Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã quy định riêng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe cứu hộ giao thông đường bộ.
Cụ thể, xe cứu hộ giao thông đường bộ là xe ô tô chuyên dùng có trang bị dụng cụ, thiết bị dùng để cứu hộ, hỗ trợ di chuyển hoặc chuyên chở các phương tiện giao thông đường bộ bị hư hỏng, bị sự cố.
Đáng chú ý, Luật này quy định: Xe cứu hộ giao thông đường bộ phải có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin trên xe, gắn thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe (hay có thể hiểu là camera giám sát người lái xe - PV) theo quy định.
Ngoài ra, loại xe này phải tuân thủ quy định về trọng tải của xe cứu hộ và trọng tải của xe được cứu hộ ghi trên Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia, xe cứu hộ giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và thông suốt cho các phương tiện trên đường khi nhanh chóng hỗ trợ di chuyển các phương tiện giao thông bị hư hỏng, sự cố hay tai nạn giao thông.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của phương tiện ô tô, các đơn vị cung cấp dịch vụ cứu hộ giao thông ngày càng tăng, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Hầu như tại các tỉnh, thành đều có các đơn vị cứu hộ, luôn có mặt khi nhận được yêu cầu, thậm chí là 24/7 bất kể ngày đêm. Họ đầu tư về phương tiện, trang thiết bị, ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể quản lý hoạt động của loại phương tiện này, thậm chí, một số đơn vị còn cung cấp dịch vụ cứu hộ giao thông chưa được cấp phép hoạt động, tiềm ẩn nhiều rủi ro về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Do đó, cần thiết có quy định riêng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với loại xe này, siết trách nhiệm của đơn vị kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông cũng như điều kiện về phương tiện để dễ dàng trích xuất thông tin khi cần, phục vụ công tác bảo đảm ATGT.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Bùi Xuân Duyên, Cứu hộ 116, Chi hội trưởng Chi hội cứu hộ giao thông đường bộ VN (Hội ATGT) cho biết, khi quy định ban hành có hiệu lực, các đơn vị kinh doanh dịch vụ cứu hộ sẵn sàng thực hiện, đặc biệt đối với quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Bởi đây là những trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác quản lý phương tiện, tài xế của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo TTATGT.
Song đối với quy định về dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin trên xe hiện Luật đang quy định chung chung, do đó, tại các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật, ông Duyên đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét quy định, hướng dẫn chi tiết để các đơn vị kinh doanh dịch vụ cứu hộ giao thông dễ dàng, thuận lợi trong triển khai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận