Xe cứu thương phải lắp camera giám sát người lái xe
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ quy định điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, có nội dung: Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Như vậy, so với quy định hiện hành, quy định loại xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe đã bổ sung thêm loại phương tiện xe cứu thương.
Điều này cũng phù hợp với quy định hoạt động vận tải bệnh nhân bằng xe ô tô cứu thương tại Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025).
Theo đó, quy định dịch vụ vận tải người bệnh là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô cứu thương có thiết bị y tế chuyên dùng để vận tải người bệnh cấp cứu hoặc vận tải người bệnh.
Cùng đó, xe ô tô cứu thương vận tải người bệnh phải đáp ứng các điều kiện như: phải có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin, gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Theo các chuyên gia, quy định trên là phù hợp nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động vận tải bệnh nhân bằng xe ô tô cứu thương bởi hiện nay các công ty vận tải tư nhân tham gia khá nhiều vào dịch vụ này.
Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn (bao gồm cả an toàn giao thông) cho người bệnh được vận chuyển bởi thực tế thời gian qua, tình trạng xe cứu thương vận chuyển người bệnh không phép hoạt động tràn lan tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng dịch vụ, bệnh nhân cấp cứu.
Quy định mới về xe bốn bánh có gắn động cơ
So với quy định hiện hành, Luật TTATGT đường bộ cũng có điểm mới trong định nghĩa về xe chở hàng bốn bánh khi quy định thêm về số người chở tối đa trên xe.
Cụ thể, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở hàng, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một khung xe, có tối đa hai hàng ghế và chở tối đa 05 người (không kể người lái xe), vận tốc thiết kế không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg; trường hợp xe sử dụng động cơ điện thì có công suất động cơ không lớn hơn 15 kW.
Trong đó, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế không lớn hơn 30 km/h, số người cho phép chở tối đa 15 người (không kể người lái xe).
Luật TTATGT đường bộ cũng quy định xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa phải được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe, bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Xe phải niêm yết tên và số điện thoại của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải; niêm yết giá cước vận tải đối với vận chuyển hành khách; bảo đảm đúng thời gian và phạm vi hoạt động.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quy định phạm vi hoạt động của xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương.
Khi hoạt động trong đô thị, xe chở người, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ phải tuân thủ quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với phương tiện vận tải đường bộ trong đô thị.
Cụ thể, xe chở người bốn bánh phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trình, thời gian được phép hoạt động và dừng xe, đỗ xe đúng nơi quy định; xe chở hàng phải hoạt động đúng tuyến, phạm vi và thời gian quy định đối với từng loại xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận