩnh vực này cũng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp.
“Khi Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia quyết liệt chỉ đạo giải quyết các vấn đề về xe Uber, Grab hay xe hợp đồng, nhiều địa phương cũng quản lý được. Đơn cử như Đà Nẵng đã xử lý tốt loại “xe dù, bến cóc”, công an, thanh tra xử lý nghiêm không ai có thể xin được. Tuy nhiên, một số địa phương buông lỏng không làm được lại “đổ lỗi” cho hành lang pháp lý. Nhiều quy định đã khá chặt chẽ, nhưng thực hiện không đồng bộ nên hiệu quả không cao. Có người cho rằng, Nghị định 86 là “gậy thần” để quản lý. Tôi cho rằng, Nghị định 86 không phải là “bảo bối” duy nhất trong quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải”, Thứ trưởng Thọ nói.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, nguyên nhân chính của thực trạng này là do kỷ cương không nghiêm, việc thanh kiểm tra nhiều khi còn dễ dãi, dẫn đến “lách luật” để có lợi nhuận. Tình trạng lộn xộn trong quản lý xe hợp đồng, đón trả khách trong thành phố, lách quy định mục tiêu chính là tạo lợi nhuận mà cái chính nhất vẫn là để trốn thuế. Chúng ta đang xem nhẹ và bỏ đi nhiều khâu có tác động đến an toàn, kinh doanh lành mạnh, dẫn đến hậu quả như hiện nay.
Hiện chúng ta đang quy định một loại là dịch vụ hỗ trợ vận tải, mà đã là hỗ trợ thì trách nhiệm chỉ có mức độ. Đã là vận tải thì điều kiện phải rõ ràng, nếu Grab chỉ đơn thuần cung cấp phần mềm thì không cần bàn nhiều vì pháp luật cho phép nhưng khi Grab tham gia điều độ, quyết định giá cước thì đương nhiên trở thành doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Nghị định thay thế Nghị định 86 lần này sẽ quy định chặt chẽ vấn đề phối hợp, kết nối giữa các Bộ, ngành như phối hợp với Bộ Tài chính để quản lý giá, thuế; kết nối với ngành Công an để khai thác triệt để dữ liệu kinh doanh. Những điều kiện phiền hà, sách nhiễu, đưa ra không giải quyết được nhu cầu thực tiễn, gây khó cho doanh nghiệp sẽ được loại bỏ.
“Cuối năm nay, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Luật Giao thông đường bộ đã qua hơn 10 năm thực hiện, trong khi sửa Nghị định phải theo Luật, trong khi Luật chưa bắt kịp với xu thế phát triển, nhất là từ khi bùng nổ phát triển khoa học công nghệ trong GTVT đã nảy sinh nhiều bất cập. Có nhiều nội dung của những Luật mới ra đời vượt qua khỏi Luật GTĐB. Khi xây dựng Nghị định vẫn phải trên cơ sở quy định của Luật, nếu đưa ra quy định nào đó không phù hợp với Luật sẽ bị “tuýt còi””, Thứ trưởng Thọ nói và cho rằng, Bộ GTVT cũng muốn đưa quy định màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải nhưng Luật chưa quy định cũng khó thực hiện. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là dự thảo phải phù hợp với Luật và đưa vào Nghị định tối đa những gì pháp luật cho phép để tăng cường quản lý, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp”.
T.Duy
Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội):
Tạo công bằng trong kinh doanh vận tải
Sở GTVT Hà Nội rất ủng hộ việc taxi phải đeo biển nhận diện taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải đeo biển nhận diện xe hợp đồng như quy định tại dự thảo Nghị định 86 Bộ GTVT vừa hoàn thành. Quy định rõ như vậy, lực lượng chức năng sẽ dễ dàng phân biệt và quản lý hiệu quả hơn.
Dự thảo Nghị định mới cũng yêu cầu xe hợp đồng dưới 9 chỗ chấm dứt việc ứng dụng công nghệ và phải chuyển đổi sang loại hình taxi nếu muốn tiếp tục áp dụng công nghệ. Chúng tôi cũng cho rằng, việc này sẽ tạo công bằng trong kinh doanh vận tải hơn. Xe ứng dụng công nghệ giống taxi vì đều có mục đích kinh doanh vận tải. Do đó, cần gắn logo, gắn biển nhận diện taxi điện tử để phân biệt với các xe tư nhân. Có sự phân biệt rõ ràng, các địa phương mới dễ quản lý, quy hoạch phù hợp.
Lê Tươi
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa:
Quản chặt HTX dịch vụ vận tải
Dự thảo Nghị định đã “bịt khá kín” điều kiện kinh doanh các loại hình kinh doanh vận tải để có thể quản lý được. Nghị định đã giải thích đầy đủ thế nào là chủ thể kinh doanh vận tải. Luật đã quy định 5 loại hình kinh doanh, việc phát sinh loại hình nào chúng ta định danh nó thế nào trong 5 loại hình chứ không phát sinh thêm loại hình nào khác. Tuy nhiên, trong xác định chủ thể kinh doanh, tồn tại lớn nhất hiện nay là dịch vụ hỗ trợ vận tải, đây là kẽ hở lớn nhất để các chủ thể kinh doanh vận tải khác lợi dụng lách luật.
Câu hỏi đặt ra là Hợp tác xã (HTX) dịch vụ hỗ trợ có phải là đơn vị kinh doanh vận tải hay không, tôi khẳng định 95% HTX là dịch vụ hỗ trợ, họ chỉ có mỗi việc là bán phù hiệu thu tiền. Đây là kẽ hở lớn nhất để các đối tượng lách luật, trong đó thuế chỉ là một khía cạnh. Từ các HTX này, hợp đồng điện tử hay ứng dụng công nghệ là “cấp cao” của HTX dịch vụ hỗ trợ. Nếu “bịt” được kẽ hở này sẽ giảm đáng kể vi phạm của loại hình như Grab, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
T.Duy (Ghi)
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an):
Bộ Công an đồng thuận dự thảo Nghị định
Bộ GTVT đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình soạn thảo Nghị định, trên tinh thần cầu thị, Bộ GTVT đã lắng nghe tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, xã hội và người dân để Nghị định đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn. Bộ Công an đồng thuận với dự thảo Nghị định đã cơ bản hoàn thiện.
Đối với loại hình xe hợp đồng cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ bằng việc yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình để xác định tần suất, phạm vi hoạt động của xe, điểm đi, điểm đến để có thể xử lý các hành vi xe hợp đồng chạy tuyến cố định. Đối với loại hình ứng dụng như Grab, đây là loại hình mới, ứng dụng công nghệ được nhiều người dân sử dụng nhưng cần phải làm rõ bản chất của loại hình này trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ về điều kiện an toàn phương tiện, người lái, kê khai giá cước, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Bên cạnh đó, phải quản lý phần mềm điều hành vận tải, tần suất hoạt động, trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách hay nói cách khác loại hình như Grab phải hoạt động bình đẳng với các loại hình vận tải hành khách khác như taxi truyền thống.
Hải Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận